13/06/2024 11:14 GMT+7

Thần tốc làm đường dây 500kV đưa điện ra Bắc - Kỳ 2: Đưa dòng điện vượt hồ Bộc Nguyên

Trong hành trình kéo điện ra Bắc, vị trí cột 175 ở xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) là một trong các cột cao nhất qua địa bàn Hà Tĩnh.

Ông Bùi Văn Quang, tổ trưởng tổ thi công, bám trụ dựng cột vị trí 175 - Ảnh: LÊ MINH

Ông Bùi Văn Quang, tổ trưởng tổ thi công, bám trụ dựng cột vị trí 175 - Ảnh: LÊ MINH

Đây cũng là một trong những cột có độ phức tạp nhất trong thi công để kết nối dòng điện vượt hồ Bộc Nguyên với chiều dài dây dẫn tới 650m.

Một trong các vị trí cột khó nhất toàn tuyến

Những tổ thợ giỏi cùng máy móc cơ giới "khủng" được tập kết tại đây. Gần nửa năm qua, từ ngọn đồi trồng keo bên hồ, một đại công trường với những kỷ lục được những người lính áo vàng thiết lập.

Con đường dẫn từ quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh rẽ về hướng Tây những ngày này như một đại công trường. Trên những đám ruộng, lần lượt những trụ điện cao thế kết nối đường dây 500kV mạch 3 lần lượt được dựng lên chờ ngày đóng điện.

Từ đường bê tông dẫn vào xã Cẩm Mỹ nhìn xuống hướng hồ Kẻ Gỗ, lá cờ Tổ quốc ở vị trí cao nhất trên cột 175 đỏ rực trên nền trời. Trên cột, những công nhân đu mình vào thanh sắt cao chót vót, chịu nắng cháy da và gió táp rát mặt để nối cao dần cột thép khổng lồ.

Trưa 10-6, ông Lê Duy Mạnh, đội trưởng đội thi công lắp dựng cột (Công ty cổ phần xây lắp và dịch vụ Sông Đà), nói cả tháng nay không rời công trường. Ông cùng công nhân đảm nhận thi công gói thầu số 25 từ cột 172 đến 180 ở Cẩm Xuyên. Trong số này, cột 175 cắm xuống ngay lòng hồ đưa dây dẫn từ xã Cẩm Mỹ nối về bên kia huyện Thạch Hà.

Ông Mạnh nói ngay khi đảm nhận gói thầu số 25, lãnh đạo ngành điện đã lưu ý độ khó cột 175. Ông cũng nghĩ rất nhiều phương án dựng một trong các cột điện cao nhất của dự án, song quá trình thi công đã phát sinh nhiều tình huống ngoài dự kiến.

Công nhân đu mình trên trụ cao chót vót giữa trời nắng nóng nhu đổ lửa, để nối từng thanh thép cột 175 Ảnh: B.D.

Công nhân đu mình trên trụ cao chót vót giữa trời nắng nóng nhu đổ lửa, để nối từng thanh thép cột 175 Ảnh: B.D.

Ngay ngày mùng 1 Tết, nhà thầu phần đế trụ đã cho công nhân đón Tết ngay công trường để khởi công phần hạng mục móng. Ròng rã hằng tháng trời làm ngày đêm, tới đầu tháng 3, những khối bê tông khổng lồ chịu lực cho bốn chân cột được dựng lên sừng sững trên khoảng đất vừa được san ủi bên lòng hồ Bộc Nguyên.

Ngày 15-3, những công nhân kỹ thuật lành nghề nhất do ông Mạnh dẫn đầu từ Hòa Bình vào cắm lán trại ở trảng rừng keo bên lòng hồ Bộc Nguyên bắt đầu giai đoạn lắp dựng cột.

Đây là đội thợ chuyên nghiệp được tuyển chọn khắt khe để vào Hà Tĩnh làm nhiệm vụ dựng cột đường dây 500kV mạch 3 với tinh thần "không có đường lùi, không trì hoãn".

Ngày 7-4, giai đoạn dựng khung sắt kết cấu chính của cột 175 bắt đầu. Vị trí thi công nằm sâu trong lòng hồ, ông Mạnh phải huy động những cỗ máy hạng nặng chuyên dụng "khủng" nhất vào thi công.

Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, nhóm công nhân 32 người rời khu nhà trại để lên thùng xe tải đi vào vị trí cột. Tại đây, những người thợ đẫm mồ hôi trên công trường từ sáng tới tối mịt, trưa ăn ngủ ngay trên đất bụi để tối mịt mới được xe đưa trở về nhà trọ.

Cột 175 sừng sững cao vút trên hồ Bộc Nguyên chờ ngày kết nối dòng điện Nam - Bắc - Ảnh: B.D.

Cột 175 sừng sững cao vút trên hồ Bộc Nguyên chờ ngày kết nối dòng điện Nam - Bắc - Ảnh: B.D.

Không chỉ là mệnh lệnh

Đứng dưới mố trụ cột 175 nhìn lên nền trời, bóng những công nhân thi công chỉ xuất hiện như chấm nhỏ trên nền mây xanh ngắt.

Phụ trách tổ thi công hiện trường cột 175, ông Bùi Văn Quang nói rằng chừng 10 ngày nữa những thanh thép cuối cùng sẽ được đặt lên trên đỉnh cột. Tinh thần quyết tâm của anh em thợ vô cùng mạnh mẽ.

Ông Quang nói rằng mỗi mét cột, mỗi bu lông, thanh sắt được đưa lên nối cao đều đẫm mồ hôi người thợ. "Hệ thống cột trụ ở đây là cột tròn, độ nặng hàng tấn nên anh em phải dùng xe cẩu để di chuyển lên lắp ghép.

Tất cả thao tác phải đảm bảo an toàn, chính xác tuyệt đối. Do độ cao quá lớn nên thợ chỉ có thể liên lạc với người điều khiển cần trục qua bộ đàm để thao tác", ông Quang nói.

Ngay giữa đất Hà Tĩnh, chúng tôi nghe được giọng những người công nhân áo vàng từ Kim Bôi (Hòa Bình) vào góp sức mình chờ ngày thông dòng điện quốc gia.

Điều khá đặc biệt, đa số anh em thợ đều là người cùng quê, cùng dân tộc Mường, được lãnh đạo đơn vị thi công tuyển chọn để vào triển khai gói thầu phức tạp nhất đoạn qua Hà Tĩnh.

Ông Bùi Văn Chiêm, thợ kỹ thuật, nói mình đi làm điện quanh năm nhưng chưa lần nào phải nỗ lực tiến độ làm ngày làm đêm như nơi này. "Hà Tĩnh lúc này nóng khủng khiếp.

Anh em phải mặc đồng phục, dùng khăn nhúng nước phủ trên đầu rồi dằn mũ xuống giữ cơ thể chống chịu với nắng như chín thịt. Nhưng khăn đội lên được vài chục phút đã khô rang", ông Chiêm vui vẻ nói.

Vị trí cột 175 cao đến 145m nên quá trình thi công cần khối lượng thép khổng lồ và sự lắp ráp của những người thợ lành nghề - Ảnh: LÊ MINH

Vị trí cột 175 cao đến 145m nên quá trình thi công cần khối lượng thép khổng lồ và sự lắp ráp của những người thợ lành nghề - Ảnh: LÊ MINH

Người thợ Mường từ Hòa Bình này kể rằng đã bám công trường được bốn tháng. Vợ con ở nhà ngày nào cũng ngóng tin. Thỉnh thoảng xem thời sự tivi, thấy hình ảnh chồng đu mình trên cột cao thế cao lơ lửng giữa bao la núi rừng, vợ ông lại gọi điện thoại cho chồng.

"Nhớ vợ con lắm, ở đây có anh nhà cách công trường chưa đầy 150km nhưng nửa năm nay chưa một lần được về. Lệnh trên yêu cầu tất cả bám công trường để chờ ngày đóng điện", ông Chiêm nói.

Ông Mai Vũ Trần Quang, cán bộ kỹ thuật phụ trách gói thầu 25, Công ty cổ phần xây lắp và dịch vụ Sông Đà, tâm sự mình có vợ và hai con nhỏ. Đứa út mới tròn 2 tuổi, nhưng ngày sinh nhật con mà vợ chồng ông cũng chỉ biết nhìn nhau qua điện thoại.

Thậm chí bố mẹ ruột ông Quang nhà ở tỉnh Quảng Bình cách công trường thi công khoảng 120km, song ông cũng không thể gói ghém chút thì giờ về thăm. Bởi tình hình thi công dự án hết sức quyết liệt từ sau khi có mệnh lệnh khẩn trương của Thủ tướng.

"Lãnh đạo xuống lán trại anh em công nhân để trò chuyện, động viên. Công việc được đặt lên trên mọi vướng bận gia đình. Chúng tôi được quán triệt rằng đây là mệnh lệnh vì sự phát triển của đất nước, cũng là vinh dự trong một dự án tầm cỡ quốc gia", ông Quang bộc bạch.

Cột điện néo đường dây dài 650m

Trong toàn tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch đi Phố Nối, vị trí cột 175 là một trong các cột cao nhất khi ghi nhận ở địa bàn Hà Tĩnh. Đây là cột có diện tích san ủi mặt bằng lên tới hàng trăm mét vuông, hơn 1.000m3 đất đá được san gạt để làm mặt bằng, phần đế trụ sâu 6,5m. Cột có chiều cao từ mặt đất lên tới đỉnh tới 145m.

Theo đơn vị thi công, do khung thép kết cấu trụ cũng có độ "khủng" lớn nên công nhân không thể khuân vác bằng sức người.

Nhà thầu phải huy động những cỗ máy cẩu tải có công suất lớn. Ông Mai Vũ Trần Quang cho biết sở dĩ vị trí cột 175 có độ khủng như vậy là bởi độ dây văng nối cột kế tiếp có độ dài 650m, lại băng qua một quả đồi khác.

"Chúng tôi chưa từng thi công gói thầu nào có độ phức tạp như vậy. Để đảm bảo tiến độ, anh em phải bám trên công trường từ sáng tới tối. Riêng phần đúc móng thì tăng cường làm ngày làm đêm.

Bước vào phần lắp cột, anh em phải chia ca để bám trên trụ dưới nắng chang chang để đưa vật tư lên. Cột cao lên tới đâu, người leo theo tới đó. Thợ phải ăn cơm hộp ngay trên độ cao hàng chục mét để đảm bảo giờ giấc", ông Quang nói.

--------------------------------------

Trước sự cấp bách của tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, một cuộc "tổng động viên" quy mô trên cả nước của ngành điện đưa những người lính áo vàng khắp mọi miền Tổ quốc đến công trường.

Kỳ tới: Cả nước "chia lửa" cho công trường quốc gia

Thần tốc làm đường dây 500kV đưa điện ra Bắc - Kỳ 1: Quyết liệt trên công trường vượt núi rừngThần tốc làm đường dây 500kV đưa điện ra Bắc - Kỳ 1: Quyết liệt trên công trường vượt núi rừng

Dự án đường dây 500kV mạch 3 dài khoảng 519km từ Quảng Bình ra Hưng Yên với tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên