17/06/2024 12:22 GMT+7

Thần tốc làm đường dây 500kV đưa điện ra Bắc - Kỳ cuối: Không để thiếu điện

Chỉ sau một năm phát động khởi công, đến nay dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối kéo điện ra Bắc đang tiến về đích với những con số được thiết lập kỷ lục - là điều chưa từng có khi thi công các tuyến đường dây 500kV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với người dân tại Nam Định, động viên bà con hỗ trợ dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đi thị sát công trường vào tháng 1-2024 - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với người dân tại Nam Định, động viên bà con hỗ trợ dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đi thị sát công trường vào tháng 1-2024 - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Những thành quả chưa từng có tiền lệ

Công tác giải phóng mặt bằng được xem là khâu khó nhất đối với những dự án truyền tải điện do quy mô rộng, kéo dài ở nhiều địa bàn.

Một đại diện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) là chủ đầu tư dự án chia sẻ kể từ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ triển khai dự án vào tháng 6 năm ngoái thì đến tháng 2 năm nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng móng để thi công và tháng 5 cơ bản bàn giao hành lang tuyến.

Đến nay đã có hơn 15.000 cán bộ, công nhân toàn ngành điện đã được huy động tham gia dự án với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Nhờ vậy, những con số kỷ lục đã được thiết lập khi đến hết ngày 31-5 toàn tuyến đã có mặt bằng và thực hiện đúc được 100%, tương đương với 1.177 vị trí móng. Hơn 800/1.177 vị trí cột được dựng và bàn giao 492/513 khoảng néo hành lang tuyến.

Đến 12h ngày 15-6 cũng đã hoàn thành lắp dựng 598 cột thép, đang thi công 421 cột thép; đã bàn giao 510/513 khoảng néo hành lang tuyến và hoàn thành kéo dây 53 khoảng néo, đang kéo dây 39 khoảng néo.

Với những người trong ngành điện, kết quả này được xem là kỳ tích. Bởi đã có không ít những hoài nghi về khả năng hoàn thành dự án, khi nhìn vào thực tế triển khai các đường dây 500kV trước đây cũng đều mất từ 2 - 3 năm.

Trong khi đây là một công trình quy mô lớn, với chiều dài 519km đi qua địa bàn chín tỉnh thành, có tổng mức đầu tư 22.300 tỉ đồng, việc phải về đích đúng hạn thời gia một năm là chưa từng có tiền lệ.

Vì vậy mà ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng vào cuối tháng 6 năm ngoái, việc bắt tay ngay vào công việc là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và cấp bách.

Một cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì vào đầu tháng 7-2023 được tổ chức ngay để triển khai dự án.

Lúc này, toàn bộ bốn dự án thành phần của dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối vẫn đang ở giai đoạn sơ khai nhất, khi chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Các bước nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá tác động môi trường, thủ tục về chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng... vẫn đang là con số 0.

Một ý tưởng táo bạo lúc đó là phải làm song song các bước về thủ tục thì mới kịp được tiến độ dự án.

Vì vậy, Ban chỉ đạo dự án đã được EVN thành lập, yêu cầu các đơn vị phải nêu rõ từng đầu việc, mốc thời gian cần hoàn thành, đề xuất các cơ quan chủ trì, phối hợp để giải quyết vướng mắc.

Đặc biệt tại thời điểm đó, tổng giám đốc EVN đã đưa ra một mệnh lệnh cho các ban chuyên môn khi xử lý công việc, đó là văn bản liên quan dự án đều phải ghi "thượng khẩn" và xử lý tối đa không quá một ngày.

Dự án nhờ đó đã dần có hình hài rõ nét khi đồng loạt được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thi công từ giữa quý 3-2023 và đạt được những kết quả đáng khích lệ đến hôm nay.

Có mặt tại công trường thi công đường dây 500kV tại Nam Định - Thái Bình những ngày tháng 6 nắng nóng oi bức, không khí thi công khẩn trương diễn ra khắp các công trường, dù thời tiết nhiều bất lợi.

Anh Nguyễn Tùng Lâm (29 tuổi) là cán bộ kỹ thuật trẻ của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) lần đầu tiên được phân công tham gia công việc có quy mô lớn khi đảm nhiệm ba gói thầu, từ vị trí cột 85 đến vị trí 121.

Chưa lập gia đình nên suốt ba tháng bám trụ ở công trường, Lâm chỉ một vài lần kết hợp công việc mới về thăm cha mẹ ở Hoài Đức (Hà Nội). Với Lâm, việc được tham gia một công trình năng lượng trọng điểm quốc gia có tính cấp bách là niềm vinh dự dù rất nhiều áp lực.

Trên chiếc xe máy đỏ lấm lem bùn đất, Lâm đi rong ruổi khắp các công trường để quản lý và giám sát thi công.

Có khuôn mặt và giọng nói trẻ măng nhưng làn da đen sạm, Lâm kể ngày đi công trường nhưng đêm về lại dành thời gian để làm các báo cáo công việc. Nhiều vất vả, nhưng với Lâm những trải nghiệm quý giá này mang lại bài học quý giá về nghề và được trưởng thành hơn.

Công nhân lắp ghép khung cột vị trí 119-120 kéo điện qua sông Hồng nối giữa Nam Định - Thái Bình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Công nhân lắp ghép khung cột vị trí 119-120 kéo điện qua sông Hồng nối giữa Nam Định - Thái Bình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Quyết tâm không xong không về

Không chỉ Lâm hay nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân bám trụ tại công trường, nhiều lãnh đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công đều được điều động nằm vùng để chỉ đạo trực tiếp dự án với tinh thần "chưa xong chưa về".

Tại EVN, các lãnh đạo của tập đoàn như Chủ tịch Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn, các phó tổng giám đốc trực tiếp điều hành dự án hay nhiều lãnh đạo khác của EVNNPT cũng gần như "trắng lịch" làm việc tại văn phòng do ngày nào cũng có mặt trên khắp các công trường.

Khi chúng tôi đến vị trí cột 184 tại huyện Hưng Hà (Thái Bình), ông Lê Anh Triệu, phó giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây lắp điện số 5 (PCC5) - nhà thầu thi công dựng cột và kéo dây, chia sẻ cùng với hơn 100 anh em kỹ sư, công nhân từ miền Nam ra Bắc kể từ mùng 3 Tết đến nay.

Những người thợ giỏi và có sức khỏe tốt làm việc trên cột cao chót vót  Ảnh NGUYỄN KHÁNH

Những người thợ giỏi và có sức khỏe tốt làm việc trên cột cao chót vót Ảnh NGUYỄN KHÁNH

Đặt mục tiêu 20-6 hoàn thành việc dựng cột để kéo dây, nên việc thi công thực hiện liên tục không ngừng nghỉ, bất chấp thời tiết nhiều bất lợi và khắc nghiệt.

Tuy vậy, điều mà ông Triệu và những người lao động ở đây cảm thấy có động lực nhất đó là sự đồng hành, chia sẻ của các cấp chính quyền và các lãnh đạo cấp cao nhất của EVN là chủ đầu tư dự án luôn có mặt tại công trường.

Ông Triệu kể điều ấn tượng nhất là khi thi công một vị trí móng cột, do gặp vướng mắc về giải tỏa đường tạm để thi công dự án, trực tiếp chủ tịch EVN là ông Đặng Hoàng An đã xuống hiện trường.

Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, gặp gỡ nhà thầu và người dân để đối thoại, làm việc với chính quyền địa phương, họ đã tạo được sự đồng thuận các bên và giải quyết ngay được vấn đề.

"Nếu không có những lãnh đạo trực tiếp đi thực tế để tháo gỡ vướng mắc thì rất khó để làm nhanh được. Bởi vậy khi tham gia dự án này, chúng tôi thấy mình càng cần phải có trách nhiệm hơn", ông Triệu bộc bạch.

Trong thư gửi các bộ ngành địa phương, các đơn vị và chủ đầu tư, nhà thầu cùng toàn thể cán bộ, công nhân, người lao động tham gia dự án ngày 9-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tinh thần thi công "vượt nắng thắng mưa" với thông điệp "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu".

Dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt khi trực tiếp người đứng đầu Chính phủ đã hai lần thị sát công trường.

Tại đây, Thủ tướng đã trực tiếp xuống từng vị trí móng, trò chuyện, động viên người lao động, giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và chính quyền địa phương phải huy động sức dân với phương châm "4 tại chỗ" cùng tham gia dự án, nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ, nhưng phải đảm bảo an toàn, chất lượng.

Trò chuyện với chúng tôi nơi vị trí cột mà Thủ tướng đã từng đến thăm vào dịp sát Tết Nguyên đán năm ngoái tại Nam Định, những người dân nơi đây cho biết đã chấp nhận hiến đất, hiến nhà cho dự án.

Họ làm điều này với tinh thần vì "lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trước hết" như lời Thủ tướng đã căn dặn để hướng tới lợi ích chung.

Công nhân đang thi công cột 42 thuộc địa phận huyện Nghi Sơn (Thanh Hoá) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Công nhân đang thi công cột 42 thuộc địa phận huyện Nghi Sơn (Thanh Hoá) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đến nay, sau nửa năm chứng kiến những người thợ điện vất vả làm ngày làm đêm trên công trường, quyết tâm hoàn thành dự án để đưa điện ra Bắc, người dân nơi đây càng thấy rằng hy sinh của họ là xứng đáng để dòng điện ở miền Bắc sẽ luôn được thắp sáng, giúp dân phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng ấm no và quốc gia hùng cường.

Thần tốc làm đường dây 500kV đưa điện ra Bắc - Kỳ 5: Những cột chọc trời kéo điện qua sôngThần tốc làm đường dây 500kV đưa điện ra Bắc - Kỳ 5: Những cột chọc trời kéo điện qua sông

Bốn vị trí cột bắc qua sông Hồng và sông Luộc nằm trong số bảy cột cao nhất trên toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối có độ thi công khó và phức tạp nhất.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên