Phóng to |
Một người nuôi bệnh hút thuốc tại hành lang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chiều 12-3 - Ảnh: Quang Định |
Ngồi trước phòng cấp cứu của Viện Tim TP.HCM, người viết nghe một bà bác càm ràm bác sĩ trực mãi không thôi: “Người ta mệt mà không truyền nước biển là sao? Bệnh viện lớn mà kỳ vậy? Ở quê tui hễ mệt truyền nước biển là hết à”.
“Chỉ định”
Một “phong cách” phổ biến của không ít thân nhân người bệnh là chỉ định cho bác sĩ làm gì. Có trường hợp thân nhân người bệnh vào tận phòng cấp cứu yêu cầu bác sĩ: “Bác sĩ truyền nước biển cho con tôi đi”, “Bác sĩ chụp X-quang cho cháu tôi đi”, “Bác sĩ chích thuốc cho má tôi đi”... Bác sĩ Đoan Trang ở Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: “Chúng tôi hiểu tâm trạng của người nhà bệnh nhân, họ lo lắng, sốt ruột, rồi có người đã lớn tuổi nên ỷ vào tuổi tác mà ra lệnh cho bác sĩ. Nhiều lúc bác sĩ không có thời gian giải thích cho họ hiểu thì họ lại giận dỗi”.
Một số người thân bệnh nhân còn “thị uy” với bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Năng Viện ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nói: “Với các bác sĩ, bệnh nhân nào cũng xứng đáng được quan tâm, chăm sóc. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, khẩn cấp hay không mà chúng tôi sẽ chọn cách thức điều trị phù hợp. Tôi từng gặp một số trường hợp người nhà vừa bước vào đã thị uy bằng câu hỏi: Anh có biết tôi là ai không? Rồi sau đó xưng danh và ra lệnh này nọ. Tôi chỉ nói với họ là trước bác sĩ mọi bệnh nhân đều bình đẳng. Họ thị uy với bác sĩ như thế chẳng có ích lợi gì cả”.
Văn hóa của thân nhân người bệnh
Bác sĩ Lê Đình Phương, Bệnh viện FV, kể lại một trường hợp thân nhân người bệnh bị ông đuổi thẳng ra khỏi phòng bệnh: “Người nhà anh ta đang nằm thở ôxy mà vừa vào phòng anh ta đã đốt thuốc lá. Y tá đề nghị anh ta ra ngoài, anh ta không chịu ra còn mắng y tá. Đến lượt bác sĩ đề nghị anh ta dập thuốc hoặc ra ngoài khuôn viên bệnh viện thì anh ta chửi bới đủ kiểu. Chúng tôi phải mời đến bảo vệ đưa anh ta ra ngoài”.
Việc hút thuốc lá từ lâu đã bị cấm tại các bệnh viện nhưng nhiều người thân của các bệnh nhân (đặc biệt là nam giới) không tuân thủ lệnh cấm đó. Nguy hiểm hơn, họ bất chấp quy định an toàn. Thử tưởng tượng xem bình ôxy phát nổ thì sẽ như thế nào?
Với những bệnh nhân phải nằm nội trú dài hạn, nỗi khốn khổ của họ là ở cùng phòng với người bệnh có thân nhân thiếu ý thức ở nơi công cộng.
Chị Kim Phượng, có người nhà nằm ở khoa dịch vụ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, kể: “Hễ tôi đưa người nhà ra ngoài một chút thì bước vào đã thấy người nhà của ông bệnh nhân cùng phòng nằm lên giường của người nhà tôi. Đã vậy, con của ông ấy tối đến cứ mắng chửi ông ấy oang oang bằng những từ tục tĩu hết sức. Đêm nào chúng tôi cũng bị “tra tấn” đến mệt mỏi. Bệnh viện thì chật, có giường nằm đã may nên chúng tôi chẳng biết phải làm sao, đành chịu vậy”. Ồn ào cười nói, nghe nhạc bằng điện thoại mà mở loa ngoài rất to, ăn uống vứt lung tung, vứt rác tùm lum trong nhà vệ sinh của phòng bệnh... là những thói xấu thường gặp của nhiều người thân bệnh nhân nội trú.
Việc “cầm nhầm” những vật dụng lặt vặt, đồ ăn thức uống của người cùng phòng cũng làm không ít bệnh nhân lẫn người nuôi bệnh phải đau đầu. Chị Nguyễn Thị Hảo ở Q.10 bực bội: “Mới đó cuộn giấy mất tiêu, nước suối nhỏ mua lần vài ba chai cũng mất. Không đáng gì nhưng làm mình bực bội và cảm thấy bất an, cứ nơm nớp lo giữ đồ đạc, tiền bạc”.
Trong sự quá tải của hệ thống bệnh viện công tại các đô thị lớn như hiện nay, nếu mỗi thân nhân của người bệnh chú ý cư xử theo đúng những quy tắc thì sẽ nhẹ nhõm cho các bác sĩ lẫn người bệnh.
Người nuôi bệnh cần hợp tác: 1. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân: tất cả giấy tờ, đơn thuốc cũ, hình ảnh chẩn đoán y khoa đã có trước đây... Các giấy tờ nói trên cần được sắp xếp theo thứ tự ngày tháng để bác sĩ tiết kiệm thời gian khi đọc và nắm khái quát tình hình bệnh trạng. 2. Trả lời đầy đủ những câu hỏi mà bác sĩ hỏi, cung cấp thông tin rõ ràng, ngắn gọn. 3. Tuân thủ các quy định của bệnh viện. 4. Tôn trọng bệnh nhân khác và các người thân của họ, tử tế, hòa nhã và hành xử có văn hóa khi nuôi bệnh nội trú. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận