20/03/2021 10:45 GMT+7

Tháng 4 Việt Nam có 'hộ chiếu vắc xin'?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Hôm 17-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng 'hộ chiếu vắc xin' và giao thương có kiểm soát.

Tháng 4 Việt Nam có hộ chiếu vắc xin? - Ảnh 1.

"Hộ chiếu vắc xin” sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của những người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 19-3 chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo, bàn hướng triển khai "hộ chiếu vắc xin" với phương châm thực hiện mục tiêu kép (vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế) và bảo đảm an toàn trên hết.

Kiểm soát qua mã QR-Code

Tại cuộc họp, ông Lưu Thế Anh - phó giám đốc Trung tâm giải pháp y tế, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel - cho biết hiện Viettel đang kết hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan thực hiện việc rà soát và triển khai giải pháp "hộ chiếu vắc xin COVID-19".

Với "hộ chiếu vắc xin COVID-19", sẽ cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm. Sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận.

Về yêu cầu chung, ông Thế Anh cho hay người dân khi đến tiêm cần mang theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế để xác thực thông tin người đi tiêm. Thông tin người dân đến tiêm thu thập từ 2 nguồn: do cơ sở y tế lập danh sách đối tượng theo nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ; do người dân đến trực tiếp cơ sở y tế để cung cấp thông tin.

Theo đó, trước khi tiêm, bác sĩ ở bộ phận tiếp đón chụp ảnh người dân/người được tiêm để lưu lại trên hệ thống (nếu cần). Thông tin người dân chính thức được xác thực từ cơ sở y tế và lưu trữ vào công nghệ chuỗi - khối (blockchain) kể từ khi thực hiện mũi tiêm đầu tiên.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay "hộ chiếu vắc xin" thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế.

Theo ông Long, việc có "hộ chiếu vắc xin" cho phép người sở hữu không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19, trong khi một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận "hộ chiếu vắc xin" thông qua mã QR-Code.

Ông Long cũng cho hay việc quản lý theo cách thức này dựa vào hai dữ liệu cơ bản: số thẻ bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận.

"Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-Code, xác thực cho người dân. Khi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-Code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân" - Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích.

Tháng 4 Việt Nam có hộ chiếu vắc xin? - Ảnh 2.

"Hộ chiếu vắc xin” sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại với những người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: MINH ANH

Đi tiêm phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử

Đại diện các bộ ngành như thông tin và truyền thông, ngoại giao, y tế, công an, quốc phòng nhấn mạnh rằng cần chuẩn bị kỹ về hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, đề xuất chính sách, hướng dẫn cụ thể để thực hiện chủ trương "hộ chiếu vắc xin" khi điều kiện cho phép với tinh thần thực hiện mục tiêu kép nhưng đảm bảo an toàn là trên hết.

Theo đó, với người dân trong nước, thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, thực hiện liên thông với cơ sở dữ liệu công dân, không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong tiêm chủng mà còn giúp kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong tình hình có dịch sau này một cách thống nhất, thuận lợi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm tới đây khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống của Apple Store hoặc Google Play, khai báo lại thông tin cần thiết.

Cơ sở y tế quét mã QR-Code thay vì thực hiện thao tác trên giấy. Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm, được cấp giấy chứng nhận và mã QR-Code xác nhận.

Ông Long cũng đề xuất lồng ghép thông tin của hồ sơ sức khỏe, thẻ bảo hiểm y tế của người dân (đã được tiêm vắc xin - PV) vào thẻ căn cước công dân (do ngành công an quản lý) nhằm đảm bảo tính xác thực cao hơn.

Đại diện các bộ ngành, nhà mạng di động lớn cho biết hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho việc cấp "hộ chiếu vắc xin" sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng triển khai từ tháng 4-2021.

"Hệ thống kỹ thuật phải tính đến những trường hợp phức tạp nhất, sẵn sàng để triển khai ngay sau khi có chính sách cụ thể về hộ chiếu vắc xin", thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý.

Về chính sách, hướng dẫn cụ thể, Bộ Y tế cho hay đang tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để Việt Nam có thể sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi cho những người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở các nước.

Theo đó, Bộ Y tế và Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel đang thí điểm tại các điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhằm đánh giá năng lực, tính tương thích của các cơ sở.

Giảm thời gian cách ly với người có "hộ chiếu vắc xin"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-3, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho biết cục này cũng đang tìm giải pháp, bên cạnh theo dõi sát sao nếu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khuyến cáo chung.

"Một số quốc gia đang cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly, Việt Nam cũng đang chờ đợi để có ứng xử phù hợp" - ông Tấn cho biết.

Dù phiên họp ngày 19-3 là phiên thứ 3 mà Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia bàn đến "hộ chiếu vắc xin" nhưng câu hỏi tiếp nhận người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin từ nước ngoài đến Việt Nam như thế nào vẫn chưa tìm được đáp án.

"Có một số vướng mắc chúng tôi đang nghiên cứu để khi thực hiện đồng bộ và khả thi.

Cụ thể, hiện thế giới có nhiều loại vắc xin ngừa COVID-19 đã được đưa vào sử dụng, trong đó có vắc xin được WHO chấp thuận, có vắc xin chưa được WHO chấp thuận, có vắc xin của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh..., vậy khi ứng xử với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì có ứng xử tương tự miễn là đã tiêm vắc xin không" - một chuyên gia của Cục Y tế dự phòng đặt câu hỏi.

Chuyên gia này cũng cho rằng thời gian bảo vệ của vắc xin hiện chưa có câu trả lời rõ ràng, do đó cũng chưa rõ sau bao nhiêu lâu thì cần tiêm lại vắc xin. Vì vậy, khi cho phép sử dụng "hộ chiếu vắc xin" có thể áp dụng một thời gian ngắn trước và theo dõi tiếp để bảo đảm an toàn.

Về tỉ lệ sinh miễn dịch sau tiêm, hiện vắc xin AstraZeneca có tỉ lệ bảo vệ là 76% sau tiêm mũi 1, 81% sau tiêm cả 2 mũi; vắc xin của Moderna tỉ lệ đáp ứng miễn dịch khoảng 92% nhưng vẫn còn 8-19% người được tiêm chưa được bảo vệ, số này có thể mang mầm bệnh và làm lây lan.

Tuy nhiên trong những ngày tới, chắc chắn Bộ Y tế sẽ bàn thảo tìm giải pháp kỹ thuật để ứng dụng "hộ chiếu vắc xin", nếu không sẽ rất khó để đảm bảo thông thương và khôi phục ngành du lịch cũng như nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại như trước năm 2020.(L.ANH)

Đã tiêm vắc xin cho gần 28.000 người

Theo số liệu của Chương trình tiêm chủng quốc gia, tính đến 16h ngày 18-3-2021, Việt Nam đã tiêm vắc xin AstraZeneca cho 27.546 người.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Các điểm tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tỉ lệ phản ứng sau tiêm ở mức cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin. Một số trường hợp phản vệ độ 2 được phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế và hiện sức khỏe đều đã bình phục".

"Hộ chiếu vắc xin" quan trọng với hàng không

Ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết nếu mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ, điều quan trọng nhất là áp dụng được "hộ chiếu vắc xin".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thắng cho biết trước đó Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo phòng chuyên môn có liên quan nghiên cứu chương trình IATA Travel Pass - một ứng dụng do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) triển khai trên hệ thống của tổ chức này - để báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng, nhằm sớm mở lại đường bay thương mại quốc tế hai chiều đi - đến Việt Nam.

IATA Travel Pass có chức năng số hóa chứng nhận hành khách đã khai báo y tế, tiêm vắc xin, xét nghiệm COVID-19 để hành khách xuất trình và nhà chức trách các quốc gia trích xuất thông tin hành khách.

"Các hãng hàng không Việt Nam luôn muốn bay quốc tế thường lệ và lúc nào cũng có thể thực hiện được vì không có trở ngại gì về máy bay, đường bay, nhân lực. Nếu mở lại được đường bay quốc tế thường lệ thì rất tốt cho ngành hàng không.

Tuy nhiên, điểm mới lần này so với các phương án trước đây là các quốc gia phải công nhận và thỏa thuận được với nhau về hộ chiếu vắc xin" - ông Thắng nói.

TUẤN PHÙNG

Phó thủ tướng: Phó thủ tướng: 'Hộ chiếu vắc xin' phải đảm bảo an toàn trên hết

TTO - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu công tác chuẩn bị giải pháp kỹ thuật, chính sách thực hiện "visa vắc xin" (hộ chiếu vắc xin) với tinh thần "thực hiện mục tiêu kép nhưng bảo đảm an toàn là trên hết".

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên