03/03/2015 13:38 GMT+7

​Thần hộ mệnh trên biển

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Da Nang MRCC) được xem là thần hộ mệnh ứng cứu ngư dân miền Trung.

Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn - Ảnh: Đoàn Cường
Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn - Ảnh: Đoàn Cường

Mỗi chuyến ra khơi, thủy thủ trên tàu SAR 412 phải đương đầu không chỉ với sóng gió biển cả mà còn với những đe dọa khác.

Người lèo lái con tàu huyền thoại này là thuyền trưởng 57 tuổi Phan Xuân Sơn. 10 năm “cầm cương” tàu SAR 412, ông Sơn cùng thủy thủ nhiều lần phải đương đầu với những sóng gió của đại dương để làm nhiệm vụ cứu ngư dân gặp nạn.

Cứu ngư dân trước mũi tàu Trung Quốc

11g trưa, nắng rát rạt nhưng trên boong của tàu SAR 412, từng tốp thủy thủ nhễ nhại mồ hôi lau chùi, bảo quản các thiết bị. Phía trên cabin, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn chăm chú lắng nghe thông tin dự báo thời tiết trên biển.

Hôm nay được xem là một ngày thảnh thơi nhất của vị thuyền trưởng già cùng thủy thủ của tàu SAR 412... Rít hơi thuốc dài, ông Sơn tâm sự: “57 tuổi, hơn nửa đời sống với biển cả, lúc xa biển chắc nhớ lắm”.

Ngày 10-2-2015, thuyền trưởng Sơn cùng 21 anh em trên tàu có một cuộc “giải cứu” các ngư dân Bình Định bị chìm tàu ở Hoàng Sa một cách ngoạn mục.

Đang ngồi trên ghế thuyền trưởng, ông nhảy tọt xuống và lục tìm tấm bản đồ. Chỉ tay vào bản đồ, thuyền trưởng Sơn nhớ lại: 15g30 ngày 10-2, ngay khi nhận lệnh, SAR 412 lập tức lên đường rẽ sóng ra khơi cứu nạn thuyền viên của tàu cá BĐ 95569 và BĐ 95427 bị nạn ở quần đảo Hoàng Sa.

Đến 4g45 ngày 11-2, SAR 412 đến hiện trường, thuyền trưởng Sơn giảm ga tàu. Ít phút sau, từ trên SAR 412 các thủy thủ phát hiện năm ngư dân Bình Định đang bị trôi dạt trên một thúng chai.

“Khi chúng tôi tiếp cận, tàu cá BĐ 95427 đã bị đắm. Qua ống nhòm chúng tôi thấy dòng chữ màu xanh trên thúng chai ghi rõ bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng. Ngay lập tức, SAR 412 tiếp cận các ngư dân” - thuyền trưởng Sơn kể.

Cách tàu BĐ 95427 gần 100km là tàu BĐ 95569 cùng sáu ngư dân đang bị mắc cạn trên đảo Yến (quần đảo Hoàng Sa).

“Vị trí tàu mắc cạn hết sức phức tạp, phía dưới dày đặc các bãi san hô, đây là đảo chìm nhưng hải trình không có chi tiết nên hết sức nguy hiểm” - thuyền trưởng Sơn phân tích. Các thủy thủ trên tàu SAR 412 căng thẳng đưa tàu nhích từng chút một.

Giữa lúc đang “căng” như vậy, từ trên cabin, thuyền trưởng Sơn phát hiện một tàu hải cảnh Trung Quốc chạy từ hướng đảo Phú Lâm ra, ít phút sau, thêm một tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện, bạt che pháo được kéo xuống cách SAR 412 chừng 100m. Cùng với đó là một máy bay của Trung Quốc quần thảo trên SAR 412.

“Trong tình thế này, anh em chúng tôi căn dặn nhau bình tĩnh, hạ xuồng cứu hộ để tiếp cận các ngư dân” - thuyền trưởng Sơn cho biết. Ngay khi đón xong các ngư dân đưa lên SAR 412, tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục bám theo ở khoảng cách 2 hải lý.

“Đây không phải là lần đầu tiên SAR 412 bị phía Trung Quốc hăm he. Trước đó, chúng tôi cũng từng ba lần bị như vậy trên vùng biển Hoàng Sa nhưng anh em vẫn vững tin, bình tĩnh xử trí” - thuyền trưởng Sơn nói.

Ngay khi vừa đưa các ngư dân về đến đất liền an toàn, bộ trưởng Bộ GTVT đã có thư khen ngợi. Trong đó nêu rõ lực lượng tìm kiếm cứu nạn dũng cảm thực thi nhiệm vụ cứu ngư dân, bất chấp việc hai tàu quân sự, một máy bay lên thẳng Trung Quốc quần thảo quanh khu vực.

Điều này chứng tỏ tinh thần quyết tâm bám biển đảo của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, khẳng định trách nhiệm của VN đối với ngư dân trên biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng không thể chối cãi của VN đối với quần đảo Hoàng Sa.

Các thuyền viên tàu SAR 412 cứu ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa, phía trước là tàu hải cảnh Trung Quốc luôn di chuyển và theo dõi - Ảnh: Ngọc Công
Các thuyền viên tàu SAR 412 cứu ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa, phía trước là tàu hải cảnh Trung Quốc luôn di chuyển và theo dõi - Ảnh: Ngọc Công

Lính cơ động trên biển

Tốt nghiệp ĐH Hàng hải Hải Phòng, thuyền trưởng Sơn làm thủy thủ tàu viễn dương. Bước ngoặt đưa ông đến với nghiệp cứu nạn vào năm 2005, khi Da Nang MRCC tiếp nhận SAR 412.

Theo thuyền trưởng Sơn, với anh em thủy thủ trên tàu cứu nạn nói chung thì ngày nào cũng là “trực chiến”, tất cả đều có mặt trên tàu và sẵn sàng xuất kích bất kể thời tiết ra sao.

“Với nghề này, dù có đang ở nhà đón tết, đang trên giường ngủ nhưng nhận tín hiệu là lập tức đi. Từ 15-20 phút sau khi nhận lệnh, tàu sẽ ra khơi. Cũng vì lẽ đó mà anh em thủy thủ thường chỉ quanh quẩn trong cự ly ở Đà Nẵng chứ không dám đi đâu xa”.

Thuyền trưởng Sơn nhìn về phía những tàu cá đang thả lưới trên biển Mân Thái, nói: “Nguyên tắc vàng anh em chúng tôi luôn nhắn nhủ nhau rằng: mình càng nhanh chóng, tiết kiệm thời gian được bao nhiêu thì xác suất cứu được ngư dân, người gặp nạn càng cao”.

Có những chuyến ra khơi mà đến giờ, vị thuyền trưởng lão luyện vẫn còn bị hằn sâu trong ký ức bởi nỗi đau đớn tột độ. Đó là chuyến ra khơi sau cơn bão số 1 Chanchu năm 2006. Rít hơi thuốc dài, thuyền trưởng Sơn nhớ lại: Ngày 21-5-2006, SAR 412 lên đường cứu nạn.

Chuyến này còn có PV Thế Anh - báo Tuổi Trẻ. Ra đến nơi, một cảnh tượng hãi hùng, bi thảm trên biển khiến anh em trên tàu SAR 412 ứa nước mắt. Nhiều thi thể ngư dân đã bốc mùi, một số thì phải ướp vào thùng nhựa.

“Chỉ trong hai ngày, chúng tôi nhận được tám thi thể, cứu 10 ngư dân. Tàu trở về bờ mà lòng ai cũng nặng trĩu, thiệt hại lớn quá” - thuyền trưởng Sơn nghẹn lời.

Không chỉ là chỗ dựa trên biển của ngư dân, SAR 412 còn tham gia cứu trợ kịp thời cho người dân bị cô lập trong bão ở các đảo.

Đợt biển động tháng 11-2010, người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị cô lập với đất liền hơn 10 ngày. Tàu SAR 412 sau nửa ngày đêm hành trình trên biển đã đến đảo Lý Sơn chở theo chuyến hàng cứu trợ đầu tiên với 1 tấn gạo ra đảo. Đây là số gạo do cán bộ, thuyền viên tàu SAR đóng góp. Ngay khi tàu cập gần đến cảng Lý Sơn, từ trên bến cảng hàng trăm ngư dân ào ra chào đón.

Mỗi năm cứu hàng trăm ngư dân

Ông Bùi Tân Nguyên - giám đốc Da Nang MRCC - cho biết: “Tàu SAR 412 là tàu lớn nhất của đơn vị do anh Sơn làm thuyền trưởng từ khi mới nhận tàu về. Anh ấy là người có kinh nghiệm đi biển, mẫn cán trong công việc và rất tâm huyết trong việc cứu nạn.

Con tàu này là con tàu đầu đàn của đơn vị”. Cũng theo ông Nguyên, các thợ máy của SAR 412 có sáng kiến tăng khoang cấp nhiên liệu để tăng thời gian, cự ly hoạt động trên biển. Trước đây SAR 412 đi được 250 hải lý, nay lên gần 600 hải lý, từ đó giúp được nhiều người bị nạn hơn.

Ông Huỳnh Vạn Thắng - phó Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng - cho biết: “Nói về Da Nang MRCC, tôi chỉ có một từ là khâm phục. Họ không quản ngại thời tiết mưa gió, giờ giấc, bất kể lúc nào ngư dân, người gặp nạn trên biển cầu cứu là họ có mặt. Mỗi năm Da Nang MRCC ứng cứu hàng trăm ngư dân. Anh em tụi tôi hay ví họ là thần hộ mệnh trên biển”.

Ông Thắng cũng cho rằng: những tàu cứu nạn trên biển không chỉ làm nhiệm vụ cứu nạn mà họ còn là điểm tựa giúp ngư dân của chúng ta yên tâm hành nghề trên biển. Ông Thắng nhìn nhận: “Anh Sơn là một người tôi rất nể phục vì sự nhiệt tình, gan dạ. Dù đã lớn tuổi nhưng không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì, ngư dân bị nạn ở đâu cần là lập tức anh lên đường”.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên