Một bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo TS.BS Nguyễn Bách, trưởng khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, trường hợp của ông U.Đ.N., 46 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM là một ví dụ. Ông N. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất do bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
Một lần uống “rượu thuốc”, khổ cả đời
Trước khi nhập viện, ông N. khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý gì đặc biệt, chỉ sau khi uống "rượu thuốc" mới xuất hiện những triệu chứng trên. Ông được chẩn đoán suy thận cấp nặng có biến chứng, kèm tổn thương gan và phải lọc máu cấp cứu. Sau đó ông N. được làm sinh thiết thận với chẩn đoán là hoại tử ống thận cấp tính. Sau nhiều ngày điều trị chức năng thận, gan hồi phục.
Tương tự, trong bữa tiệc cùng mọi người, ông N.B.L., 55 tuổi, ngụ ở Kon Tum đã uống “rượu thuốc” cùng bạn bè. Sau khi uống, cả năm người đều mệt và tiểu ra máu. Trong đó, ông L. nặng nhất với tiểu máu nhiều sau đó vô niệu (đột ngột không có nước tiểu) nên được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất.
Ông L. được chẩn đoán suy thận cấp nặng có biến chứng và phải lọc máu cấp cứu, kết quả sinh thiết thận còn cho chẩn đoán hoại tử ống thận cấp do ngộ độc. Sau ba tháng điều trị tích cực, chức năng thận của ông L. không hồi phục, phải lọc màng bụng suốt đời.
Còn ông T.N.P., 44 tuổi, ở Q. Tân Bình, TP.HCM phải nhập viện do tự ý dùng thuốc cảm “gia truyền”. Trước khi nhập viện vài ngày ông P. bị sốt, cảm lạnh và tự uống loại thuốc cảm này. Ba, bốn ngày sau, ông bị phù, tiểu ít và vô niệu.
Tại Bệnh viện Thống Nhất, ông được chẩn đoán suy thận cấp. Do bị suy thận nặng nên bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được làm sinh thiết thận với chẩn đoán viêm ống thận - mô kẽ cấp tính. Bệnh nhân còn trẻ tuổi và được điều trị suy thận cấp kịp thời nên chức năng thận phục hồi hoàn toàn không cần phải lọc máu.
Theo TS.BS Nguyễn Bách, một số rượu thuốc được chế biến, bảo quản tùy tiện có thể gây tác hại cho sức khỏe của người dân. Có hai dạng tác hại.
Dạng thứ nhất là tổn thương cấp tính (tổn thương cả thận và gan vì đây là hai cơ quan chính trong cơ thể chuyển hóa và thải trừ các chất chuyển hóa).
Dạng tổn thương thứ hai âm thầm hơn và nguy hiểm hơn đó là gây ra các bệnh lý mãn tính, trong đó có cả bệnh ung thư. Vì dạng bệnh này thường không có biểu hiện lâm sàng hoặc không có triệu chứng điển hình nên cả người bệnh và thầy thuốc đều bỏ qua chẩn đoán và cơ hội nhận được điều trị.
Do vậy, TS.BS Nguyễn Bách khuyên không nên dùng các loại "rượu thuốc gia truyền" vì rất nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Một số người dân còn rất tin dùng các thuốc “gia truyền”, trong khi thành phần các loại thuốc này không rõ, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định về dược học nên có thể gây độc cho cơ thể, trong đó thận là cơ quan thường bị ảnh hưởng đầu tiên. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng của suy thận cấp hoặc để lại hậu quả suy thận mãn tính.
Do vậy, không nên mách bảo nhau và dùng các thuốc “gia truyền” để chữa các bệnh thông thường. Sử dụng các thuốc đông y cũng là phương pháp tốt, tuy nhiên các thuốc này phải được kê đơn bởi các thầy thuốc đông y thật sự với các chế phẩm thuốc qua bào chế, kiểm nghiệm khoa học.
Thực trạng đáng báo động
TS.BS Nguyễn Bách chia sẻ có nhiều ca bị tổn thương thận cấp do sử dụng thuốc bừa bãi, thức ăn - uống không đảm bảo, nhưng chỉ có các ca nặng người bệnh mới đến cơ sở y tế điều trị. Hiện nay các sản phẩm thuốc, thực phẩm, đồ uống ngày càng được chế biến đa dạng trên thị trường nên đây là thực trạng đáng báo động cho xã hội và các nhà làm công tác y tế dự phòng, cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại sao uống thuốc, thực phẩm chức năng bừa bãi... có nguy cơ bị suy thận? Theo TS.BS Nguyễn Bách, các tác nhân như thuốc, thực phẩm có hại... khi đi vào cơ thể sẽ được gan chuyển hóa và thận là cơ quan thải trừ các chất chuyển hóa độc hại này. Các chất này sẽ gây tác động đến các tế bào của nhiều hệ, cơ quan quan trọng trong cơ thể như thần kinh, gan, dạ dày - ruột, thận... làm tổn thương các cơ quan này. Chưa kể đây còn là nguồn cơn gây ra đột biến gen, qua đó gây ung thư.
Vì vậy các thức ăn, nước uống, thuốc... đưa vào cơ thể cần phải đảm bảo chắc chắn là an toàn cho con người. Rất đáng tiếc, ở Việt Nam phần lớn người dân chưa ý thức được điều này và cơ quan chức năng chưa làm tốt trách nhiệm và chuyên môn của họ.
Khi người bệnh bị suy thận cấp, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thường người bệnh sẽ phục hồi sau đó, chỉ có một tỉ lệ chuyển sang bệnh thận mãn. Khi chuyển sang suy thận mãn, đặc biệt là giai đoạn cuối sẽ có ba phương pháp điều trị thay thế thận suy, đó là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận với chi phí rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
Ăn uống phòng bệnh thận Ước tính hiện nay tại nước ta có 6 triệu người dân bị bệnh thận mãn tính, chiếm 6,73% dân số. Khoảng 80% bệnh nhân bệnh thận mãn ở giai đoạn cuối và chỉ 10% bệnh nhân được điều trị lọc máu. Những người chưa mắc bệnh thận cần phòng ngừa bệnh thận mãn bằng cách tập thể dục đều đặn hằng ngày như đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày. Tránh thừa cân hoặc béo phì bằng chế độ ăn uống, vận động thể lực. Chế độ ăn uống cần giảm lượng muối, ăn thức ăn tươi, không ăn nhiều thực phẩm chế biến. Lượng đạm ăn vào vừa phải, nên kết hợp cân đối đạm động vật và thực vật, nên uống 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Không hút thuốc lá vì thuốc lá có hại cho tim mạch và thận, gây tiểu đạm và có thể gây ung thư thận. Không tự ý dùng kéo dài các thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid như Ibuprofen và các thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Phòng bệnh đái tháo đường, phòng bệnh tăng huyết áp, kiểm tra chức năng thận định kỳ. Người dân cần biết xét nghiệm nước tiểu tìm chất đạm và độ lọc cầu thận của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận