Ngày này 50 năm trước, 33 thủy quân lục chiến và quân nhân của Fox 2-1 đã tử trận trong trận đánh Bình Sơn, dòng chữ trên vòng hoa được đặt trước bức tường khu tưởng niệm chiến tranh VN (khu National Mall, Washington DC) còn tươi nguyên, đọng sương sớm một ngày cuối tháng 4-2017.
Những ngày cuối tháng 4 hằng năm, các lẵng hoa, thư và kỷ vật nhỏ như vậy lại được chuyển về đây, đặt phía trước những tấm đá lạnh lẽo.
Cuộc chiến ở bên kia bán cầu đã kết thúc 42 năm nhưng với nhiều người Mỹ, những mất mát vẫn ám ảnh đến tận ngày nay.
Bà Maureen Murphy-Payne, tình nguyện viên của khu tưởng niệm, là một trong số đó.
Bà Maureen đến từ Town of Norwood, Massachusetts, từng là điều tra viên của sở cảnh sát địa phương trước khi nghỉ hưu.
Khoảng vài năm trở lại đây, bà gia nhập nhóm tình nguyện viên của khu tưởng niệm chiến tranh VN này.
Mỗi năm, 2-3 lần bà lại cùng anh trai, cũng là viên cảnh sát về hưu, sắp xếp thời gian bay từ Massachusetts đến Washington DC làm tình nguyện viên trong 1 - 2 tuần. Anh trai của hai người là một lính Mỹ đã tử trận tại VN vào tháng 6-1968.
Họ muốn làm gì đó cho người anh đã mất của mình. Bà Maureen kể ngày gia đình nhận tin anh trai mất, mọi người đều im lặng, đến bây giờ, khoảng trống mà người anh để lại cho những người thân trong gia đình vẫn còn quá lớn.
“Sau này đọc thêm tài liệu, tôi mới biết đó là năm chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất và trên dãy đá tưởng niệm này cũng thể hiện điều đó, 1968 là năm số lượng lính Mỹ chết nhiều nhất” - bà Maureen nói.
Bà trầm ngâm nói tiếp: “Những dòng chữ trên bức tường đá này không hề khô khan đâu, những cái tên được đặt theo ngày tháng mà họ ra đi. Phía sau mỗi cái tên, nếu kết thúc bằng hình viên kim cương nhỏ nghĩa là đã xác nhận hi sinh. Nếu đánh dấu bằng dấu cộng, có nghĩa là vẫn còn mất tích, chưa tìm thấy xác.
Trong trường hợp những người mất tích còn sống trở về, tên họ sẽ được khoanh tròn như biểu tượng của sự sống.
Bức tường đá đen khắc hơn 58.200 tên tuổi với từng ấy số phận khác nhau, tự bản thân nó nói lên sự bi thảm của chiến tranh.
Nhiều thập kỷ qua, khu tưởng niệm này là nơi chúng ta đến suy ngẫm, tưởng niệm chứ không phải là vinh danh một cái gì đó”.
Câu chuyện của tôi với bà Maureen bị ngắt quãng bởi một phụ nữ lớn tuổi muốn nhờ tìm lại tên một người lính trên tấm đá. Một người lính hiện vẫn đang mất tích trong trận chiến ở VN năm 1965.
Người phụ nữ nói: mẹ của anh lính Mỹ này đã quá già để đi đến đây, bà được nhờ đến khu tưởng niệm này xác định lại liệu thi thể con bà đã được tìm thấy?
Bà Maureen nhanh chóng tìm ra tên của người lính. Bà tỏ vẻ hối tiếc vì anh ta vẫn đang trong tình trạng mất tích!
Có một lý do khác để bà Maureen sắp xếp đến Washington DC lần này là hôm 22-4, một đoàn cựu binh từng ở chiến trường VN từ khắp nơi trên nước Mỹ họp mặt ở khu tưởng niệm này.
Trong sáng 22-4, một cuộc hội ngộ đầy xúc động đã diễn ra giữa các cựu binh, không có cảnh tay bắt mặt mừng, chỉ là những câu chào nhau chừng mực của những con người nay đã lớn tuổi, một số ngồi trên xe lăn và cần đến sự trợ giúp của tình nguyện viên.
“Vẫn còn quá khó khăn để nhắc lại câu chuyện hơn 40 năm trước. Cuộc chiến có quá nhiều chỉ trích về ý nghĩa của nó. Sau lễ tưởng niệm, có một chút ớn lạnh chạy quanh mình, người tôi cảm giác lạnh hơn so với nhiệt độ bên ngoài” - ông Jim Orman, một cựu binh, nói.
“Ngày nay, những đứa trẻ được bố mẹ chúng đưa đến đây, các em học sinh được thầy cô dùng bức tường minh họa trong các giờ học về lịch sử.
Điều đầu tiên khi chúng đến đây chỉ thốt lên “Đã có quá nhiều người chết”. Nhưng tôi biết ở VN con số người chết trong cuộc chiến này lên đến hàng triệu người, quá lớn để tấm đá nào có thể ghi đủ hết.
Tất cả những gì hiện diện tại đây nhằm để nhắc nhở với mọi người trên Trái đất này về sự tàn bạo của chiến tranh” - bà Maureen nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận