01/04/2019 10:06 GMT+7

'Thần ưng gãy cánh' ở Khe Sanh

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Trực thăng chiến đấu UH-1H, Chinook CH-47, A-37, C-130... từng khét mùi đạn bom chiến tranh Việt Nam giờ vẫn đang nằm trên đường băng Khe Sanh. Nhưng những 'thần ưng', 'ma trời' không còn gầm rú nữa, mà lặng lẽ kể lại một thời không quên.

Thần ưng gãy cánh ở Khe Sanh - Ảnh 1.

C-130 từng không vận và yểm trợ hỏa lực chiến trường Việt Nam - Ảnh: L.Đ.DỤC

Những ngày chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, phương tiện vận chuyển đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump ngoài chiếc máy bay Air Force One còn có phi đội vận tải và liên tục đến Nội Bài.

Trong đó C-130, vận tải cơ chiến lược của không lực Mỹ, được sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam.

Nhưng ít ai biết ở Quảng Trị vẫn còn chiếc C-130 đang được trưng bày trên sân bay Tà Cơn, chiến trường xưa.

Nhìn những máy bay quân sự Mỹ bạc màu ở Khe Sanh bây giờ, tôi như sống lại năm tháng đỏ lửa chiến tranh. Nhưng cũng từ đó mới thấu hiểu thật sự ý nghĩa của hòa bình.

Cựu chiến binh VŨ THẾ LƯƠNG (sư đoàn phòng không 367)

Vùng đất được chọn...

Với sải cánh hơn 40m, dài gần 30m, cao gần 12m, chỉ riêng chiếc C-130 đã chiếm không gian trưng bày hàng ngàn mét vuông trong khu di tích.

Cùng với hai UH-1H và Chinook CH-47 được trưng bày tại đây, một chiếc cường kích A-37 tại Bảo tàng Quảng Trị, một chiếc C-119 chuẩn bị nhận về, mảnh đất một thời là tuyến lửa chiến địa này đang dần hình thành "bảo tàng máy bay" khét mùi đạn bom chiến tranh Việt Nam.

Anh Lê Quân Miện, cán bộ phụ trách cụm di tích sân bay Tà Cơn, nhớ lại hành trình đưa từng chiếc máy bay về trưng bày ở đây mà không giấu niềm tự hào. Trong đó chiếc UH-1H và Chinook CH-47 là hai máy bay đầu tiên được đưa về trưng bày ở Tà Cơn năm 2003.

Nhân chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng Khe Sanh 1968-2003, UBND tỉnh kiến nghị Quân chủng Phòng không - không quân để có được hai chiếc máy bay đã hư hỏng nặng (được xếp cấp 5).

Thời điểm đó, tôi tìm gặp anh Ngô Thanh Bảo - giám đốc Trung tâm Di tích danh thắng Quảng Trị - để lấy thông tin về những chiếc máy bay đang chuẩn bị về trưng bày ở Tà Cơn.

Bản tin kèm hình ảnh được đăng trên báo Tuổi Trẻ khi máy bay đang được chở từ Nhà máy A42 - Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - không quân ở Đồng Nai về Quảng Trị.

Sau này anh Bảo nói vui: "Nhờ báo Tuổi Trẻ đưa tin ngay khi máy bay vừa lên xe siêu trường siêu trọng để về Quảng Trị, hành trình mỗi khi bị dừng kiểm tra thì ngoài giấy tờ vận chuyển, anh em đưa luôn tờ báo có đăng bản tin bổ sung hiện vật nhân 35 năm giải phóng Khe Sanh là được tạo điều kiện để về kịp trưng bày".

Thế nhưng hai chiếc UH-1H và Chinook CH-47 dù sao kích cỡ cũng chưa quá cồng kềnh bởi chiều dài chỉ 15,5m và sải cánh rộng 18,3m. Đến chiếc C-130 thì hành trình từ Nhà máy A41 (TP.HCM) về Quảng Trị quá cam go.

Do kích thước khổng lồ, đặc biệt sải cánh lên đến 40,41m, cao tới 11,6m, máy bay được tách thành từng phần để vận chuyển. Tuy nhiên, việc qua các trạm thu phí trên quốc lộ 1 hoàn toàn không dễ dàng.

Anh Lê Quân Miện kể ngoài phương tiện vận chuyển, nhà máy còn bố trí thêm xe cẩu hạng nặng để xử lý tình huống xe không qua được bởi vướng cổng chào, các trạm thu phí quốc lộ...

Từng phần máy bay tháo rời được dỡ ra khỏi xe vận tải. Xe cẩu hộ tống cẩu bổng máy bay qua chướng ngại vật rồi tiếp tục cẩu lên xe tải.

Cứ thế, vượt qua từng chặng mất nhiều ngày thì chiếc C-130 đã yên vị ở di tích sân bay Tà Cơn.

Những du khách, nhất là du khách quốc tế, không còn phải "huy động trí tưởng tượng" như trước. Bởi nhà bảo tàng chiến thắng đường 9 - Khe Sanh có hình ảnh chiến dịch "trực thăng vận" với hàng trăm chiếc UH-1H kín bầu trời thì chỉ bước ra khỏi nhà bảo tàng, du khách sẽ gặp ngay chiếc UH-1H đó.

Rồi hình ảnh tư liệu chiến trường Khe Sanh năm 1968 chụp những chiếc Chinook CH-47 đang cẩu lơ lửng giữa trời các khẩu pháo bay từ căn cứ cách đó hàng chục kilômet.

Tuy nhiên, phải tận mắt nhìn thấy vận tải cơ Chinook ở đây mới hiểu được vai trò của nó trong chiến tranh Việt Nam. Những cao điểm hỏa lực của Mỹ dọc đường 9 qua Hạ Lào hiểm trở đều cần sự vận chuyển của dòng máy bay này.

Thần ưng gãy cánh ở Khe Sanh - Ảnh 3.

Trực thăng vận trên chiến trường Việt Nam - Ảnh tư liệu

Ước mơ "siêu bảo tàng" Khe Sanh

Tìm hiểu chiến tranh Việt Nam, chắc khó nơi nào có thể chuyển tải trọn vẹn thông điệp như Khe Sanh. Bởi từ chiến thắng Khe Sanh năm 1968 đã mở ra cục diện mới.

Khe Sanh thất thủ khiến phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara từ biển Cửa Việt lên biên giới Việt - Lào cáo chung. Kế hoạch cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh bị phá sản...

Với sứ mệnh như thế, Khe Sanh hoàn toàn không chỉ là bảo tàng khu vực mà đủ sức để thành một bảo tàng chiến tranh Việt Nam, hay rộng hơn là chiến trường Đông Dương. Những chiếc máy bay từng khét mùi bom đạn trưng bày ở đây thực sự là những "cổ vật chiến tranh" vô cùng quý giá.

Và biết nó thực sự quý giá nên cứ lâu lâu Quảng Trị lại "năn nỉ" Quân chủng Phòng không - không quân để xin lại những máy bay "cấp 5" đã hư hỏng quá nặng, chỉ có thể trùng tu thân vỏ để trưng bày.

Vậy mà mất 15 năm cũng chỉ mới xin được 3 chiếc cho di tích Tà Cơn.

Trò chuyện với tôi, anh Lê Quân Miện tâm tư một chiếc máy bay khác đang được xin về trưng bày. Đó là chiếc C-119 đang để ở Nhà máy A41, dòng máy bay vận tải chiến lược của quân đội Mỹ, từng được tham chiến ở Việt Nam. Chiếc C-119 xứng đáng là "cổ vật" hơn, vì nó là dòng máy bay ra đời từ năm 1947.

Tuy nhiên, để trùng tu chiếc C-119 này và đưa về di tích Tà Cơn cần ít nhất 2,8 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Quang Chức, phụ trách Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị, khi biết Tà Cơn sẽ được cho thêm một "cổ vật máy bay" đã vui mừng bao nhiêu thì nghe số tiền cần để trùng tu và vận chuyển lại lo lắng bấy nhiêu.

Nhiều lần lên Tà Cơn - Khe Sanh, tôi nhìn những đoàn khách đủ quốc tịch háo hức ghé thăm di tích, chụp ảnh bên hiện vật chiến tranh. Nhưng cả tour vòng quanh công sự Mỹ đến các "cổ vật máy bay" chỉ chưa đến hai giờ.

Trong khi lẽ ra với lịch sử chiến tranh bi tráng như thế, Khe Sanh cần phải được tham quan hai ngày chứ không chỉ hai giờ...

maybay 3

Chinook CH-47 từng vận tải hỏa lực nặng ở Khe Sanh - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Đất lửa Quảng Trị có những nơi như huyện Vĩnh Linh mỗi người dân chịu tới 7 tấn bom đạn, hay thành cổ Quảng Trị bị bom đạn trong 81 ngày đêm tương đương... 7 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima.

Nhưng dù chiến tranh tàn khốc như thế, giờ đây việc tìm cho du khách thấy một hố bom thời chiến đã quá khó với hướng dẫn viên tour DMZ.

Vì thế, những chiếc máy bay được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được đưa về trưng bày tại đây là một nỗ lực rất lớn trên chiến địa xưa.

Tiếp nhận máy bay C130 ở chiến trường Khe Sanh - Tà Cơn

TT - Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị vừa tiếp nhận chiếc máy bay vận tải hạng nặng C130A của quân đội Hoa Kỳ mang số hiệu 532 (ảnh) do nhà máy A41 thuộc Quân chủng phòng không - không quân, Bộ Quốc phòng Việt Nam bàn giao.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên