Thành công phụ thuộc vào tầm nhìn

HỒNG NHUNG THỰC HIỆN 22/06/2016 01:06 GMT+7

TTCT - TP.HCM có kế hoạch phủ sóng WiFi công cộng và hướng đến một thành phố thông minh. Với tư cách là chuyên gia từng tham gia nhiều dự án kết nối thông minh, ông Phan Thanh Sơn, nguyên tổng giám đốc Cisco Vietnam, trao đổi với TTCT về điều kiện để triển khai cũng như hình thức đầu tư phù hợp.

Ông Phan Thanh Sơn -(ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Phan Thanh Sơn -(ảnh nhân vật cung cấp)


Nhận xét về các dịch vụ WiFi hiện tại, ông Phan Thanh Sơn cho rằng:

- Khi nói đến mô hình dịch vụ WiFi trên phạm vi đô thị ở VN, người ta thường nói đến Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, Huế... những nơi có một đặc điểm chung là thu hút du lịch, phạm vi nhỏ, số lượng người dùng miễn phí (cả dân địa phương và khách du lịch) vừa phải.

Ông Phan Thanh Sơn là nhà tư vấn cao cấp về “smart city” và “digital transformation” với hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý, tư vấn, phát triển thị trường công nghệ thông tin- viễn thông. ông còn là nhà tư vấn cao cấp trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm/quản lý/lãnh đạo cho Simitri Group. Trước đó ông nguyên là tổng giám đốc Cisco Việt Nam. Ông sơn cũng là diễn giả về các xu hướng công nghệ tương lai, IoT( internet of thing), đô thị thông minh và công nghiệp kết nối tại các sự kiện lớn ở Việt Nam

Theo hiểu biết của tôi, thành phố có mức triển khai lớn nhất như Đà Nẵng cũng chỉ dưới 500 điểm phát sóng với băng thông tổng khoảng 100Mbps. Nếu triển khai ở mức phủ kín, chất lượng cao, đa dịch vụ, ở mức 50-100%, cần đến 5.000-10.000 bộ phát sóng.

Về số lượng, nếu so sánh với các nước, triển khai “city WiFi” ở VN còn ở mức nhỏ và chưa khai thác hết các trường hợp sử dụng.

Việc triển khai ở VN hiện có gì giống và khác so với các nước?

- Theo tôi, ở VN chúng ta đang tập trung chủ yếu vào phần truy xuất Internet miễn phí cho công dân và khách vãng lai ở một số khu vực nhất định.

Trong các khu vực doanh nghiệp, để tạo sự cạnh tranh cũng như tăng hiệu quả điều hành, nhiều doanh nghiệp đã tự đầu tư hệ thống WiFi, chủ yếu là in-door. Một số trường học, trường đại học cũng đã tự đầu tư hay làm việc với nhà cung cấp dịch vụ băng rộng để triển khai trong khuôn viên trường kết hợp cả in-door và out-door.

Một số sự kiện lớn quy mô đô thị cũng bắt đầu triển khai mô hình WiFi miễn phí và dùng quảng cáo WiFi để cân đối chi phí. Chúng ta đang có cơ hội để triển khai dịch vụ công dân tham gia vào cung cấp thông tin cho quản lý đô thị và ba nhóm dịch vụ còn lại.

Để phát triển đô thị thông minh, hệ thống mạng WiFi công cộng cần những điều kiện và tiêu chuẩn gì?

- Qua các nghiên cứu tôi thấy hệ thống “city WiFi” cần cung cấp WiFi chất lượng đảm bảo bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và dịch vụ theo địa điểm. Các thông tin hỗ trợ quá trình hoạch định đô thị và các dữ liệu phân tích phục vụ cho các nhóm dịch vụ khác.

Thúc đẩy sự phát triển của thương mại địa phương bằng việc tăng trải nghiệm tại các khu vực bán lẻ và trung tâm hoạt động kinh doanh. Tạo được nền tảng cho cách tân IoT (Internet of things) qua việc cung cấp các kết nối đa dạng, hợp tiêu chuẩn ngành/lĩnh vực, an toàn, đảm bảo chất lượng.

Để triển khai mạng lưới WiFi công cộng phủ hết TP.HCM phục vụ cho đô thị thông minh, chi phí triển khai và duy trì lớn đến mức nào?

- TP.HCM có khoảng 500km2 nội thành. Giả sử chúng ta cần phủ sóng 50% nội thành, theo một thiết kế định cỡ của một hãng uy tín (xin không nêu tên) thì chi phí cho phần thiết bị, phần mềm, dịch vụ kỹ thuật cũng lên đến hơn 20 triệu USD (chưa tính đến dịch vụ khảo sát, triển khai).

Do đây là công nghệ out-door mesh wireless nên việc triển khai và vận hành đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và kỹ thuật viên được đào tạo chuyên nghiệp về out-door wireless/radio như ở các nhà mạng.

Chi phí duy trì do vậy sẽ lớn, nên để cân đối chi phí cần có các mô hình kinh doanh các dịch vụ trong những nhóm khác nhau để tạo ra các nguồn thu bên cạnh việc cung cấp dịch vụ free city WiFi miễn phí.

Không có doanh nghiệp, ban ngành, cá nhân nào muốn tự đầu tư, điều hành mạng này nhưng đều có nhu cầu sử dụng nên chắc chắn khi có dịch vụ city WiFi đáp ứng nhu cầu cá nhân, doanh nghiệp sẽ chuyển sang dùng dịch vụ city WiFi (cả miễn phí và tính phí theo nhu cầu chất lượng dịch vụ) và trên cùng một hệ thống đô thị lại có thể cung cấp dịch vụ hạ tầng cho hệ thống đô thị thông minh và chính phủ điện tử.

Thành công hay không, bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn đô thị thông minh và city WiFi như một thành phần của kế hoạch triển khai đô thị thông minh ngay từ ban đầu cũng như mô hình đầu tư, kinh doanh để cung cấp dịch vụ này.

Dự án phủ sóng toàn bộ Singapore có tổng đầu tư lên đến 100 triệu USD với phần đóng góp của chính phủ là 30 triệu USD, kết hợp với Singtel, M1, StarHub, Y5Zone trong kế hoạch 10 năm IN2015 khởi xướng từ năm 2005.

Như vậy, theo ông, triển khai tại VN hướng đầu tư nào sẽ là tối ưu? Kinh nghiệm quốc tế như thế nào?

- Không có câu trả lời duy nhất về mô hình đầu tư, tất cả đều có thể công - tư, nếu đó là bài toán “win-win”.

Cơ sở hạ tầng này rất quan trọng cho cả tầm nhìn đô thị thông minh, cũng như cơ hội nên chính quyền đô thị cần có những quyết định sáng suốt để chọn được mô hình đầu tư hiệu quả nhất. Băng thông WiFi tuy là tự do nhưng trong khu vực outdoor là tài nguyên chung, toàn bộ đô thị kết nối là một cơ hội lớn cho các dịch vụ công ích cũng như kinh doanh, cần phải hiểu rõ để có một cuộc chơi “win-win” với đối tác.

Chính quyền đô thị phải nhìn cái được của toàn bộ người dân, doanh nghiệp, đối tác với đô thị và chính đô thị trong tương lai là thực thể mình đại diện trong thương thảo “win-win” với đối tác đầu tư. Về mặt điều hành, trên thực tế có cả mô hình thuê ngoài một nhà cung cấp dịch vụ được ủy thác quản lý (MSP), một nhà tích hợp (SI) hay do chính bộ phận công nghệ thông tin của đô thị.

Xin cảm ơn ông.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận