Cuộc đời thứ hai sau bơi lội
Trong cộng đồng bơi lội, cái tên Lâm Quang Nhật chắc chắn vẫn còn được nhớ đến. Tròn 10 năm trước ở SEA Games 2013, chàng kình ngư trẻ người Sài Gòn làm dậy sóng đường đua xanh khi giành huy chương vàng một cách thuyết phục ở nội dung 1.500m tự do.
Khi ấy, Lâm Quang Nhật mới 16 tuổi, cũng là VĐV nhỏ tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam dự giải.
Đến Tết Giáp Ngọ năm đó, giai phẩm xuân báo Tuổi Trẻ quyết định chọn Nhật làm gương mặt đại diện cho trang bìa. Không chỉ bởi tài năng của chàng VĐV học sinh này, mà còn bởi khí chất trẻ trung, hoạt bát, trí thức mà Nhật mang đến sân đấu thể thao.
Không lâu sau, vào cuối năm 2017, tức khi mới 20 tuổi, Nhật giã từ con đường bơi lội chuyên nghiệp. Sự nghiệp của anh không quá nổi bật, nhưng cũng trọn vẹn với 2 tấm huy chương vàng, 1 huy chương bạc SEA Games, cùng một kỷ lục ấn tượng mà anh thiết lập ở Singapore 2015.
"Em giải nghệ để đi học" là điều mà Nhật trả lời với chúng tôi năm đó. Một lý do khiến nhiều người gật gù đồng cảm. Đời VĐV, đặc biệt là ở môn bơi, thường không quá dài. Rực rỡ như Ánh Viên rồi cũng giã từ màu áo tuyển quốc gia sau Nhật 4 năm.
Chàng cựu kình ngư tập trung vào việc học ở Đại học Sư phạm thể dục thể thao, và bươn bả chạy xe ôm công nghệ để tự mình chi trả học phí. Song song đó Nhật còn đi dạy bơi, với kế hoạch sẽ trở thành huấn luyện viên trong tương lai.
Nhưng rồi hóa ra con đường thi đấu thể thao vẫn chưa chịu thôi với Lâm Quang Nhật. Năm 2019, anh được mời tham dự thi đấu tiếp sức cuộc thi nổi tiếng trong cộng đồng 3 môn phối hợp (triathlon).
Cũng bơi, cũng chạy, cũng đạp xe, đều là những hình thức tập luyện cơ bản mà đời VĐV đỉnh cao như Nhật chẳng xa lạ gì. Nhưng khi đến với triathlon, mọi thứ bỗng nhiên khác hẳn.
"Thời còn là VĐV bơi chuyên nghiệp, chúng tôi luôn cố hết mình để chiến thắng, để giành huy chương. Nhưng trong cộng đồng bơi đạp chạy, người ta lại quý trọng những câu chuyện, những hình ảnh truyền cảm hứng hơn cả. Rất nhiều lúc bạn không cần phải là người chiến thắng, nhưng chỉ cần bạn chiến thắng bản thân, và kể được câu chuyên của mình, bạn sẽ được cộng đồng chào đón như người giành huy chương", Nhật nói.
Thế là từ đó, Lâm Quang Nhật sống cuộc đời thứ hai của nghiệp VĐV. SEA Games 2019, anh tham dự với tư cách VĐV triathlon.
Bươn chải tìm nhà tài trợ
Ở Việt Nam, cộng đồng chơi triathlon, duathlon (2 môn phối hợp - chạy và đạp xe), aquathlon (2 môn phối hợp - chạy và bơi) ngày càng đông. Nhưng đây vẫn chưa phải là những môn thể thao nhận được đầu tư.
Vì vậy, cuộc đời thể thao thứ hai của Nhật hoàn toàn khác. Không còn là VĐV "gà nòi" được lo ăn, lo ngủ, lo mọi điều kiện tập tành, giờ đây chàng cựu kình ngư phải tự thân vận động tìm kiếm nhà tài trợ để có thể trang trải mọi chi phí.
Nhờ cá tính hoạt bát và kiến thức chữ nghĩa không ngừng được bồi dưỡng trên ghế nhà trường, Lâm Quang Nhật nhanh chóng trở thành một "KOL" (người có sức ảnh hưởng) trong cộng đồng bơi đạp chạy.
Những bài đăng trên mạng xã hội của anh đạt cả ngàn like. Mỗi một câu chuyện về sự vượt khó, về kinh nghiệm tập luyện của Nhật đều được cộng đồng môn chơi này truyền tai nhau. Sau nhiều năm tồn tại dưới dạng phong trào, triathlon mãi cũng có một dân chơi chuyên nghiệp.
Từ đó, Nhật vận động được các nhà tài trợ. Anh chìa cho chúng tôi xem một bản danh sách dài những khoản chi như xe đạp, đồng hồ, máy tập trong nhà, giày, các loại thực phẩm dinh dưỡng… lên đến hàng trăm triệu đồng.
Sau 2 kỳ SEA Games (30 ở Philippines và 31 ở Việt Nam), Nhật quyết đột phá ở kỳ SEA Games năm nay. Anh tự bỏ tiền túi sang Phuket (Thái Lan) tập huấn một thời gian ngắn. Rồi sau đó lại tìm được nhà tài trợ, Nhật ở Phuket thêm 4 tháng, miệt mài tập luyện cùng các HLV và dân triathlon nước ngoài có tên tuổi.
Ở SEA Games 32, Lâm Quang Nhật sẽ tham dự cả 2 môn triathlon và aquathlon. Mục tiêu huy chương là không hề dễ dàng với Nhật, khi phong trào bơi đạp chạy ở các nước Philippines, Malaysia, Indonesia đều đi trước Việt Nam rất lâu.
Nếu có thể giành huy chương, Lâm Quang Nhật sẽ đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách VĐV hiếm hoi đoạt huy chương ở 2 môn khác nhau. Và đó cũng là một thành tích mang tính thúc đẩy cộng đồng bơi đạp chạy Việt Nam.
Còn nếu không? Chàng cựu kình ngư 26 tuổi vẫn tạo nên một câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt, khi một vận động viên cam tâm giã từ con đường "gà nòi" để tự mình bươn chải, tìm đường đến SEA Games.
Việt Nam từng có nhà vô địch hai môn phối hợp SEA Games 31
Bộ môn triathlon (duathlon cùng aquathlon cũng được tính nằm trong bộ môn triathlon) ở SEA Games sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-5 tại thành phố Kep. Có 7 quốc gia tham dự môn này gồm Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines, với tổng cộng khoảng 90 VĐV.
Ở kỳ SEA Games 31, Phạm Tiến Sản gây ấn tượng khi giành huy chương vàng lịch sử ở nội dung đơn nam môn duathlon. Nhưng riêng ở môn triathlon, Philippines hoàn toàn thống trị 4 kỳ SEA Games gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận