Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung tâm hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê ngày 15-5 - Ảnh: Reuters |
“Vấn đề địa - chính trị cần được xếp sau địa - kinh tế, chúng ta cần chung tay để xây dựng và hợp tác với nhau Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif |
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế 2008, việc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” tại Bắc Kinh là một cam kết quan trọng, nhất quán với cam kết mà chủ tịch Trung Quốc đưa ra vài tháng trước tại Diễn đàn kinh tế Davos ở Thụy Sĩ: Trung Quốc sẽ nỗ lực đảm bảo cho tự do thương mại trên toàn cầu.
Trong xu hướng phản toàn cầu hóa và những tiếng nói của chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên cao ở nhiều quốc gia phương Tây, tuyên bố của Trung Quốc phần nào khiến các nhà lãnh đạo trên toàn cầu yên lòng.
Ngày càng nhiều nguyên thủ và lãnh đạo trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ Trung Quốc. Điều này khác hẳn với thái độ hoài nghi của vài năm trước đây.
Tại diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi mối quan hệ đối tác lớn hơn nữa giữa châu Á và châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga đã đề cập tới sáng kiến này như là một hình mẫu hợp tác trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, vận tải và công nghiệp, đồng thời khẳng định Nga đã ủng hộ sáng kiến này ngay từ rất sớm.
Ông cho biết kinh nghiệm lịch sử cho thấy sự hợp tác giữa các nước có mối liên hệ bằng con đường tơ lụa thông qua châu Á, châu Âu và châu Phi có vai trò quan trọng trong thế kỷ 21 khi thế giới phải đối mặt với các thách thức vô cùng nghiêm trọng.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde cũng đưa ra thông điệp lạc quan dù cẩn trọng đôi chút: “Việc thực hiện những lời hứa (trong sáng kiến) không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng (nếu) làm được sẽ đem lại những lợi ích khổng lồ, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao, sự bao trùm rộng lớn hơn và những hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn...
Sáng kiến “Vành đai và con đường” sẽ gắn kết các nền văn hóa. Nó sẽ nối liền các cộng đồng với nhau. Nó sẽ làm giàu thêm cho các nền kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân. Nó còn thêm vào những sắc thái kinh tế mới bằng việc tạo ra những chương trình cơ sở hạ tầng mới, cả về phần cứng và phần mềm”.
Các ý kiến từ giới học giả Trung Quốc cho rằng thắng lợi lớn nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình qua diễn đàn lần này là việc khiến ngày càng nhiều người chấp nhận những quy phạm, tư tưởng và logic của Trung Quốc.
Từ lâu đã có một cuộc cạnh tranh ngầm về quy phạm giữa phương Tây và Trung Quốc, đặc biệt là về phương thức phát triển.
Với phương Tây, chủ nghĩa tự do và thể chế dân chủ là những giá trị không thể đánh đổ và gần như là kiểu mẫu cho tất cả các quốc gia cần noi theo, trong khi đó Trung Quốc không đồng tình với việc can thiệp vào chính trị để đổi lại các điều kiện cho phát triển kinh tế.
Đây là khác biệt tư tưởng hầu như không thể xóa nhòa giữa hai nền văn minh.
Tuy nhiên, chẳng ai tách rời sự phát triển của Trung Quốc với sự phát triển chung của thế giới hiện đại.
Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống tự do thương mại và xu thế toàn cầu hóa.
Trung Quốc học tập, sao chép những ưu điểm của hệ thống kinh tế thế giới, đồng thời kết hợp với những đặc điểm văn hóa chính trị riêng của đất nước để đưa ra các chính sách đối nội và đối ngoại.
Nhìn kỹ vào những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trong vòng vài thập kỷ qua, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đang tập trung vào truyền bá kinh nghiệm phát triển của riêng mình.
6 nước châu Âu từ chối ký thông cáo chung Một nguồn tin ngoại giao (đề nghị không nêu tên) nói với Hãng tin AFP rằng có 6 nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Anh, Hi Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào bản thông cáo chung công bố ngày 15-5 khi hội nghị bàn tròn kết thúc. Các nước châu Âu từ chối đặt bút ký do văn bản này không quan tâm đúng mức đến “các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu” - những chuẩn mực mà Liên minh châu Âu luôn đòi hỏi trong hợp tác với Trung Quốc thời gian qua và do Trung Quốc không thực sự mở cửa thị trường nội địa của mình. Sự phản ứng trên được cho là bắt nguồn từ Bộ trưởng kinh tế và năng lượng Đức Brigitte Zypries. Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 14-5, Bộ trưởng Zypries cảnh báo sẽ không ký vào văn bản được thông qua trong phiên họp cuối của ngày 15-5 nếu như trong văn bản không có những cam kết về tự do thương mại và cạnh tranh công bằng. Bà bộ trưởng lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của doanh nghiệp nước mình: “Đức muốn tham gia vào sáng kiến này. Nhưng việc gọi thầu phải được mở cho mọi người. Có như thế thì các công ty Đức mới có thể tham gia được. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp của Đức cũng được phép hoạt động tại Trung Quốc như cách các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Đức”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận