Trong kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO) lần thứ 65 diễn ra từ ngày 11 đến 22-7 tại Vương quốc Anh, đoàn thí sinh Việt Nam đạt kết quả không như kỳ vọng khi chỉ giành được 2 huy chương bạc, 3 huy chương đồng và 1 bằng khen.
Có thắng, có thua, có dấu ấn
Đoàn Việt Nam xếp hạng 33 trong số 109 đoàn tham dự, tuột khá xa so với năm 2023 (hạng 7) và năm 2022 (hạng 4). Đây cũng là thứ hạng thấp nhất của đoàn Việt Nam sau 50 năm tham gia IMO (1974 - 2024).
Lần gần nhất đoàn Việt Nam không góp mặt trong top 20 đoàn dẫn đầu đã từ năm 2011 (hạng 31). Năm nay cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2011, đoàn Việt Nam không có huy chương vàng.
Kết quả chưa thực sự hài lòng trong năm nay là một trong nhiều điểm nhấn suốt 50 năm tham gia sân chơi IMO của Việt Nam. Ngay trong năm đầu tiên góp mặt (1974), đoàn Việt Nam đã giành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, xếp thứ 13 chung cuộc.
Từ đó đội tuyển của Việt Nam rất thường xuyên đứng trong nhóm 15 đoàn có thứ hạng cao nhất và không ít lần trong top 5. Thành tích cao nhất của đội tuyển Việt Nam giành được là hạng 3 chung cuộc, vào các năm 1999, 2007 và 2017.
Đến nay có 11 thí sinh Việt Nam từng giành điểm tuyệt đối trong các kỳ thi IMO, và nhiều người sau đó đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia nổi tiếng. Có thể kể đến như TS Lê Bá Khánh Trình (IMO 1979), GS Lê Tự Quốc Thắng (IMO 1982), GS Đàm Thanh Sơn (IMO 1984), GS Ngô Bảo Châu (IMO 1988)...
GS Ngô Bảo Châu cũng là 1 trong số 9 thí sinh Việt Nam từng hai lần giành huy chương vàng IMO.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xem là quốc gia có thành tích tốt nhất tại IMO. Đoàn có thể "so kè" với Việt Nam là đoàn Singapore, đặc biệt khi năm 2024 Singapore vươn lên hạng 6 chung cuộc (IMO 2023 hạng 12).
Thái Lan cũng là một đoàn mạnh trong khu vực nhưng hai năm nay thành tích không ổn định, lần lượt xếp hạng 19 (IMO 2023) và hạng 35 (IMO 2024)...
Hạn chế "tổ hợp"?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một tiến sĩ toán học từng có thời gian ôn tập cho các thí sinh IMO cho biết không thể phủ nhận tài năng của các thí sinh Việt Nam. Tuy nhiên không phải không có những hạn chế mà thí sinh Việt Nam có thể làm tốt hơn. Theo ông, dễ thấy nhất là với lĩnh vực tổ hợp.
Trong một đề thi IMO thường có bốn lĩnh vực gồm: số học, đại số, hình học và tổ hợp. Học sinh Việt Nam thường mạnh lĩnh vực hình học, còn lĩnh vực tổ hợp thường không mạnh. Chẳng hạn như năm nay 2024, đề thi có hai bài tổ hợp ở mức độ trung bình và khó, hầu hết thí sinh Việt Nam đều "tắc" ở bài tổ hợp này.
TS Trần Nam Dũng - phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết về nguyên tắc, một đề thi IMO phải đảm bảo đủ bốn lĩnh vực số học, đại số, hình học, tổ hợp và không lĩnh vực nào xuất hiện quá hai câu. Các câu hỏi phải đảm bảo đủ ba mức độ dễ, khó và trung bình.
Việc phân bổ có bao nhiêu câu hỏi thuộc mỗi lĩnh vực và với độ khó nào là do ban ra đề của IMO quyết định ngẫu nhiên. Nhìn chung nếu những năm đề thi cho câu hỏi lĩnh vực tổ hợp rơi vào các câu 2 và 5, nhiều bạn Việt Nam vẫn làm rất tốt, nhưng vào các câu 3 và 6 thì phần nhiều thí sinh không làm được.
Theo ông Dũng, hạn chế này có một phần nguyên nhân lớn từ việc chưa có tính kế thừa trong cấu trúc đề thi giữa các cấp. Hiện nay, các đề thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, cấp quốc gia thường vẫn thiên về đại số và hình học, rất ít lĩnh vực tổ hợp và số học. Nhiều thí sinh chỉ học đại số và hình học là đã có thể đậu các vòng quốc gia và vào vòng thi chọn đội tuyển quốc tế.
Cần kế hoạch phát triển nhân tài sau IMO
Năm 2013, thí sinh Cấn Trần Thành Trung - hiện là giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - giành được huy chương vàng tại IMO 2013.
Sau đó anh nhận học bổng toàn phần vào học ngành toán tại Đại học Duke (Mỹ) và tốt nghiệp thủ khoa năm 2018. Anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ California (Caltech) và cuối cùng hiện trở về nước làm việc tại Trường đại học Khoa học tự nhiên.
TS Trung cho rằng IMO với mình là một cột mốc quan trọng.
Trước hết IMO cho anh một cơ hội để giao lưu và gặp gỡ những người bạn trẻ trong và ngoài nước có đam mê trong lĩnh vực toán học. Nhiều bạn trong số đó trở thành những bạn thân thiết của anh, có cùng chí hướng và giúp đỡ rất nhiều trong học tập và nghiên cứu.
Thứ hai, anh có dịp học hỏi thêm được nhiều kiến thức toán học mới trong quá trình ôn tập.
Cuối cùng, huy chương vàng IMO là điểm nhấn đáng chú ý trong hồ sơ của anh vào các trường đại học hàng đầu thế giới.
Theo anh, các thí sinh nên được tiếp cận nhiều điều hơn là chỉ xoay quanh kỳ thi. Chẳng hạn tại Mỹ, thí sinh được hướng dẫn thêm về các kiến thức, định hướng học tập, nghiên cứu toán học trên đại học, phù hợp với tố chất của từng thí sinh. Nhờ vậy, nhiều thí sinh được truyền đam mê và nhận được nhiều định hướng về con đường phát triển toán học của mình.
TS Phan Tất Hiển - nguyên trưởng bộ môn toán kinh tế, Trường đại học Sài Gòn - cũng cho rằng nhiều nước mạnh trong kỳ thi IMO chỉ xem IMO là một sân chơi nhỏ. Sân chơi lớn là làm sao có thể sử dụng những "bộ óc" của các thí sinh vào các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển của đất nước.
Ngay trong quá trình tuyển chọn và ôn tập cho thí sinh, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc có kế hoạch và định hướng cho họ nên đi theo lĩnh vực nào để phát huy tối đa khả năng.
"Đây là điều tôi nghĩ Việt Nam còn thiếu hiện nay. Nhiều thí sinh sau kỳ thi IMO chọn du học và ở lại làm việc tại nước ngoài. Tất nhiên đóng góp cho nhân loại cũng đã là quý báu, dù vậy tôi nghĩ nếu có chiến lược và kế hoạch phát triển rõ ràng hơn cho các thí sinh IMO sau cuộc thi, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều hơn từ nguồn chất xám tài năng của mình", ông Hiển nói.
Bí quyết của "gã khổng lồ" Mỹ
Nói về IMO thì phải nhắc tới đoàn thí sinh của Mỹ. Từ năm 2000 đến nay, chỉ một lần Mỹ trượt khỏi top 5 đoàn có thành tích thi IMO tốt nhất (IMO 2009 hạng 6). Năm nay, đoàn Mỹ dẫn đầu.
Tại Mỹ, Hiệp hội Toán học Mỹ sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm tuyển chọn các thí sinh tham dự IMO, thông qua rất nhiều kỳ thi lớn nhỏ. Các học sinh lớp 8 có thể tham gia kỳ thi AMC 8 và học sinh phổ thông có thể tranh tài tại AMC 10/12.
Những thí sinh xuất sắc trong kỳ thi AMC 10/12 sẽ được mời tham gia kỳ thi toán AIME - một kỳ thi khó hơn kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề và sự khéo léo về toán học. Những thí sinh đạt điểm cao trong AIME và AMC 10/12 tiếp tục được mời tham gia kỳ thi Olympic toán học Mỹ (USAMO) và kỳ thi Olympic toán học thiếu niên (USAJMO) - nơi tranh tài của các tài năng toán học hàng đầu ở Mỹ.
12 thí sinh xuất sắc sẽ được mời tham dự lễ trao giải ở Washington và 6 thí sinh xuất sắc sẽ được chọn để thành lập đội IMO đại diện cho Mỹ.
Các thí sinh sẽ tiếp tục được tham gia trại hè Olympic toán (MOP) do Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) tổ chức. Đặc biệt, trại hè không chỉ dành cho 6 thí sinh đội IMO, mà mở rộng cho khoảng 80 bạn trẻ tài năng, nhiều người trong số đó thậm chí là thành viên của đội IMO của các quốc gia khác.
Đây là nơi các bạn được học hỏi, giao lưu với những người từng đạt giải cao trong các kỳ thi IMO, các chuyên gia trong lĩnh vực toán học. Các bạn không chỉ được học về toán cho kỳ thi, mà còn mở rộng nhiều kỹ năng, tư duy giải quyết vấn đề...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận