Đó là khuyến nghị của ông Trần Quốc Phương, vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT), đưa ra trước phản ánh của báo Tuổi Trẻ về tình trạng hoạt động èo uột của một số khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Tây Nam Bộ.
Được thành lập năm 2007, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) từng được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng. Nhưng nay thì các doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi đây, bỏ lại những công trình tiền tỉ… - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Khuyến nghị này được ông Phương đưa ra trước phản ánh của báo Tuổi Trẻ về tình trạng hoạt động èo uột của một số khu kinh tế cửa khẩu Tây Nam Bộ, trong bài Khu kinh tế cửa khẩu "chết lâm sàng": Giải cứu... động lực tăng trưởng.
Theo ông Phương, do có sự khác biệt về điều kiện, vị trí địa lý, các khu kinh tế cửa khẩu này nằm giáp biên giới Campuchia, Lào là vùng còn khó khăn nên khó thu hút doanh nghiệp, dẫn tới hiện nay một số khu kinh tế phải chuyển đổi thành các khu chức năng khác.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng việc chuyển đổi công năng các khu chức năng phải phù hợp với đặc điểm cụ thể từng khu kinh tế cửa khẩu và phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Việc chuyển đổi công năng thành khu thương mại tự do cần hết sức cân nhắc và phải có phân tích, đánh giá cụ thể trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định, vì hiện nay chưa có quy định pháp luật đối với loại hình khu thương mại tự do" - ông Phương cảnh báo.
Theo đó, giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, theo ông Phương, là cần phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, thương mại biên giới.
Hiện cả nước có 26 khu kinh tế cửa khẩu nằm ở 21 tỉnh. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu bình quân 20% giai đoạn 2011-2017, đóng góp ngân sách hằng năm khoảng 10.000 tỉ đồng nhưng chủ yếu là các khu kinh tế cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận