Phóng to |
Ông Nguyễn Trần Hiển - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tuy nhiên, điều người dân quan tâm nhất vẫn là độ an toàn của văcxin Quinvaxem này. Tại cuộc gặp báo chí ngày 24-9, ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết:
"Hiện có 1,5 triệu liều văcxin Quinvaxem mới nhập về VN, trong đó gần 1,4 triệu liều đã hoàn tất kiểm định" Ông Nguyễn Trần Hiển(chủ nhiệm dự án tiêm chủng mở rộng) |
- Kết quả điều tra phản ứng sau tiêm văcxin cho đến nay chưa có trường hợp nào liên quan văcxin không an toàn. Chúng tôi đang đứng trước khó khăn là giải thích cho người dân về những trường hợp tai biến sau tiêm phần lớn là do những nguyên nhân khác, không phải do văcxin.
Ở Sri Lanka, sau khi ngừng sử dụng Quinvaxem trong hai năm do lo ngại tai biến, tỉ lệ tai biến không giảm. Kết quả giám định pháp y cho thấy đa số trẻ bị tai biến và tử vong do bệnh sẵn có mà chủ yếu là bệnh tim.
Từ tháng 10, khi sử dụng Quinvaxem trở lại, khác biệt lớn nhất là các điểm tiêm áp dụng quy trình tiêm chủng mới, chú ý khám sàng lọc, phát hiện các trường hợp có chỉ định ngừng tiêm, hoãn tiêm; mỗi điểm tiêm chỉ tiêm ngừa cho 50 trẻ/buổi, tăng cường mối giao lưu giữa cán bộ tiêm chủng và cha mẹ trong việc cán bộ giải thích về văcxin, hạn dùng, cách sử dụng, cha mẹ trẻ giám sát thực hành tiêm chủng của cán bộ tiêm chủng.
* Thưa ông, có ý kiến cho rằng VN áp dụng lịch tiêm Quinvaxem ba mũi thời điểm trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi là giai đoạn non tháng, chưa phát hiện được các bệnh sẵn có, trong khi nhiều nước áp dụng lịch tiêm 5, 7, 12 tháng. Có dự định thay đổi lịch tiêm để tăng tính an toàn không?
- Ông Nguyễn Trần Hiển: Cho đến nay chưa đủ bằng chứng để thay đổi lịch tiêm. Hiện đa số nước trên thế giới áp dụng lịch tiêm tương tự VN, cao điểm bệnh ho gà là ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, như vậy nếu tiêm muộn sẽ không đủ đáp ứng miễn dịch. Chúng tôi cũng đang đề nghị được cung cấp mô hình bệnh tật để có thêm bằng chứng, nếu cần thay đổi thì phải đảm bảo dự phòng bệnh tật.
* Triển khai tiêm ngừa Quinvaxem trở lại thì các ông có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn tiêm chủng?
- Ông Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Không phải đến thời điểm này mà trước đây nhiều tháng chúng tôi đã có chuẩn bị. Đến nay chỉ những điểm tiêm đạt yêu cầu mới triển khai tiêm Quinvaxem từ tháng 10, những điểm chưa đạt phải hoàn thiện lại để sang tháng 11 mới bắt đầu.
Quan trọng là đánh giá của các sở y tế. Hiện có sở y tế có văn bản gửi lên bộ cho rằng nếu yêu cầu chỉ tiêm 50 trẻ/buổi thì rất khó khăn, địa phương không thực hiện được. Nhưng vấn đề là tuân thủ quy trình, nếu số điểm hiện có không đủ thì phải mở rộng điểm tiêm, hoặc tăng số ngày tiêm chủng, đảm bảo số trẻ tiêm trong buổi dưới 50 trẻ/điểm.
Về chất lượng các cơ sở tiêm chủng, như đoàn tôi đi kiểm tra vừa rồi thấy có điểm tiêm 200 trẻ/buổi, nhân viên y tế cầm micro gọi tên, tư vấn nhưng đông quá không ai nghe. Văn bản chỉ đạo rất tốt nhưng kế hoạch cụ thể nhiều nơi chưa làm được.
* Có ý kiến cho rằng nguyên nhân tai biến văcxin làm ba trẻ sơ sinh tử vong hôm 20-7 ở Quảng Trị là do tiêm nhầm thuốc. Hơn hai tháng trôi qua, vì lý do gì mà vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Bình: Bộ Y tế đã gửi cho Bộ Công an hai công văn đề nghị nhanh chóng tìm nguyên nhân, phía công an cũng thông báo họ đang rất tích cực. Chúng tôi chỉ biết hiện có kết quả kiểm định lô văcxin liên quan, Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế đã gửi kết quả cho cơ quan trưng cầu là Công an tỉnh Quảng Trị. Về việc có hay không việc tiêm nhầm phải dựa trên bằng chứng chứ không nên suy luận sẽ dễ ảnh hưởng đến việc điều tra.
Năm 2013, 13 trường hợp tử vong sau tiêm chủng Theo thống kê của dự án tiêm chủng mở rộng, trong 10 năm gần đây năm có số trẻ bị trường hợp phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng là 2006 với 36 trẻ, thấp nhất là năm 2009 với 10 trường hợp. Riêng số tử vong, cao nhất là năm 2007 với 21 trẻ, thấp nhất là năm 2005, may mắn không có bé nào gặp nạn sau tiêm. Trong ba năm gần đây năm 2011 có 17 trường hợp tai biến nặng, trong đó 10 ca tử vong; năm 2012 có 30 bé gặp tai biến nặng (15 bé tử vong) và 9 tháng đầu năm 2013 có 22 trường hợp gặp tai biến, 13 cháu tử vong. Ông Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết năm 2013 có 3/13 trường hợp tử vong sau tiêm chủng chưa xác định được nguyên nhân (ba bé sơ sinh tử vong sau tiêm viêm gan B ở Hướng Hóa, Quảng Trị ngày 20-7). Tuy nhiên riêng số trẻ tiêm văcxin Quinvaxem, có 40% không xác định được nguyên nhân chính xác do không đầy đủ dữ liệu. Trong khi đó, cả nước có 12.000 điểm tiêm chủng, qua kiểm tra ban đầu chỉ có 2% không đạt chất lượng. Song, theo ông Hiển và ông Nguyễn Văn Bình, việc tiêm chủng văcxin Quinvaxem trở lại vẫn có thể xuất hiện tai biến! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận