21/07/2018 15:39 GMT+7

Thanh, điều đó không phải là tận thế!

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH
GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH

TTO - Giáo sư Trương Nguyện Thành (giáo sư quần đùi) nhân mùa tuyển sinh 2018, ông có bài viết dành cho các bạn trẻ và đồng ý cho Tuổi Trẻ đăng.

Thanh, điều đó không phải là tận thế! - Ảnh 1.

Giáo sư Trương Nguyện Thành thường xuất hiện với sinh viên trong trang phục thoải mái - Ảnh: NVCC

Thi rớt THPT hay điểm thi không đủ để vào trường đại học mình yêu thích khi bạn bè trong lớp vui mừng đậu cao, vào được ngôi trường mơ ước; cầm tấm bằng đại học đi xin việc làm mà cứ bị từ chối trong khi bạn của mình mở tiệc ăn mừng có công việc như mơ...

Điều tôi muốn nói: thất bại ngày hôm nay không có nghĩa bạn sẽ thất bại trong tương lai và càng không có nghĩa bạn là con người thất bại. Thái độ của bạn khi đứng trước thất bại mới định nghĩa được con người của bạn

Trong trường hợp như thế, bạn rất dễ rơi vào trạng thái của người thua cuộc - cảm xúc buồn bã, cảm thấy bế tắc trước tương lai, nghi ngờ và đánh giá thấp vào khả năng của mình, thậm chí cho mình là kẻ bại trận trong cuộc sống, không có gì tốt để hi vọng cho ngày mai.

Rồi bạn có thể ngồi một mình trong căn phòng kín than thân trách phận tại sao ông trời bất công với mình, tại sao mình rơi vào ngôi sao xấu...

Nếu bạn ở trong tâm trạng ấy, tôi hiểu được vì tôi cũng đã từng.

Thật đáng tiếc!

Khi mới qua Mỹ vào tháng 9-1980, tôi chỉ biết vài chữ tiếng Anh đủ để tồn tại như hungry, drink, food, sleep... Vì đã quá tuổi, tôi chỉ được học một năm ở trung học.

Nơi tôi sống ở vùng quê hẻo lánh nên trường không có lớp tiếng Anh cho người nước ngoài (vì không có người nước ngoài!). Tôi phải tự bươn chải trong các lớp học. Cuối tháng 12, sau bốn tháng, tôi nộp hồ sơ cho một số trường đại học gần nhà.

Điểm thi TOEFL lúc ấy của tôi chỉ hơn 300 một tí trong khi muốn vào đại học thì phải 550 trở lên, học bạ trung học thì tôi không có. Với "thành tích" của tôi lúc này, "nộp hồ sơ xin vào đại học là hành động điên rồ từ ảo tưởng không thực tế" như đánh giá của ông hiệu trưởng nơi tôi theo học.

Ông khuyên tôi nên xin việc làm sau khi ra trường và ông sẵn sàng giúp đỡ để tôi có một việc ở hãng làm thịt gà tây gần đó.

Và rồi tháng 3 cũng đến, tháng mà các trường đại học có quyết định tuyển sinh. Mỗi chiều tôi chạy ra hộp thư để coi có thư từ trường đại học cho mình không.

Khi có tôi mừng lắm, cầm lá thư với tràn đầy hi vọng. Vội vàng xé phong thư để rồi nhìn thấy những dòng chữ "Thank you for your interest in the university... Unfortunately (thật đáng tiếc)...". Cái chữ "unfortunately" đập vào mắt tôi, con tim tôi như vỡ ra từng mảnh và tôi không thể nào tiếp tục đọc hết lá thư.

Hết thư này đến thư khác. Cái chữ ác nghiệt "unfortunately" cứ đánh vào mặt, vả vào tim tôi không thương tiếc. Rồi lá thư cuối cùng cũng đến. Tôi cầm nó trong tay, hồi hộp không dám mở vì sợ sự thật phũ phàng...

Sau buổi cơm chiều, mẹ nuôi tôi hỏi: "Tại sao con không mở lá thư để coi kết quả?". Tôi nói thật: "Con sợ sự thật". Bà đứng dậy cầm lá thư và hỏi "Is it OK that I open it?" (Mẹ mở nó được chứ?). Tôi gật đầu. Rồi giọng của mẹ nuôi cất lên "Dear Thanh Truong, Thank you... unfortunately...".

Tôi chỉ nghe được đến cái chữ ác nghiệt "unfortunately" rồi ù tai. Tôi xin phép mẹ để lên phòng riêng vì muốn được một mình. Khi bước lên cầu thang, tôi nghe tiếng mẹ nuôi vọng theo: "Thanh, it is not the end of the world!" (Thanh, điều đó không phải là tận thế!).

Tôi mừng rơi nước mắt!

Không ai vui khi đối diện với thất bại cả. Nhưng nếu tôi để tư duy của kẻ thua cuộc lấn chiếm mình ở khoảng thời gian ấy thì tôi không có ngày hôm nay để chia sẻ với bạn điều này.

Thời gian ngồi một mình trong phòng riêng, đối diện với thất bại, ấy là lúc tôi tự hỏi và nói chuyện với chính mình. "Thành, mày muốn gì cho cuộc sống này?", "Mày than thân trách phận rồi có giúp mày giải quyết được điều gì không?", "Mày không có gia đình hay bà con bên cạnh để nương tựa, mày phải tự lo cái mạng sống của mày!", "Trên đời không có cái gì muốn có mà không phải trả giá. Thế mày có biết cái giá cho điều mày muốn là gì không? Thế mày có dám chấp nhận trả cái giá cho nó hay không?"...

Trước mặt tôi chỉ có một lựa chọn, đó là chấp nhận số mạng hẩm hiu của mình và chờ đến hè thì đi làm ở hãng thịt gà tây như quyết định của một bạn Việt Nam có cùng hoàn cảnh giống như tôi. Nhưng tôi thực sự không can tâm.

Tuần sau đó, tôi tâm sự với các thầy cô về kết quả xin vào đại học của tôi. Họ chia buồn nhưng tôi trả lời với họ: "Điều này ngoài mong đợi của tôi nhưng tôi không có thời gian để buồn. Buồn không giúp gì mà còn cản trở tôi đạt điều mình muốn.

Điều tôi muốn là vào đại học". Tôi vào thư viện mượn thêm sách để đọc. Tôi nhờ thầy cô chỉ bài thêm mỗi khi có thời gian. Tôi cố gắng hơn gấp bội so với trước đó.

Thầy cô thấy thế viết thư cho trường đại học gần nhà (North Dakota State University - NDSU) và đồng loạt ký tên thỉnh cầu "give this student a chance and you will not regret it" (hãy cho đứa học trò này một cơ hội và bạn sẽ không ân hận bởi điều đó)...

Tuần lễ trước khi nghỉ hè, tôi nhận được lá thư từ NDSU bảo rằng trường đã xét lại hồ sơ của tôi sau khi nhận được thỉnh nguyện thư có nhiều chữ ký và quyết định chấp nhận cho tôi vào học có điều kiện (admission on probation condition). Tôi mừng rơi nước mắt!

Điều tôi muốn nói: thất bại ngày hôm nay không có nghĩa bạn sẽ thất bại trong tương lai và càng không có nghĩa bạn là con người thất bại. Thái độ của bạn khi đứng trước thất bại mới định nghĩa được con người của bạn.

Nếu chấp nhận số phận của một kẻ thua cuộc thì tương lai phía trước của bạn đã rõ. Còn nếu không chấp nhận vào số phận như tôi đã làm vào năm 1981 thì tương lai của bạn sẽ có nhiều điều tuyệt vời chưa biết trước được nhưng chắc chắn là không ở dưới đáy vực!

Tiến sĩ hóa học... chờ cơ hội mới

Đúng mười năm sau tôi cầm trong tay tấm bằng tiến sĩ hóa học và người bạn cùng hoàn cảnh năm ấy vẫn làm ở hãng thịt gà tây.

Sau khi tôi trở lại Mỹ, có nhiều bạn chia buồn (vì không được công nhận làm hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen).

Cũng như câu trả lời của 37 năm trước: đúng đó là điều ngoài mong đợi của tôi nhưng tôi không có thời gian để buồn.

Hiện tại tôi đang bỏ thời gian học hỏi những kiến thức mới, suy nghĩ và phân tích những kinh nghiệm của năm qua để khi có cơ hội sẽ làm tốt hơn gấp nhiều lần so với trước.

Giáo sư... quần đùi

Giáo sư Trương Nguyện Thành năm nay 56 tuổi, sinh trưởng tại Bình Định, trong một gia đình có bảy anh em. Năm 1980 ông đi Mỹ. Năm 1985, tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi, ngoài bằng hóa học, còn lấy luôn bốn bằng phụ về lý, toán, kế toán và công nghệ thông tin.

Năm 1990, nhận học vị tiến sĩ. Sau đó học tiếp sau tiến sĩ ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý.

Năm 1993 đoạt giải "Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ".

Năm 2002 được phong giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ) khi 41 tuổi. Ông có nhiều bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế. Năm 2005, ông được UBND TP.HCM mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán. Sau đó, ông được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM.

Từ cuối năm 2016, ông là phó hiệu trưởng điều hành Trường đại học Hoa Sen. Đầu năm 2018, ông được HĐQT của Trường đại học Hoa Sen tín nhiệm trong cuộc họp bầu hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 nhưng Luật giáo dục đại học quy định hiệu trưởng phải đạt đủ tiêu chuẩn năm năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do đó, ông không được công nhận vị trí hiệu trưởng.

Ông rời Trường đại học Hoa Sen, trở về Mỹ và tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy về sự khai mở, sáng tạo như một hướng đi riêng của mình. (Đ.Đ.)

Vướng cơ chế, không thể bổ nhiệm hiệu trưởng với

TTO - Dù được ĐH Hoa Sen và TP.HCM đề xuất, GS Trương Nguyện Thành vẫn không được bổ nhiệm hiệu trưởng. Liệu với cơ chế đặc thù, TP.HCM có thể tự quyết trường hợp này?

Thanh, điều đó không phải là tận thế! - Ảnh 6.
GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên