Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross - Ảnh: REUTERS
Thông tin này do nguồn của hãng tin Bloomberg cung cấp. Ngoài ra, một bức ảnh rò rỉ từ cuộc gặp trên cũng góp phần xác nhận sự có mặt của ông Lưu.
Báo chí quốc tế rất tập trung vào điểm này, vì được biết, cuộc gặp tại Bắc Kinh đáng ra chỉ có sự tham gia của các quan chức cấp thứ trưởng.
Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn trên CNBC phát sóng ngày 7-1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lạc quan rằng hai bên sẽ điểm qua những khác biệt và thống nhất giải quyết thông qua đối thoại.
"Tôi nghĩ nhiều khả năng chúng tôi sẽ có hướng giải quyết khả dĩ mà Trung Quốc có thể chấp nhận, chúng tôi cũng chấp nhận, và chỉ ra được tất cả những vấn đề mấu chốt đang tồn đọng. Và với tôi đó là những vấn đề tức thời. Đó có lẽ là thứ dễ nhất có thể giải quyết", ông Ross tiết lộ.
Nhưng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói thẳng: Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ ra được các vấn đề về thương mại hai nước, nhưng khoản thực thi và cấu trúc lại chuyện giao thương mới khó.
Hiện chưa rõ liệu Bắc Kinh có chấp thuận những yêu cầu cốt lõi của Mỹ đối với vấn đề mất cân bằng thương mại, tiếp cận thị trường hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay không, theo hãng tin Reuters.
Ngày 7-1 là lúc phái đoàn Mỹ và khởi động vòng đàm phán ở Bắc Kinh, tập trung vào việc giải quyết các mâu thuẫn về vấn đề thương mại hai nước.
Cuộc gặp gỡ kéo dài hai ngày này là sự kiện giáp mặt đầu tiên kể từ lúc lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc thống nhất không áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày, bắt đầu từ 1-12-2018.
Mặc dù thị trường toàn cầu đã ghi nhận những diễn biến lạc quan trước việc Mỹ và Trung Quốc đã chịu ngồi xuống nói chuyện cùng nhau, một số sự kiện khác lại khiến kết quả cuộc đàm phán này thêm khó đoán, đơn cử là thông tin tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell ngày 7-1 đã thực hiện hoạt động tuần tra thuộc khuôn khổ Hoạt động tự do hàng hải (FONOPs).
Đây không phải lần đầu Mỹ - Trung công khai mâu thuẫn về vấn đề tự do hàng hải. Nhưng việc tàu Mỹ có động thái rơi đúng vào ngày đàm phán về thương mại 7-1 đã khiến Trung Quốc có phần khó xử.
Ông Lục Khảng vừa qua liên hệ hai vấn đề với nhau, cảnh báo rằng Mỹ nên chú ý việc Washington và Bắc Kinh đang thảo luận, và cả hai nên hành xử có trách nhiệm để tạo ra điều kiện cần thiết và tích cực cho cuộc đàm phán này.
Về vấn đề đàm phán, ông Lục cũng cho rằng Trung Quốc đã thể hiện "thiện chí" với Mỹ để giải quyết tranh chấp, nhưng điều này không có nghĩa vì Trung Quốc dưới cơ.
Trong khi đó, giáo sư kinh tế Lawrence J.Lau của Trường đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh và Washington sẽ đạt được thỏa thuận thương mại "cụ thể" trước thời hạn chót để giảm leo thang căng thẳng thương mại vào tháng 3 tới.
Theo ông Lau, ngoài cam kết mua thêm các sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp từ Mỹ, Bắc Kinh cũng có thể đưa ra các cam kết khác để xoa dịu lo ngại của Washington.
Chuyên gia kinh tế này nhận xét phía Mỹ cũng có thể muốn ngừng cuộc chiến thương mại bởi việc áp thuế lên các sản phẩm lắp ráp tại Trung Quốc như iPhone có thể gây tổn hại tới Apple và các nhà tiêu dùng Mỹ hơn là Trung Quốc.
Trước đó hôm 6-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, và rằng sự suy yếu trong kinh tế Trung Quốc đã buộc Bắc Kinh phải nhanh chóng tìm thỏa thuận với Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận