Phóng to |
Ấm lòng ngày đông với món chè bà cốt - Ảnh: H.H. |
Với những đứa trẻ sinh ra nơi miền quê như chúng tôi. Những món quà vặt của tuổi thơ đều do bàn tay bà, mẹ, chị làm ra. Những món ăn được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản, thân quen của làng quê. Tôi nhớ lúc còn bé, ngoại thường để phần cho chúng tôi rất nhiều những món ăn như vậy. Những chiếc bánh sắn, bánh khoai, những món chè đơn sơ, giản dị nhưng chứa đựng cả tình thương ngoại.
Bây giờ đã trưởng thành, được thưởng thức nhiều loại bánh, chè cầu kỳ hơn nhưng chúng tôi vẫn không quên cái hương vị từ những món quà mà ngoại đã làm. Và mỗi năm, khi cơn gió mùa đông bắc kéo về, tôi lại thèm món chè bà cốt mà ngoại hay làm khi trời giá lạnh.
Mùa đông đến cũng là lúc quê tôi đang vào mùa thu hoạch lúa. Ngoại thường bảo cậu đem xát những hạt lúa nếp mới thu hoạch, còn thơm nguyên mùi đồng nội để nấu chè.
Món chè dân dã, được làm từ nguyên liệu đơn giản, cách nấu cũng không cầu kỳ, mất nhiều thời gian. Chỉ cần một chút gạo nếp, đường đỏ hay mật và thêm một chút gừng, nhưng không vì thế mà kém đi hương vị thơm ngon.
Gạo nếp được ngoại ngâm khoảng 1 giờ rồi đãi sạch mới đổ vào nước đã đun sôi lăn tăn. Ngoại bảo phải canh cho gạo chín mềm nhưng không bị vỡ. Gừng giã dập vắt lấy nước cốt. Hòa đường đỏ hoặc mật vào một bát nước đun sôi, rồi đổ vào nồi khi gạo vừa nở. Khi thấy chè sánh, gạo ngấm đường ngoại mới đổ nước gừng vào quấy nhẹ tay.
Ngoại làm luôn tay, còn chúng tôi cứ quây quần bên bếp, chờ ngoại múc những chè ra bát để thưởng thức.
Những bát chè trông ngon mắt, nóng hổi có một màu vàng cánh gián, ngọt nhẹ, những hạt gạo nếp mềm, dẻo nhưng không nát, thoảng chút thơm cay nồng của gừng cùng với mùi thơm của gạo nếp mới. Ăn một miếng chè nóng cảm giác như xua tan đi cái lạnh của mùa đông.
Tiết trời lạnh giá, tôi lại mong được về nhà để được thưởng thức một bát chè bà cốt nóng hổi của ngoại, những bát chè dân dã chứa đựng cả tấm lòng ngoại dành cho chúng tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận