Trailer phim Lust, caution
Tôi thường nghĩ cuộc đời rất kỳ diệu, có những việc bạn muốn mà không thể làm được, trải qua thất vọng cực độ, bạn nghĩ rằng cánh cửa đó đã khép lại với bạn, bạn cho rằng mình đã thực sự buông tay. Ngày tháng trôi qua, bạn chỉ cần thành thực mà bước trên con đường của bạn, tích cực mà đối diện với cuộc sống, có một ngày bạn phát hiện ra cánh cửa ấy vẫn đang hé mở chờ bạn. Đối với tôi mà nói, cuộc sống học tập ở London chính của cánh cửa của cuộc đời tôi.
Thang Duy
Bộ phim Sắc, Giới thành công đưa tên tuổi của Thang Duy trở nên nổi tiếng nhưng cũng bởi những cảnh nóng trong bộ phim này mà năm 2008 Thang Duy bị SARFT (Hiệp hội quản lý truyền hình, điện ảnh và phát thanh quốc gia của Trung Quốc) công bố lệnh cấm sử dụng hình ảnh của Thang Duy tại Trung Quốc.
Thang Duy khởi nghiệp với vai diễn đầy táo bạo trong bộ phim "Sắc, Giới" bên cạnh tài tử Lương Triều Vỹ
Trở ngại lớn trong sự nghiệp lại mở ra cho Thang Duy một cánh cửa khác bằng việc đi du học tại London.
Câu chuyện do chính Thang Duy viết được đăng tải trên trang Sina, mặc dù trong toàn bộ câu chuyện ấy Thang Duy gần như chỉ đơn thuần kể về việc học ngoại ngữ của cô, nhưng đằng sau đó là cả sự kiên cường, tư duy sống tích cực của Thang Duy.
"Tôi sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố của tôi là một họa sĩ, mẹ của tôi trước đây là một diễn viên Việt kịch, sau đó bà cũng chuyển sang học về hội họa.
Lúc còn nhỏ, tất cả mọi thứ của tôi đều do bố mẹ sắp đặt, tôi cứ như thế làm theo. Bố mẹ muốn tôi học hội họa, nhưng thực ra tôi lại mong muốn được học nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ địa phương lẫn ngoại ngữ, cho nên cứ nhìn thấy những người giỏi ngoại ngữ nói hết thứ tiếng này đến thứ tiếng khác tôi lại ngưỡng mộ vô cùng.
Bộ phim "Sắc, Giới" đã gây rắc rối cho sự nghiệp của Thang Duy nhưng cũng là cách khiến cô "ghi điểm" nhanh nhất trong giới điện ảnh.
Tôi thích ngôn ngữ, thích làm chủ nó. Khi tôi có thể trò chuyện với người dân bản địa, sự gần gũi của ngôn ngữ làm cho một số rào cản biến mất ngay lập tức và giúp bạn dung hợp nhanh chóng vào văn hóa của nhau. Cảm giác ấy tuyệt diệu vô cùng.
Còn nhớ vào năm tôi học cao trung năm thứ 2 (tương đương với lớp 11 ở Việt Nam - PV), tôi đọc được trên báo Hàng Châu thông tin về trao đổi học sinh với nước Mỹ, cơ hội nghìn năm có một, tôi không nghĩ ngợi nhiều mà liền bắt tay vào việc chuẩn bị hồ sơ, bao gồm cả ảnh, thư giới thiệu của thầy giáo và nhà trường… tất cả đều chuẩn bị xong.
Chỉ là… bố mẹ của tôi không đồng ý cho tôi đi du học, họ đưa ra rất nhiều lý do, mà lúc ấy tôi chỉ là một học sinh phổ thông trung học, tôi không có lựa chọn nào khác. Đành vậy, mọi chuyện không như dự định, hàng ngàn tưởng tượng về viễn cảnh du học trong lòng tôi chớp mắt trở nên nguội lạnh. Năm đó, tôi 15 tuổi.
Nhân sinh giống như một vòng tròn, cứ đi, cứ đi rồi sẽ được gặp lại cơ hội vừa xa lạ vừa thân thuộc.
Quãng thời gian khó khăn không làm Thang Duy chùn bước, trái lại cô càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Sau khi tôi đã hoàn thành bộ phim đầu tiên, bộ phim thứ hai vẫn chưa có, trong khoảng trống thời gian đó thì cơ hội đến với tôi.
Ban đầu công ty đề nghị tôi đến New York vào thời điểm ấy nhưng tôi lại muốn đến Thụy Điển để học hỏi vì cả hai bậc thầy mà tôi yêu thích là Strindberg và Ingmar Bergman đều đến từ đó.
Có điều tôi không biết tiếng Thụy Điển. Tiếng Anh của tôi cũng ổn tuy còn chút hạn chế. Vậy thì bắt đầu với các nước nói tiếng Anh, tôi quyết định đi đến London nơi có công viên Hyde Park.
Sau đó, tôi không ngừng hỏi công ty, lúc nào tôi sẽ được đi học? Tôi sẽ đi bao lâu? Tôi sẽ học ở trường nào? Học ngành gì? Cần phải mang theo những gì? Tôi sẽ sống ở đâu?
Giai đoạn đó tôi hưng phấn giống như đứa trẻ ngày mai bắt đầu đi học lớp một. Cuối cùng, dưới sự giúp đỡ của công ty và đạo diễn Lý An tôi đến học tại trường hàng đầu London về kịch nghệ - Học viện Âm nhạc và Hý kịch nghệ thuật London (London Academy of Music and Dramatic Art) gọi tắt là LAMDA.
Mặc dù chỉ là khóa học mùa hè ngắn hạn, nhưng giấc mơ thủa nhỏ của tôi đã trở thành hiện thực, đó là được ra nước ngoài học ngoại ngữ.
Cô không ngừng học hỏi, trau dồi, mở rộng cơ hội của mình ra ngoài Trung Quốc.
Năm ấy tôi 27 tuổi, cũng tức là sau 12 năm tôi đã thực hiện được giấc mơ từ thủa thiếu nữ của mình. Bao gồm cả việc sau này do yêu cầu của công việc điện ảnh, tôi có cơ hội đến Hong Kong học tiếng Quảng Đông cũng vậy.
Tôi thích ngôn ngữ, nắm bắt nó, và khi tôi nói chuyện với người dân địa phương, rất thần kỳ, sự thân thiết về mặt ngôn ngữ khiến một số rào cản biến mất ngay lập tức. Bạn có thể khám phá lịch sử và văn hóa đằng sau ngôn ngữ, tôi đã chọn Shakespeare.
Những ngày tháng ở London, tôi nghĩ rằng tôi là sinh viên châu Á duy nhất học tại trường này, như vậy cũng tốt, tôi đặt ra cho mình một quy tắc là trừ việc liên hệ về Trung Quốc còn lại tôi tuyệt đối không được nói tiếng Trung.
Tôi phải nắm bắt cơ hội và thời gian này để rèn luyện ngoại ngữ cho mình trong môi trường ngôn ngữ thuần túy nhất. Thế nhưng mọi việc thật không đơn giản, ngay khởi đầu tôi đã bị áp đảo tinh thần.
Thang Duy tin rằng ngoại ngữ sẽ cho cô rất nhiều cơ hội.
Buổi học đầu tiên, tôi cùng các bạn đứng thành một vòng tròn trên sân khấu, mỗi người lần lượt đọc một câu trong vở kịch Giấc mộng đêm hè.
Tôi không thể nào quên giây phút ấy, đến lượt tôi phải đọc câu thoại, gần như tôi không biết một từ nào trong câu thoại đó, mọi người đều chờ đợi, trong khi đó tôi xấu hổ chỉ ước mình có đất để chui xuống.
Cuối cùng, giáo viên phải đến giúp tôi đọc, khi ấy tôi chỉ muốn khóc. Cần biết rằng tiếng Anh được Shakespeare sử dụng là tiếng Anh cổ, còn tôi ngay cả tiếng Anh cơ bản vẫn còn chưa nắm vững hoàn toàn.
Không đọc nổi kịch bản là một điều đáng sợ, đến kịch bản còn không biết mình đang đọc cái gì thì bạn diễn thế nào? Trước đây tôi chỉ diễn bằng tiếng Trung, còn tiếng Anh tôi có thể đọc được nhưng lần này cầm trên tay kịch bản toàn những từ mà nó biết tôi, tôi không biết nó, đến cả việc tra từ điển xong rồi vẫn không hiểu toàn bộ câu đó nói cái quỷ gì. Tôi có cảm giác bị sụp đổ!
Nhưng nói đi nói lại, tôi không tin là mình không làm được. Tôi chạy đến văn phòng của giáo viên, đưa điện thoại cho thầy và nói: "Could you please read all the lines for me?".
Thầy giáo rất tốt, thầy đã đọc tất cả cho tôi ghi âm lại. Trong vòng hai, ba tuần lễ đó tôi liên tục nghe theo đoạn ghi âm mà đọc theo. Mỗi ngày đi học và tan học tôi đều phải ngồi một tiếng tàu điện ngầm, đi bộ 20 phút, trong tất cả khoảng thời gian đó tôi đều vừa nghe vừa đọc lại từng câu thoại.
Trở về nhà tôi vẫn nghe, kể cả lúc ăn cơm hay đi ngủ cũng vẫn nghe, khi có đông người thì tôi đọc nho nhỏ, khi bốn bề vắng vẻ tôi sẽ cao giọng mà đọc từng câu thoại ấy.
Khóa học mùa hè thực sự rất ngắn ngủi, chỉ từ 3 đến 4 tuần. Kết thúc chương trình học, thật bất ngờ tôi nhận được hai lời mời đóng vai chính trên sân khấu kịch ở London, trong đó có một vở kịch của Shakespeare.
Chỉ tiếc là khoảng thời gian diễn lại trùng với lịch quay bộ phim Crossing Hennessy, cuối cùng đành phải miễn cưỡng nói lời tiếc nuối. Mong muốn này đến giờ tôi vẫn còn cất giữ trong lòng…
Đây là một ví dụ nhỏ của tôi về việc học tiếng Anh. Điều tôi muốn nói rằng, khó khăn luôn ở bên cạnh chúng ta, không nên sợ hãi nó.
Kỳ thực khi gặp phải khó khăn chúng ta cần phải đối mặt với nó, ôm chặt nó, biến nó không còn là điểm mấu chốt mà chỉ là một sự việc. Đối với tôi mà nói, khó khăn là chất dinh dưỡng giúp cho tâm trí tôi thêm kiên cường, giúp tôi trưởng thành, chuẩn bị cho tương lai phía trước.
Thang Duy
Tôi thích mẫu người luôn tiến về phía trước, tôi cũng luôn tò mò về thế giới còn điều gì thú vị mà tôi chưa được thấy (có lẽ tôi bẩm sinh đã có tính tò mò).
Tôi kiên định niềm tin rằng, kể cả khó khăn hơn nữa trừ phi bạn đầu hàng bằng không chẳng ai ăn được bạn. Khi tất cả đã trôi qua, cũng là ngày bạn phá kén thành bướm.
Đừng quan tâm người khác nghĩ gì, chỉ cần lắng nghe nội tâm của mình, tự mình làm chủ, tự mình quyết định, bất kể kết quả ra sao tôi cũng không hối hận.
Nói đến ngoại ngữ mở ra cánh cửa cho cuộc đời tôi, bởi vì nâng cao được trình độ ngoại ngữ ở London, tôi có thêm cơ hội tham gia các tác phẩm điện ảnh ở nước ngoài, ví dụ như năm 2009 với phim Thu muộn.
Bộ phim "Thu muộn" đã giúp cô gặp đạo diễn Kim Tea Yong, người đã cầu hôn cô.
Vai nữ chính trong Thu muộn giúp tôi đạt được giải thưởng ở Hàn Quốc và nhận được sự quan tâm ủng hộ của khán giả. Và tất nhiên, nhờ bộ phim đó mà tôi gặp được đạo diễn Kim Tea Yong, càng không ngờ được rằng vài năm sau đó, anh ấy trở thành người thân của tôi.
Đối với tôi mà nói, anh Tea Yong vừa là thầy vừa là bạn, vừa là anh, vừa là người yêu. Thật sự từ nhỏ tôi chưa từng nghĩ mình sẽ kết hôn với một người nước ngoài, nhưng duyên phận đến thì ta đón nhận.
Chỉ cần biết có thể gặp được một người thấu hiểu bạn, cùng bạn nếm trải qua đắng cay vui buồn thật không dễ dàng, cho nên tôi tuyệt đối không bỏ lỡ người ấy.
Hãy để cho tôi nói một câu cảm thán, cuộc đời thật diệu kỳ, bạn sẽ chẳng bao giờ biết điều gì đang đợi bạn ở phía trước! (You’ll never know what life has to offer)
Đối với tôi mà nói:
Gặp được cơ hội, hành động quyết đoán, nắm bắt nó.
Gặp khó khăn, điều chỉnh tâm lý, ôm ấp nó.
Gặp được duyên phận, biến thành kẻ ngốc, trân trọng nó.
Viết lại vận mệnh, chính là thái độ đối với cuộc sống.
Cuối cùng tôi muốn dùng ba câu để kết luận:
Every second, you have the opportunity to make the next second greater than now. Change, is in all of us. I believe, you can change your destiny.
(Mỗi phút giây bạn lại có cơ hội để biến giây phút kế tiếp tuyệt hơn giây phút trước. Thay đổi luôn có trong ta. Tôi tin, bạn có thể thay đổi số phận của chính mình).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận