Biển báo giao thông tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con (Q.1, TP.HCM ) được sử dụng song ngữ Việt - Anh - Ảnh: Lê Phan |
Ảnh: NVC |
* Ông John (người Anh): Tên đường song ngữ là ý tưởng hay
Tôi nghĩ kế hoạch sử dụng bảng tên đường song ngữ là ý tưởng hay, sẽ khuyến khích du lịch và giúp người nước ngoài sống ở Việt Nam cũng như rất nhiều du khách đi lại dễ dàng hơn.
Sống ở Hà Nội hơn ba năm nay, do không hiểu bảng tên đường, tôi thấy việc xác định hướng dễ dàng hơn nhiều bằng cách sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS hoặc bản đồ Google Maps.
Tuy nhiên các biện pháp này cũng có vấn đề, đặc biệt là không nên sử dụng chúng khi đang điều khiển xe máy vì khi đó bạn phải tập trung nhìn đường. Tương tự khi đi bộ, bạn không nên chăm chăm vào bản đồ hay định vị trên điện thoại, mà cũng phải quan sát đường sá, ổ gà, các chướng ngại vật trên vỉa hè...
Tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK), chúng tôi có các bảng chỉ đường bằng cả tiếng Anh và tiếng Wales ở Xứ Wales. Còn tại Anh (England) cũng có những thành phố có bảng chỉ đường song ngữ. Ví dụ thành phố Liverpool có một lượng lớn người nhập cư từ Ba Lan, nên có rất nhiều bảng tên đường và bảng chỉ đường bằng cả tiếng Anh và tiếng Ba Lan.
Đức là nước có các bảng chỉ đường song ngữ cho các khu giải trí, di sản và du lịch. Nhiều nước khác mà tôi từng sống cũng có xu hướng tương tự.
Nhân việc TP.HCM dự định làm bảng tên đường song ngữ, tôi nghĩ Việt Nam nên tiếp nhận một số định dạng quốc tế được công nhận thay vì chỉ sử dụng bảng màu xanh ở mọi nơi, cho mọi thứ.
Ví dụ, bảng chỉ dẫn tại các điểm tham quan du lịch, di sản... thường có nền màu nâu và một biểu tượng mô tả các loại di sản đó; đường cao tốc và đường chính thì bảng tên đường nền màu xanh với chữ màu trắng, các tuyến đường thứ cấp thì nền trắng, chữ đen...
Theo tôi, ngoài việc làm bảng chỉ đường song ngữ, còn nhiều việc khác phải làm để Việt Nam thân thiện hơn với khách du lịch.
Những việc đó là giữ cho vỉa hè thông thoáng để du khách có thể đi bộ, thực thi Luật giao thông nghiêm minh hơn để du khách có thể yên tâm băng qua đường trong khu vực vạch sang đường mà không sợ bị xe đụng.
Ngoài ra, thông tin cho du khách trên radio, tivi, báo chí... cũng nên được thực hiện song ngữ nhiều hơn.
Trong danh sách những điều làm phiền lòng du khách khi họ đến Việt Nam thì tiếng ồn có vẻ dẫn đầu. Khi du khách đặt phòng khách sạn, họ muốn được ngủ ngon vào ban đêm, chứ không phải là nghe tiếng làm đường rầm rầm cho đến tận 2h sáng và sau đó bị đánh thức lúc 5h30 sáng bằng tiếng nhạc cực lớn từ cửa hàng bên cạnh hoặc bên kia đường - John |
* Ông Robert Cotgrove (người Úc): Cần thiết ở điểm du lịch
Ảnh: NVCC |
Tôi nghĩ việc thêm tiếng Anh vào bảng tên đường không phải là ý hay lắm. Đầu tiên, việc này sẽ gây tốn kém, trong khi thành phố các bạn có nhiều chuyện cần chi tiêu hơn.
Tại các nước mà tôi từng thấy bảng chỉ đường song ngữ thì chữ cái của họ rất khác so với tiếng Anh. Ví dụ như Thái Lan hoặc Campuchia - nơi mà dù tôi có nỗ lực cách mấy để đọc tên đường cũng đọc không ra.
Sống ở TP.HCM 12 năm, tôi phải nói rằng việc tìm đường ở đây hiếm khi thành vấn đề đối với tôi vì tên tiếng Việt rất dễ đọc và các bảng tên đường được lắp đặt ở mọi góc phố, gần như mọi tòa nhà đều hiển thị địa chỉ rõ ràng.
Chỉ trừ một số địa chỉ trong hẻm khiến tôi bối rối, còn lại tôi thấy tìm đường ở Việt Nam dễ dàng hơn nhiều so với ở Ấn Độ và đôi khi thậm chí còn dễ hơn cả ở Úc!
Theo tôi, các bảng chỉ dẫn song ngữ sẽ có ích tại các địa điểm du lịch vì tên những địa danh này có thể dịch được dễ dàng, khách du lịch cũng đặc biệt quan tâm đến những nơi này. Và chi phí cho việc làm bảng chỉ dẫn song ngữ ở những nơi này sẽ thấp hơn là làm toàn bộ tên đường ở thành phố.
* Ông Dave Martin (người Úc): Nhiều việc cần thay đổi hơn bảng tên đường
Sống ở Hội An hai năm nay, tôi gặp rắc rối ở vùng nông thôn nhiều hơn vì các bảng tên và bảng chỉ dẫn ở đây đôi khi hơi khó hiểu, có khi còn không có cái bảng nào, tôi phải sử dụng GPS hoặc Google Map.
Nhưng tôi nghĩ có nhiều vấn đề quan trọng đối với khách du lịch hơn là bảng tên đường, ví dụ như không nên đưa ra các tuyên bố phóng đại về tour du lịch, dễ chịu hơn với du khách khi họ mua hàng, chuyện thị thực...
Nhiều thành phố, thị trấn ở Campuchia và Thái Lan cũng có bảng tên đường và bảng chỉ đường tiếng Anh, nhưng là vì họ không sử dụng ngôn ngữ hệ Latin. Còn Việt Nam, theo tôi, không nhất thiết phải làm bảng tên đường song ngữ.
Nhân đây, tôi cũng thổ lộ một điều mà tôi nghĩ làm cho du khách khó khăn khi đến Việt Nam là người Việt thường “ngại” để người khác biết là họ không hiểu người nước ngoài nói gì nên hỏi câu nào họ cũng trả lời “Yes”!
Thêm nữa là chuyện bán hàng hét giá trên trời và chuyện nhiều người lái xe rất ẩu. Tôi nghĩ những người thường xuyên vi phạm Luật giao thông nên bị phạt tù.
* Anh Jesse Peterson (người Canada): Tìm đường không khó
Tôi sống ở TP.HCM hơn 7 năm qua và việc tìm đường không khó với tôi bởi khi nào di chuyển đến một nơi ở mới, tôi đều dành một khoảng thời gian để học tên đường và tìm hiểu đường đi. Còn các du khách nước ngoài đến TP.HCM, theo tôi, họ chủ yếu đón taxi nên cũng không phải mất thời gian để tìm đường đi.
Do vậy, theo tôi, không cần thiết phải làm bảng tên đường song ngữ để khỏi phải tốn kém.
Ở quê hương Canada tôi từng sống tại hai thành phố lớn, Ottawa và Edmonton. TP Ottawa có những tên đường cũ - những tên đường có từ thời thành lập thành phố, tên các danh nhân và những di tích lịch sử.
Edmonton cũng là một thành phố rất lớn nhưng tên đường ở đây được thay đổi thành những con số theo một cách hệ thống nhằm giúp mọi người có thể dễ dàng tìm nơi họ cần đi. Nhưng tôi thích những tên đường cũ ở Ottawa hơn, nơi mà lịch sử và truyền thống được lưu giữ, giúp cho thành phố thêm sống động trong khi Edmonton trông nhàm chán và vô vị.
Tôi kể chuyện này với hi vọng các bạn có thể tham khảo khi có những thay đổi liên quan đến tên đường.
* Anh Peter Cowan (người Bắc Ireland): Bối rối với số nhà lộn xộn Sống ở Hà Nội nhiều năm nay, tôi thấy số nhà lộn xộn, địa chỉ phức tạp gây bối rối cho người nước ngoài rất phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ tại không ít con đường, từ số 9 đột ngội nhảy lên số 12 hay một con đường có hai ngôi nhà địa chỉ như nhau... Và những con số địa chỉ nhà chi chít của các ngôi nhà trong những ngõ hẻm nhỏ khiến người giao hàng hay tài xế taxi thường đi lạc, rất phiền phức. Tôi nghĩ tất cả tên đường, số nhà ở các thành phố lớn Việt Nam phải do một cơ quan đô thị chuyên trách quản lý để có sự nhất quán, rõ ràng. Ngoài ra, có rất nhiều thông tin du lịch ở Việt Nam nhưng các thông tin này lại mâu thuẫn với nhau khiến người nước ngoài gặp khó khăn vì không biết tin ai. Tôi thấy các quầy thông tin du lịch ở các sân bay Việt Nam do các công ty tư nhân điều hành. Điều này khiến những người đến từ phương Tây như tôi bối rối một chút vì ở nước tôi, chỉ duy nhất các cơ quan chính phủ mới được phép thành lập quầy thông tin du lịch ở sân bay và quảng cáo cho các dịch vụ du lịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận