24/01/2017 11:35 GMT+7

Tháng bận rộn của Tổng thống Trump

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Không ngại làm phật ý giới truyền thông, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như tự tin sẽ được lòng dân chúng nhờ các chính sách sắp công bố.

Tổng thống Donald Trump tổ chức buổi tiếp các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện tại Nhà Trắng hôm 23-1 - Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump tổ chức buổi tiếp các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện tại Nhà Trắng hôm 23-1 - Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng tiếp tục khơi mào cuộc chiến âm ỉ với giới truyền thông từ thời vận động tranh cử.

Cái cớ tuyên chiến cũng khá đơn giản: ông Trump cho rằng cánh nhà báo “thiếu trung thực”, cố tình đưa tin sai về số người tham dự lễ nhậm chức của ông.

Sau đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus giải thích rõ hơn: “Đám đông không thành vấn đề. Cái chính là trò công kích và nỗ lực hạ uy tín tổng thống (Trump) trong một ngày”.

Trận chiến giành uy tín

Dù biết ông Trump từng cảnh báo truyền thông Mỹ “hãy đợi đấy!” khi còn tranh cử, tốc độ “giữ lời hứa” nhanh như vậy cũng gây ngạc nhiên. Đây hẳn không phải là cách làm chính trị thường thấy của các tổng thống Mỹ.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Priebus thậm chí còn tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi không ngồi yên chịu trận. Chúng tôi sẽ phản công hết mình mỗi ngày, riêng chủ nhật thì gấp đôi!”.

Hôm thứ bảy (21-1), thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer trong buổi họp báo đầu tiên đã “giảng” cho cánh phóng viên một tràng vì “tội” chỉnh sửa ảnh đám đông dự lễ nhậm chức của ông Trump để “trông ít hơn thực tế”.

Buổi họp báo kết thúc và không ai được phép đặt câu hỏi. Không chịu ngồi yên, các tờ báo đua nhau đăng tải số liệu, thống kê hẳn hoi để chứng minh ông Spicer... “nói dối rành rành”.

Tiếp đó, Đài NBC khi phỏng vấn cố vấn cao cấp Nhà Trắng Kellyanne Conway lại chất vấn chuyện ông Spicer không trung thực, khiến vị cố vấn cao cấp nổi đóa rất kiểu... Donald Trump: “Nếu các anh tiếp tục gọi thư ký báo chí của chúng tôi như thế, tôi cho là cần xem lại mối quan hệ của chúng ta ngay tại đây!”.

Phân tích trên trang Philadelphia Inquirer, nhà báo kỳ cựu John Baer nhận xét thái độ cứng rắn của Nhà Trắng đối với truyền thông không hề mang tính “kích động”, mà được tính toán và có chiến lược rõ ràng. Ông Baer đánh giá truyền thông Mỹ đang trải qua giai đoạn “dễ tổn thương” về tài chính, các tiêu chuẩn chung của nghề báo cũng đang lụi tàn.

Thăm dò của Hãng Gallup cho thấy niềm tin của người dân Mỹ dành cho truyền thông đang ở mức thấp chưa từng thấy kể từ đợt vận động tranh cử năm 2016. Thăm dò của Bloomberg phát hiện 57% người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về truyền thông, trong khi đó 54% không đánh giá tốt ông Trump - theo thăm dò của ABC News/Washington Post.

Để có cái nhìn so sánh, trong đợt bầu cử năm ngoái, 96% quyên góp tranh cử của giới báo chí là dành cho bà Hillary Clinton, trong khi ông Trump nhận được ít sự ủng hộ nhất trong lịch sử (từ truyền thông). “Thái độ bất chấp truyền thông giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng và nó vẫn tiếp tục (giúp ông Trump)” - ông Baer kết luận.

Những thay đổi quan trọng

Bỏ qua những ồn ào trên mặt báo, các cố vấn của Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đặt bút ký sắc lệnh hành pháp gần như mỗi ngày trong một tháng sắp tới, mục tiêu là “cắt tỉa” di sản của người tiền nhiệm Barack Obama và đặt nền móng cho chính quyền mới.

Tin từ Nhà Trắng cho biết trong ngày 23-1 (giờ Mỹ), ông Trump sẽ chính thức ký lệnh hủy việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây cũng là điều chỉnh quan trọng đầu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ.

Theo Nhà Trắng, các sắc lệnh của ông Trump trong tuần đầu tiên sẽ liên quan đến người nhập cư bất hợp pháp, thương mại và an ninh quốc gia.

Những ngày tiếp theo, ông Trump có thể đảo ngược các quy định về khí hậu và môi trường từ thời ông Obama, siết chặt ngành công nghiệp vận động hành lang ở Washington và hủy bỏ chương trình chăm sóc y tế Obamacare - một trong những chính sách mang đậm dấu ấn vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.

Đây cũng là những điều ông Trump từng hứa sẽ làm ngay trong giai đoạn vận động tranh cử.

Cũng trong tuần này, Tổng thống Trump có thể hủy ngay lập tức DACA - sắc lệnh ban hành bởi ông Obama - cho phép hoãn thực thi việc trục xuất đối với trẻ em dưới 16 tuổi đến Mỹ bất hợp pháp (ước tính có chừng 800.000 người thuộc diện này).

Các thành phố trì hoãn việc trục xuất đối với dân nhập cư bất hợp pháp, các doanh nghiệp tuyển dụng nhóm người này cũng sẽ bị xử lý.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết trình tự của các sắc lệnh vẫn đang được thảo luận. “Có một số sắc lệnh hành pháp đang được xem xét, vấn đề là ông ấy (Tổng thống Trump) muốn thực hiện cái nào và khi nào”.

Truyền thông Mỹ đổ tiền đầu tư đưa tin về ông Trump

Theo tạp chí Columbia Journalism Review, những tờ báo “chống Trump” nhất của Mỹ đang phải điều chỉnh lại hoạt động để đưa tin về Nhà Trắng sau một loạt màn đấu khẩu căng thẳng.

Tờ Wall Street Journal mở rộng mảng giao thoa giữa lợi ích doanh nghiệp và hoạt động chính phủ; báo Washington Post tăng cường gấp đôi nhân lực, lên 6 người, cho nhóm đưa tin Nhà Trắng; báo New York Times thông báo đầu tư thêm 5 triệu USD để đưa tin về Tổng thống Trump...

“Thái độ bất chấp truyền thông giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng và nó vẫn tiếp tục (giúp ông Trump)".

Nhà báo Mỹ John Baer

 
MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên