Tất cả chỉ bắt đầu từ một việc mà cộng đồng mạng hay đùa là "nhỏ như con thỏ": một cái cà vạt xấu. Trong việc này, tôi nhìn thấy một người mẹ đang tức giận. Chị nói, chị viết cho thỏa nỗi tức giận trong lòng. Tuy nhiên, sự tức giận đó đã gây ảnh hưởng tới con, và sẽ còn đang tiếp tục ảnh hưởng tới con.
Có một câu châm ngôn tôi đã nghe đâu đó, rằng, hãy cho tôi biết vấn đề làm bạn tức giận, tôi sẽ nói cho bạn biết cái tầm cuả bạn thế nào.
Thắng hay thua, đúng hay sai, nó chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi đôi khi bên thắng cuộc chỉ đơn giản là bên tàn nhẫn hơn! Và bên thua cuộc thì vì cái mục đích mà họ theo đuổi lớn hơn việc giành phần thắng trong cuộc chiến.
Nhớ lại hồi đi học, trong nền giáo dục đề cao thi đua, tôi đã rất quan trọng kết quả là mình đúng hay sai. Tôi nghĩ người giỏi là người đúng, người mạnh là người giành chiến thắng bằng sức mạnh của mình. Sau đó, lớn lên, đi học, đi làm, tôi lại nghĩ người mạnh là kẻ chiến thắng bằng lý lẽ, bằng trí tuệ của mình. Và rồi tôi có con, sau khi có con, tôi lại thấy rằng mạnh nhất là kẻ không cần thắng thua, mạnh nhất là kẻ biết cách để tránh không lao vào một cuộc chiến nào hết.
Cũng khá may mắn khi con tôi đang học ở một ngôi trường có chương trình gíao dục tính cách thông qua hành động. Tháng 9 này là rèn tính cách Hòa Bình. Ngay buổi chào cờ đầu tháng 9, các học sinh được xem đoạn phim kể về một cuộc tranh chấp giữa 2 ông hàng xóm. Gần cuối phim ông quan tòa nói với một bên: "Anh đúng, tôi có thể tuyên bố phạt người kia! Nhưng sau đó anh sẽ được cái gì? Anh được mình đúng, rồi anh mất đi một người bạn, và anh có thêm một kẻ thù là hàng xóm của mình. Anh có thực sự muốn như thế không?".
Trong vụ việc này, có thể ban đầu nhà trường xử lý chưa thỏa đáng, nhưng đáp trả bằng một cách quá ồn ào cũng không phải là cách hay. Chúng ta đã quen dần với sự khác biệt của trường công và trường tư. Trường công được nhận ngân sách nhà nước cho nên việc nhận học sinh trong điạ bàn là nhiệm vụ, trường công không được phép bỏ rơi bất cứ học sinh nào.
Còn ở trường tư là sự hợp tác giữa hai bên, họ có những quy định riêng, họ có quyền không không ký kết, hoặc dừng hợp tác. Phụ huynh có quyền chọn trường và trường cũng có quyền chọn phụ huynh.
Trong công việc và trong cuộc sống, tôi tin rằng, đi tận cùng sự thật để làm gì, nếu sự thật đó không có ích cho con người? Công bằng để làm gì, nếu sự công bằng đó chỉ mang lại cho mình kẻ thù và làm mất đi bạn bè?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận