TTCT - Nhiều người trẻ không được đào tạo ban đầu bài bản, không có bằng cấp chuyên môn nhưng đã bước đầu thành công với công việc "tay ngang" nhờ đam mê, tự học hỏi từ thực tế và đồng nghiệp. Nhiều người trẻ không được đào tạo ban đầu bài bản, không có bằng cấp chuyên môn nhưng đã bước đầu thành công với công việc "tay ngang" nhờ đam mê, tự học hỏi từ thực tế và đồng nghiệp. Nhiếp ảnh gia Loan Bé. Ảnh: NVCCBuổi sáng, nhiếp ảnh gia Loan Bé vác máy đi chụp ảnh sự kiện, chiều đi chụp sản phẩm quảng cáo, tối qua lớp học chụp ảnh nâng cao hoặc ngồi trong tiệm sửa ảnh đến nửa đêm. Lịch trình bận rộn này của cô suốt mấy năm qua không chỉ để xây dựng thương hiệu mà còn chuẩn bị cho ước mơ mở được một tiệm ảnh ở quê nhà tại thị xã Tân Châu (An Giang).Cô shipper trở thành nhiếp ảnh giaNay đã là nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh các nghệ sĩ, ảnh sự kiện có chút tiếng tăm song Loan Bé (tên thật là Bé Loan) từng lăn lộn qua nhiều nghề chỉ mong đủ tiền nhà trọ và ăn uống mỗi tháng. Tốt nghiệp cấp III, cô đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan 4 năm rồi về Việt Nam, làm thu ngân, đi giao hàng… Một lần lướt mạng, Loan thấy một bài đăng tuyển trợ lý nghệ sĩ, cô đánh liều ứng tuyển. Cô rớt "từ vòng gửi xe" nhưng được giới thiệu làm công việc cầm đèn, vác đồ cho một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cho những người nổi tiếng và các sự kiện quảng cáo lớn.Đi cầm đèn, vác máy cho người này, cô chứng kiến quá trình chuẩn bị, chụp ảnh, làm hậu kỳ cho đến khi ra sản phẩm ảnh, hiệu ứng của những tấm ảnh đối với công chúng bên ngoài. Dần dần, câu chuyện đời sống của từng tấm ảnh thu hút tâm trí, cô bắt đầu để ý cách xây dựng kịch bản cho một buổi chụp ảnh, xây dựng câu chuyện mà những tấm ảnh muốn kể cho người xem. Cô thực hiện ý định của mình bằng cách dùng tiền tiết kiệm mua một bộ máy ảnh tốt rồi tập tành chụp, chờ lúc nhiếp ảnh gia rảnh thì đem ra hỏi ý kiến, nhờ góp ý thêm.Một cơ hội be bé đến với Loan khi nhiếp ảnh gia của cô bận bịu với các hợp đồng lớn, thiếu người chụp những sự kiện nhỏ. Người này giao việc chụp ảnh sự kiện cho cô với yêu cầu cơ bản là chụp sáng mặt nghệ sĩ. "Tôi chụp xong, thức suốt đêm để chỉnh sửa hình ảnh. Làm đi làm lại, hết cách này rồi lại thử cách khác xem có tốt hơn không. Tốn nhiều thời gian nhưng vẫn làm vì đâu phải lúc nào người ta cũng trao cơ hội", Loan kể.Bé Loan (cầm máy ảnh) trong một lần tác nghiệp. Ảnh: NVCCSau hai năm cầm đèn vác máy, năm 2022, Loan Bé chính thức kiếm tiền bằng công việc nhiếp ảnh. Tiền công chụp sự kiện của cô chỉ khoảng 500.000 - 700.000 đồng/buổi, nhưng bù lại các khách hàng luôn vui vẻ và sẵn sàng trao đổi những điều họ chưa hài lòng. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của Loan Bé đến từ việc chụp hình sự kiện, chụp ảnh quảng bá cho nghệ sĩ và sản phẩm quảng cáo. Thu nhập từ nghề nhiếp ảnh không ổn định, thường khoảng 20 - 30 triệu đồng mỗi tháng, nhưng những tháng cao điểm, Loan và nhóm cộng sự của cô có thể thu được trên dưới trăm triệu đồng.Dù làm không hết việc, nhiếp ảnh gia 28 tuổi này vẫn đăng ký khóa học pha màu để nâng cao tay nghề. "Mình yếu cái gì sẽ tìm cách cải thiện cái đó. Trước đây, vì lo cơm áo gạo tiền nên tôi không được học nhiếp ảnh bài bản từ đầu, giờ học bù để nâng cao tay nghề và quan trọng là không lặp lại chính mình", Loan chia sẻ.Thành công nhờ "rẽ ngang"Sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, Hoàng Quốc Anh (tên thật là Hàng Ngô Anh Quốc) làm nhân viên bán hàng. Sau đó, anh được tuyển làm trợ lý biên kịch tại một công ty giải trí, rồi trải qua vị trí trợ lý gameshow, trợ lý nghệ sĩ. "Trợ lý là làm tất tần tật từ che dù, mang nước uống, hành lý đến chọn quần áo, giày dép, trang sức… cho nghệ sĩ", Quốc Anh nói về những tiếp xúc đầu đời và cơ duyên đưa mình đến với nghề tạo mẫu thời trang (stylist).Fashion stylist Hoàng Quốc Anh chỉnh sửa lại trang phục cho diễn viên Nguyên Thảo. Ảnh: NVCCNhững năm tháng này, Quốc Anh tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau, mỗi người có một hình thể, tính cách, sở thích riêng. Chọn áo quần, trang sức cho nghệ sĩ phải phù hợp với vóc dáng, phong cách người mặc (có người muốn hài hòa với các bạn đồng diễn nhưng cũng có người muốn nổi bật), phù hợp với tính chất chương trình họ tham gia… "Tôi bắt đầu thử thẩm định nhân vật và chọn áo quần theo cách nhìn của mình đề nghị diễn viên thử phong cách mới. Qua những lần vừa làm vừa học, tôi nhận ra mình có chút năng khiếu thẩm mỹ với thời trang và cảm thấy rất thích thú khi mày mò sáng tạo những cách phối hợp áo quần, phụ kiện, trang sức mới", Quốc Anh kể.Bước ngoặt sự nghiệp của anh là vào năm 2023 khi diễn viên Nguyên Thảo tham gia cuộc thi Miss Grand Vietnam. "Những bộ trang phục mà chị Thảo mặc trình diễn trước công chúng trong quá trình thi là do tôi làm tạo mẫu" - anh nói. Quốc Anh cũng từng được giao nhiệm vụ phối hợp cho bộ sưu tập 60 mẫu cho một buổi biểu diễn thời trang của hoa hậu Khánh Vân, tham gia tạo mẫu cho các thí sinh, nghệ sĩ, diễn viên trong các cuộc thi hoa hậu, các buổi chụp ảnh, đi sự kiện…"Mỗi lần nghệ sĩ đi sự kiện hay chụp hình, tùy yêu cầu mỗi người có muốn may đồ mới hay không. Nếu may đồ mới thì bàn về ý tưởng, phom dáng, sau đó tôi trao đổi với nhà thiết kế để họ làm bản vẽ và đặt thợ may", Quốc Anh nói và cho hay khi nghệ sĩ do mình làm stylist bước lên thảm đỏ, sau những cảm xúc là lúc anh nhìn tổng thể xem bộ đồ đó có chỗ nào chưa ổn để rút kinh nghiệm cho lần sau.Quốc Anh nói anh vào nghề có may mắn là được nhiều người ủng hộ và chỉ dạy, cùng với chút năng khiếu thẩm mỹ về thời trang. Nhưng anh cũng phải tự học rất nhiều thứ từ ngôn ngữ màu sắc, thời trang, nghiên cứu bảng màu hằng năm để theo kịp xu thế.Hoàng Yến làm mẫu cho một bộ sưu tập thời trang. Ảnh: NVCC"Mỗi ngày tôi đều dành thời gian tự học. Sau mỗi buổi trình diễn, tôi tìm lại video để nghiên cứu, xem sản phẩm của mình để lọc những cái hay, tìm ra những điều còn hạn chế, ghi chú lại cho lần sau. Mình "tay ngang" nên phải học nhiều hơn mới có cơ hội phát triển", anh nói.Dược sĩ Trần Thị Hoàng Yến (quận 6, TP.HCM) thì phát hiện bản thân mình phù hợp với nghề làm người mẫu ảnh hơn việc đứng sau quầy thuốc. Ban đầu, bạn bè giới thiệu Yến làm mẫu thử đồ phát trực tiếp (livestream) bán hàng cho một cửa hàng quần áo thời trang. Lần đầu tiên vào "nghề", Yến chỉ đứng nhìn và làm theo người khác, nói chuyện cũng lắp bắp. Những ngày sau đó, cô thức đêm chăm chỉ tìm video của những người đi trước học hỏi, tự viết ra những lời giới thiệu sản phẩm, học thuộc, tưởng tượng mình đang livestream để nói với khách hàng. Qua vài buổi làm thật, Yến mới bắt đầu dạn dĩ giới thiệu sản phẩm, trả lời bình luận của khách và tự tin tạo dáng trước ống kính.Rồi Yến được các agency chuyên nhận quần áo về chụp mẫu cho các cửa hàng mời về làm người mẫu. Tiền công làm mẫu cho bên thứ ba không cao, nhưng bù lại có việc thường xuyên và được truyền thêm kinh nghiệm nên Yến chăm chỉ nhận việc. Mỗi ngày lắng nghe một góp ý, tích lũy từng chút một, Yến dần thuần thục. Từ một người mẫu cho các cửa hàng thời trang, cô được giới thiệu làm mẫu quảng cáo cho các nhãn hàng. Cô tiếp tục học diễn xuất để tham gia đóng các clip quảng cáo ngắn. Biết mình không được đào tạo từ trường lớp bài bản, không có nền tảng như những người chuyên nghiệp, cô người mẫu tay ngang sinh năm 1999 này không ngừng tìm tòi học hỏi. Ngoài các tài liệu về ngành thời trang, quảng cáo, cô tìm đọc nhiều sách phân tích về ngôn ngữ cơ thể, tâm lý đám đông trên mạng xã hội… tự bồi dưỡng bản thân.Sau 4 năm tập tành làm người mẫu tự do, hiện mỗi tháng Yến kiếm được từ 20-30 triệu đồng tiền công, tháng cao điểm có thể được gần 50 triệu đồng. ■ Tags: Biểu diễn thời trangXây dựng thương hiệuDiễn viên tay ngangNghề nghiệpTay ngang
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Chiều 25 Tết, các điểm đầu TP.HCM ken đặc, hành khách xếp hàng ở sân bay nhiều giờ THU DUNG 24/01/2025 Chiều 24-1, người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đường phố TP.HCM càng về chiều càng đông, cuộc xuân vận bắt đầu diễn ra.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư lậu, tuyên bố 'chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử' KHÁNH QUỲNH 24/01/2025 Ngày 23-1, chính quyền mới của ông Trump đã bắt hàng trăm người nhập cư trái phép và trục xuất nhiều người ra khỏi nước Mỹ bằng máy bay quân sự.