26/01/2019 10:24 GMT+7

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 2: 'Trái tim' của làng hoa

THÀNH NHƠN -  MẬU TRƯỜNG
THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG

TTO - Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp được cho là 'trái tim' của làng hoa Sa Đéc, bởi nơi đây đảm nhận việc nghiên cứu, lai tạo các giống hoa mới phục vụ nông dân.

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 2: Trái tim của làng hoa - Ảnh 1.

Vườn hoa giống trong Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Trung tâm luôn tìm tòi các giống hoa mới để người trồng hoa có thêm nhiều sự lựa chọn, từ đó đa dạng thêm màu sắc của làng hoa Sa Đéc

Ông Nguyễn Thanh Hùng

Hàng chục giống hoa cấy mô ra đời từ trung tâm với tính đồng nhất, màu sắc đẹp mắt cùng những phẩm chất nổi trội đã góp phần quảng bá thương hiệu hoa .

Hoa là tri kỷ

Sau khi thay quần áo bảo hộ và đi qua hệ thống tiệt trùng, chúng tôi theo ông Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, bước vào phòng nuôi cấy mô.

Giới thiệu sơ qua về phòng pha môi trường, hấp sấy môi trường, trữ môi trường, ông Hùng chỉ tay về phía phòng cấy mô rồi giải thích: "Đây là phòng cấy mô, đòi hỏi tất cả dụng cụ nuôi cấy mô phải được tiệt trùng. Người ngoài tuyệt đối không được vào phòng này nhằm đảm bảo cây trồng sạch bệnh. Phòng này đảm nhận việc cấy mô vào môi trường. Công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ và chịu khó nên phần lớn đều là các lao động nữ".

Trong phòng cấy có 5 lao động nữ đang cần mẫn dùng dụng cụ gắp từng cây cấy mô đặt vào môi trường, tất cả đều được thực hiện cẩn thận và đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối.

Chị Nguyễn Thị Anh Tú, kỹ thuật viên đảm nhận việc cấy chuyền tại phòng nuôi cấy mô, cho biết công việc tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo, chỉ cần sơ suất có thể dẫn đến hỏng phôi cấy.

"Công việc của mình là cấy chuyền, tức là nhân cây cấy mô theo cấp số nhân, từ một mô ban đầu sẽ cấy chuyền ra nhiều cây để có thể cung cấp số lượng lớn đến tay nông dân" - chị Tú cho biết.

Do lượng cây giống cấy mô cung ứng vào thời điểm trước tết cho nông dân rất lớn, có thể lên đến hàng trăm ngàn cây nên vừa qua mùa tết, trung tâm đã tất bật vào việc chuẩn bị đủ số lượng cây giống để cung ứng cho người dân ở vụ hoa tết năm sau. "Nhân lực anh em hiện tại chỉ có thể cung ứng 300.000-500.000 cây.

Theo tính toán, đến năm 2020 lượng cây cấy mô cung ứng có thể lên tới 1,5-2 triệu cây giống. Hiện trung tâm vẫn đang đau đầu với bài toán năng lực" - ông Hùng cho biết.

Tại đây, hoa như người bạn tri kỷ đối với người làm công tác nghiên cứu, lai tạo. Theo ông Hùng, để cho ra thị trường 1 giống hoa cấy mô đòi hỏi quy trình có khi lên đến 3, 4 năm từ khi chọn giống, cấy mô, trồng khảo nghiệm đến lúc chuyển giao cho người dân. Do đó, nếu không có sự đam mê thì khó có thể gắn bó với công việc này.

"Để có những giống hoa đẹp phù hợp với vùng khí hậu miền Tây, các kỹ sư trẻ của trung tâm phải đi nhiều nơi tìm những giống hoa mới lạ để cấy mô, rồi đưa ra chăm sóc, trồng khảo nghiệm để kiểm tra đặc tính của hoa. Qua nhiều lần thẩm định về độ đồng nhất, sức sống, màu sắc thì hoa mới được chuyển giao đến nông dân. Tưởng là dễ nhưng khó vô cùng. Chỉ cần một cá thể đột biến theo hướng khác là phải nghiên cứu, lai tạo lại" - ông Hùng chia sẻ.

"Bài học" cúc đồng tiền

Trong hàng chục giống cấy mô của trung tâm, hoa cúc đồng tiền được người dân làng hoa ưu ái lựa chọn khi hằng năm cung ứng ra thị trường 120.000 - 150.000 cây. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi giống hoa trên được ưa chuộng như hiện tại, từng có thời điểm (2014) cúc đồng tiền bị người dân ruồng bỏ vì trồng bao nhiêu chết bấy nhiêu.

Nhiều kỹ sư của trung tâm bị người dân gán cho biệt danh "tiến sĩ giấy", vì hoa khi trồng ngoài thực tế chết la liệt. Đối với người dân chỉ trông chờ vào vụ hoa tết, "bát cơm" ngày tết của gia đình xem như đã bị hất đổ.

Sau khi trung tâm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật và trồng trọt vào cuộc mới tá hỏa là nông dân trồng theo quy trình riêng của mình, không làm theo quy trình mà trung tâm đã tập huấn chuyển giao.

Sau khi người trồng hoa rút kinh nghiệm, những vụ sau đó hoa cúc đồng tiền mới tăng dần tỉ lệ sống. Đến nay, giống hoa này đã thích nghi gần như hoàn toàn với vùng khí hậu Sa Đéc, trở thành niềm tự hào của trung tâm.

Sau bài học mang tên cúc đồng tiền, uy tín của trung tâm được nâng lên, các giống hoa cấy mô sau này đều được chuyển giao thành công. Người dân từ chỗ mất niềm tin, không thèm trồng hoa cấy mô thì hiện tại phải đặt hàng trước hàng tháng để được giống tốt. Năm nay, trung tâm cho ra đời một giống hoa mới mang tên cúc Pico (cúc siêu lùn) với nhiều màu sắc, có thể chưng lâu trong ngày tết. Hiện giống hoa trên luôn không đủ cung ứng.

Du học về hoa

Kỹ sư trẻ Phan Thị Kiều Oanh (32 tuổi) - thạc sĩ ngành trồng trọt tại Hungary - là người đang đảm nhận việc theo dõi sự phát triển, bệnh của các giống hồng ngoại trồng tại trung tâm.

Oanh đảm nhận công việc từ năm 2015, đến nay mảnh vườn nhỏ tại trung tâm trở thành "ngôi nhà" thứ hai của Oanh khi gần như toàn thời gian chị gắn bó với nó. Thời gian gần đây, Oanh bắt đầu áp dụng việc thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

"Xu hướng hiện đại ở các nước tiên tiến là thay thế dần thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học, vì vậy tôi đang nghiên cứu sâu vấn đề này để người trồng và mua hoa đều có thể an tâm về sức khỏe" - chị Oanh nhận định.

Hiện trung tâm có 75 biên chế, trong đó nhiều người là thạc sĩ, kỹ sư trẻ. Theo đề án Đồng Tháp 50 và Mekong 1000, nhiều người trẻ ở đây đã được tạo điều kiện sang nước ngoài du học về hoa.

Cung ứng 500.000 cây hoa cấy mô mỗi năm

làng hoa sa đéc

Ông Nguyễn Thanh Hùng kiểm tra một giống hoa trước khi bàn giao cho nhà vườn trồng đại trà - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được thành lập từ tháng 9-2014, tiền thân là Trung tâm Giống nông nghiệp. Mỗi năm, trung tâm cung ứng ra thị trường khoảng 500.000 cây giống cấy mô. Các loại hoa cấy mô đã được đưa ra thị trường gồm hoa chuông, dạ yến thảo, lan mỹ ý, cúc đồng tiền, cúc Pico siêu lùn, cúc mâm xôi...

________________________

Kỳ tới: Vườn hồng Tư Tôn

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 1: Từ quá khứ đến hiện tại

TTO - Nằm lặng lẽ bên dòng sông Tiền, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã trải qua hơn 100 năm thăng trầm. Đến nay, điều mà người dân nơi đây tự hào nhất là vẫn giữ được làng nghề trồng hoa truyền thống.


THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên