Chuyên viên văn phòng UBND phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM tư vấn hướng dẫn cách thức nhập hộ khẩu cho người thân - Ảnh: TỰ TRUNG
Đọc tờ trình dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) chiều 23-5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay dự thảo sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cuối năm 2020 hoàn tất cấp số định danh cá nhân
Đối với việc đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo luật cũng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký, không có sự phân biệt và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Dự thảo luật cũng bổ sung bốn trường hợp cần xóa đăng ký thường trú, trong đó có trường hợp xóa đăng ký với công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu công dân trở về địa phương sinh sống tại nơi đăng ký thường trú ban đầu sẽ được đăng ký lại.
Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật cư trú sửa đổi do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày đã bày tỏ sự nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành cho toàn bộ công dân. Theo Bộ Công an, công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ, việc đầu tư, bố trí kinh phí còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc.
Để bảo đảm tính khả thi, không gây xáo trộn lớn với người dân, cơ quan nhà nước, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có giải pháp cụ thể để hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân theo đúng tiến độ, cũng như bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cân nhắc xóa đăng ký thường trú
Không ít đại biểu đưa ra ý kiến khi cho rằng việc cư trú là quyền cơ bản của công dân. Do đó, theo nhiều đại biểu, dự thảo luật đề xuất xóa đăng ký thường trú có thể tác động tiêu cực tới quyền lợi của người dân. "Các ý kiến này đề nghị cần cân nhắc kỹ, chỉ nên quy định xóa đăng ký thường trú của công dân trong trường hợp thật cần thiết nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu bảo đảm quyền công dân và công tác quản lý của Nhà nước" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) không đồng tình với việc xóa đăng ký thường trú và chỉ nên xóa ở một số trường hợp nhất định mà luật hiện hành đã quy định. Cũng theo đại biểu Xuyền, trong Luật cư trú sửa đổi đưa ra vấn đề bỏ sổ hộ khẩu và sử dụng công nghệ để quản lý cơ sở dữ liệu dân cư bằng mã số định danh cá nhân. Do đó hoàn toàn có thể quản lý đăng ký thường trú nên không nhất thiết đặt vấn đề xóa.
Trao đổi thêm về cách thức thực hiện, đại biểu Đỗ Văn Sinh, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng định danh cá nhân cần được đảm bảo tính liên thông về cơ sở dữ liệu, nhưng phải có cách thức quản lý phù hợp, bảo mật bằng cách phân nhánh, phân quyền từng cấp độ thông tin. Vì vậy, cần đầu tư hạ tầng thông tin, Chính phủ và các bộ ngành ở từng lĩnh vực phải cùng làm để tạo được tính liên thông, đồng bộ trong hệ thống cơ sở dữ liệu.
Đà Nẵng sẽ thí điểm đô thị một cấp chính quyền
Ở phiên thảo luận trực tuyến đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng ngày 23-5, toàn bộ đại biểu đều đồng tình cần ban hành nghị quyết thí điểm để tạo sự đột phá cho phát triển của Đà Nẵng.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình dự thảo nghị quyết và cho biết nghị quyết này sẽ đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP Đà Nẵng. Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức một cấp chính quyền đô thị, các quận và phường không còn tổ chức HĐND. HĐND và UBND chỉ được tổ chức ở cấp TP, quận và phường chỉ còn cơ quan hành chính là UBND với lãnh đạo được bổ nhiệm bởi chủ tịch UBND cấp trên.
NGỌC HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận