Tuy nhiên, việc giải quyết bồi thường cho ông Nhuần đang bị "lòng vòng".
Gian nan chờ bồi thường
Theo hồ sơ vụ án, ông Nhuần được chính quyền xác nhận có 4.900m2 đất và được ông quản lý, sử dụng từ năm 1992 cho đến khi bị thu hồi xây dựng làm trụ sở Điện lực Biên Hòa.
UBND TP Biên Hòa khi phê duyệt phương án bồi thường làm trụ sở điện lực, thu hồi đất của ông Nhuần nhưng chỉ hỗ trợ, không bồi thường đất. Từ đây, ông Nhuần khiếu nại và khởi kiện các quyết định của UBND TP Biên Hòa.
Qua năm lần xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm), ngày 22-4-2021 Tòa án cấp cao tại TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần hai và tuyên buộc "UBND TP Biên Hòa phải lập thủ tục đền bù thiệt hại về đất cho ông Đỗ Thấm Nhuần theo quy định pháp luật".
Tiếp đó, chánh án TAND tỉnh Đồng Nai ra quyết định "buộc thi hành bản án hành chính" và yêu cầu chính quyền TP Biên Hòa có trách nhiệm thi hành án ngay sau khi nhận được quyết định này.
Chờ đợi thi hành bản án quá lâu, ông Nhuần tiếp tục gửi đơn yêu cầu thi hành bản án để được bồi thường. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cũng có văn bản yêu cầu TP Biên Hòa thi hành bản án nhưng vụ việc tiếp tục kéo dài.
Đến tháng 6-2022, Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản lưu ý chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai việc UBND TP Biên Hòa chậm thi hành bản án phúc thẩm của Tòa án cấp cao tại TP.HCM. Đồng thời, tổng cục cũng yêu cầu "xử lý trách nhiệm đối với những người không thi hành bản án, quyết định của tòa án".
Cuối năm 2022, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của bí thư Tỉnh ủy, chuyển vụ việc khiếu nại của ông Nhuần cho UBND tỉnh xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến nay vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Đỗ Thấm Nhuần - người được tòa tuyên thắng kiện - nói: "Mặc dù nhiều nơi có văn bản nhắc nhở yêu cầu TP Biên Hòa phải thi hành án cho tôi nhưng họ cứ lòng vòng, chưa chịu bồi thường".
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ vì sao bản án phúc thẩm có hiệu lực lại chậm chạp trong thi hành án, ông Huỳnh Tấn Lộc - phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa - giải thích: "TP Biên Hòa chờ ý kiến các ngành và trình các phương án để áp giá bồi thường nên vụ việc kéo dài. Hơn nữa, tòa án tỉnh nói rằng có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, rồi yêu cầu thành phố bổ sung hồ sơ để kháng nghị, nên thành phố họp xin ý kiến và vụ việc xử lý chậm".
Cũng theo ông Lộc, UBND TP Biên Hòa hiện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai trình phương án áp giá bồi thường cũng như nguồn tiền để bồi thường và đang chờ ý kiến.
Ông Nhuần nói: "Tôi khiếu nại vụ việc từ năm 2003. Cho đến lúc tòa tuyên buộc TP Biên Hòa phải bồi thường thì gần 20 năm. Vậy mà đến nay tôi vẫn phải mòn mỏi chờ đợi thi hành án.
Khi khiếu nại không thi hành bản án thì các cơ quan chuyển đơn, nhắc nhở TP Biên Hòa nhưng họ vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Tôi chỉ mong chính quyền bồi thường đúng quy định pháp luật".
Vi phạm thi hành án
Nói về sự việc trên, luật sư Nguyễn Ngọc Ánh (Đoàn luật sư tỉnh Hà Tĩnh) cho biết Luật tố tụng hành chính 2015 quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ thời điểm tuyên án và người phải thi hành án ngay bản án kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của tòa án.
Vì vậy, bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM tuyên ông Nhuần thắng kiện có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Do đó, UBND TP Biên Hòa và chủ tịch UBND TP Biên Hòa phải tự nguyện thi hành án trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án.
"Việc UBND TP Biên Hòa cho rằng đang đề nghị kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm dẫn đến chậm xử lý vụ việc thì phải có văn bản của người có thẩm quyền quyết định cho phép hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án", luật sư Ánh giải thích.
Theo luật sư Ánh, người đi khiếu nại đòi quyền lợi đã mất thời gian gần 20 năm. Tòa án cấp cao đã tuyên án thì UBND TP Biên Hòa phải thực hiện thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
Bản án số 216/HC-PT ngày 22-4-2021 của TAND cấp cao tại TP.HCM về "khiếu kiện quyết định phê chuẩn phương án bồi thường, quyết định giải quyết khiếu nại" đã tuyên hủy một phần quyết định số 2772/QĐ-UBTP ngày 17-11-2003 của chủ tịch UBND TP Biên Hòa.
Cụ thể, tuyên hủy quyết định về việc phê chuẩn phương án bồi thường công trình xây dựng trụ sở làm việc Điện lực Biên Hòa tại phường Quang Vinh, TP Biên Hòa liên quan đến phần đất diện tích 3.058m2 thuộc thửa đất số 32, tổng diện tích 4.900m2, tờ bản đồ số 11 của ông Đỗ Thấm Nhuần.
Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND TP Biên Hòa thực hiện công vụ lập thủ tục đền bù thiệt hại về đất cho ông Đỗ Thấm Nhuần theo quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận