11/11/2018 10:39 GMT+7

Thanh Đa: đấu thầu để hết 'treo'

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Mới đây, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết chủ trương của TP.HCM là tổ chức đấu thầu chọn chủ đầu tư cho dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, kỳ vọng sẽ bảo đảm chọn được nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai nhanh dự án.

Thanh Đa: đấu thầu để hết treo - Ảnh 1.

Cảnh hoang sơ của bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) nhìn từ khu Thảo Điền, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, bên lề hội nghị Thành ủy ngày 16-10, lãnh đạo TP.HCM cho biết việc đấu thầu để chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, theo quy định, có thời gian dưới 800 ngày. Cho nên, việc đấu thầu hay chọn thầu liên quan đến thời gian thực hiện dự án.

Đấu thầu để chọn nhà đầu tư mạnh

Ông Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng các quy định về việc chọn chủ đầu tư của các dự án (có sử dụng đất) đã đầy đủ, trường hợp nào có thể giao chỉ định, trường hợp nào đưa ra đấu thầu. 

Vì vậy, không có lý do gì cứ phải chỉ định nhà đầu tư để rồi phải gặp trục trặc hết lần này đến lần khác.

Trước đó, TP.HCM đã hai lần chỉ định nhà đầu tư thì hai lần đều gặp sự cố, dẫn đến dự án trì trệ mãi đến nay, rơi vào tình trạng quy hoạch "treo" đã 26 năm.

Ông Sơn cho rằng nếu ngay từ năm 2010, khi vừa thu hồi dự án khu đô thị Thanh Đa từ Tổng công ty Đầu tư xây dựng Sài Gòn, TP.HCM bắt tay vào thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất thì đến nay mọi chuyện đã khác. 

"Tại sao cứ chỉ định nhà đầu tư khi hình thức này gặp rủi ro nhiều hơn và thực tế đã chứng minh thời gian hoàn tất thủ tục chỉ định nhà đầu tư (có sử dụng đất) kéo dài quá lâu?" - ông Sơn đặt vấn đề.

Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM băn khoăn lãnh đạo TP.HCM đều khẳng định quyết tâm thực hiện dự án trên bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, thậm chí muốn làm nhanh, nhưng vẫn chỉ chọn đúng một công thức là chỉ định chủ đầu tư cho dự án là điều cần suy nghĩ.

26 năm "sống treo" ở Thanh Đa

TTO - Hơn 25 năm được quy hoạch, ba lượt chủ đầu tư đến rồi đi, bán đảo Thanh Đa hiện nay vẫn là quy hoạch "treo". Trên 3.000 hộ dân nơi đây đã "sống treo" gần nửa đời người và chưa biết còn "treo" đến khi nào.

Thanh Đa: đấu thầu để hết treo - Ảnh 3.

Bị treo suốt 26 năm, người dân bán đảo Thanh Đa khốn đốn vì nhà cửa tạm bợ, họ buộc phải cải tạo nhà cửa bên trong, bên ngoài quây tôn để "ngụy trang" - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Đấu thầu mất bao lâu?

Trong khi đó, bà Vũ Quỳnh Lê, phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho rằng quá trình tổ chức đấu thầu nhanh hay chậm là do địa phương chứ không phải do quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điểm qua quy trình đấu thầu dự án có sử dụng đất theo nghị định 30 năm 2015 của Chính phủ, bà Quỳnh Lê cho rằng thời gian lựa chọn nhà đầu tư tối đa mất khoảng 330 ngày, chứ không đến 800 ngày như dự kiến của TP. 

Tuy nhiên, "nếu TP.HCM tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thì sẽ mất nhiều thời gian hơn tổ chức đấu thầu trong nước".

Một chuyên gia về đấu thầu tại TP.HCM cho biết trong thực tế TP.HCM gần như chưa có dự án nào có sử dụng đất được đưa ra đấu thầu chọn nhà đầu tư có quy mô lớn như dự án ở Thanh Đa. 

Theo quy định, thời gian thực hiện các bước trong quy trình đấu thầu chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất không đến 800 ngày.

"Nếu như sau bước sơ tuyển, chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng năng lực thực hiện dự án thì sẽ không tổ chức đấu thầu rộng rãi nữa mà làm thủ tục để chỉ định thầu cho nhà đầu tư này. Lúc đó, thời gian sẽ rút ngắn hơn" - vị này giải thích.

Nên đấu thầu quốc tế

cuxa-thanhda

Một góc cư xá Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - khẳng định nếu được định hướng quy hoạch phát triển đúng hướng, tương lai đô thị Thanh Đa - Bình Quới sẽ trở thành một trong 4 trụ cột đô thị của TP.HCM.

Theo ông, một số nhà đầu tư lớn trong nước có thể liên kết với nhau làm dự án, nhưng lựa chọn tốt nhất vẫn là đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, như vậy cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có cơ hội tham gia.

Theo ông Châu, đấu thầu quốc tế rộng rãi là phương án đầu tư tốt nhất để lựa chọn nhà đầu tư dự án Thanh Đa - Bình Quới.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Châu cho rằng trước hết cần đẩy nhanh xây dựng đề bài đấu thầu để sớm lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Ông cho biết hiện Hiệp hội các nhà đầu tư kinh doanh của Nhật Bản gồm 58 tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có nhiều thành viên đã hợp tác đầu tư bất động sản tại TP.HCM đang quan tâm tới dự án này.

Bán đảo Thanh Đa - Bình Quới có khoảng 3.000 hộ dân sinh sống, dân số 45.000 người, đang phải chịu cảnh quy hoạch "treo" 26 năm.

Một dự án đô thị mới Thanh Đa - Bình Quới đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch với nhiều kỳ vọng từ 20 năm nay chưa thành hiện thực, đã có nhiều nhà đầu tư được chỉ định thực hiện nhưng tiến độ vẫn không nhúc nhích.

Tổng mức đầu tư dự án đô thị Thanh Đa - Bình Quới khoảng 30.700 tỉ đồng.

BẢO NGỌC

Đại diện Tập đoàn Bitexco: Muốn được giao dự án

Ngay từ khi bắt đầu tiến hành các thủ tục đầu tư dự án, Tập đoàn Bitexco đã giữ vai trò chủ đạo nên khi Công ty Emaar Properties PJSC rút khỏi liên danh không ảnh hưởng nhiều đến quyết định đầu tư.

Tập đoàn Bitexco luôn có đủ kinh nghiệm và nguồn lực tài chính để triển khai dự án như cam kết. Chúng tôi đã đề nghị UBND TP.HCM được tiếp tục đầu tư dự án.

Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Bitexco chưa chính thức nhận được phản hồi của TP về việc điều chỉnh về phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư cho liên danh Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC.

Nếu UBND TP.HCM điều chỉnh quyết định trên, chỉ còn Tập đoàn Bitexco thực hiện thì tập đoàn sẵn sàng cùng cơ quan chức năng đo đạc, kiểm đếm làm thủ tục bồi thường. Chỉ sau một năm có thể bắt tay vào bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Nếu UBND TP.HCM chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì sẽ có nhiều bất cập. Việc thẩm định thủ tục, quy trình như của nhà đầu tư Bitexco cũng kéo dài mất 5 năm.

Giả sử có những nhà đầu tư khác đủ năng lực e rằng đến năm 2020 cũng chưa chắc đã xong.

* Thứ trưởng Bộ Xây dựng PHAN THỊ MỸ LINH:

Khi TP.HCM đề xuất, bộ sẽ có ý kiến

Về chủ trương thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đô thị Thanh Đa - Bình Quới, đến nay Bộ Xây dựng chưa nhận được văn bản đề xuất cụ thể của TP.HCM. Khi có đề xuất bộ sẽ có quan điểm rõ ràng.

Nhưng TP.HCM cần khẩn trương đánh giá mức độ xuống cấp của các nhà chung cư ở khu vực này nghiêm trọng tới đâu để có giải pháp và cần sớm cải tạo lại các chung cư cũ ở đây.

* TS NGUYỄN VIỆT HÙNG (nguyên vụ trưởng Vụ quản lý đấu thầu - Bộ KH&ĐT):

Trông chờ Nhà nước không biết đến bao giờ

Hiện TP.HCM không có tiền đầu tư thì việc huy động vốn tư nhân thông qua đấu thầu là cách tốt nhất để cải thiện khu vực đô thị Thanh Đa - Bình Quới.

Khi thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ đóng góp một phần lợi nhuận cho Nhà nước, và sau khi hết thời hạn sử dụng đất họ sẽ bàn giao lại tài sản cho TP, như vậy sẽ giảm gánh nặng đầu tư từ vốn nhà nước.

Tóm lại, Nhà nước sẽ được một cơ sở hạ tầng tốt tại khu vực đô thị Thanh Đa - Bình Quới mà không phải bỏ tiền đầu tư. Nếu trông chờ Nhà nước đầu tư không biết tới bao giờ người dân mới có được cơ sở hạ tầng tốt hơn cho cuộc sống của chính họ.

* Ông NGUYỄN TRỌNG HÒA (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Rất nhiều nhà đầu tư muốn làm

Quy hoạch 1/2.000 của khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới có sức thu hút nhà đầu tư, đây là dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm và muốn làm, trong đó không ít nhà đầu tư có nguồn lực mạnh, nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài. Nhà nước công khai minh bạch trong việc chọn nhà đầu tư thì sẽ có nhiều người tham gia.

Theo tôi, Nhà nước nên đấu thầu mới có khả năng chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự, đủ mạnh để triển khai dự án nhanh và trọn vẹn.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên