28/07/2013 10:05 GMT+7

Thần chết nằm trong bụng

Bs LƯƠNG LỄ HOÀNG
Bs LƯƠNG LỄ HOÀNG

TT - Mới nghe tưởng Metchnikoff cường điệu khi quả quyết “cái chết nằm chờ trong bụng”. Nhưng rồi càng lúc càng phải thán phục nhà điều trị nổi tiếng trong ngành vi sinh khi Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh 2/3 số trường hợp bệnh hoạn liên quan mật thiết với chế độ dinh dưỡng.

mpDJjkt3.jpgPhóng to

Nếu xét về nguy cơ bội nhiễm, bên cạnh đường hô hấp và lớp da, trục tiêu hóa bao giờ cũng là chiến trường sôi động vì gia chủ khó tránh sống mà không ăn!

Không bệnh mới lạ!

Chuyện này lại có nhiều nét độc đáo ở xứ mình. Phải chi sai lầm về chế độ dinh dưỡng rồi sinh bệnh cũng còn điểm hợp lý. Đằng này ăn uống đúng y sách vở của thầy thuốc mà bệnh trầm trọng mới oan! Lý do chỉ vì tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đã từ nhiều chục năm được thả nổi còn hơn lục bình mùa lũ. Thêm vào đó là môi trường ô nhiễm cứ như càng dơ càng hay, cứ như là “mốt” ở nước ta.

"Nếu mỗi lần ăn đều sợ bệnh thì sớm muộn cũng mất ngủ vì... thèm!"

Nói chi chuyện buôn bán ở lề đường nghẹt khói xe, bản tin mới nhất về chuyện 100% mẫu bún, bánh canh... bày bán trong siêu thị được tẩm chất làm trắng, nghĩa là chất độc hại, cho thấy người dân đang trả tiền để bị đầu độc. Rau được trồng bằng kích tố, sữa bột nhiều chất sinh ung thư hơn dưỡng chất, heo gà tôm cá nuôi với kháng sinh, và còn nhiều nữa. Khỏi nói dông dài cũng hiểu nếu ăn toàn món như thế mà không bệnh mới là chuyện lạ! Điểm lạ ở xứ mình là giọt nước tràn ly từ lâu nhưng vẫn được châm tiếp, cứ như chỉ là chuyện trà dư tửu hậu!

Vấn đề không hề dừng lại ở đó dù bấy nhiêu đã đủ khổ! Chuyện gì cũng có hậu quả. Mỗi lần cơ thể phải thu nhập độc chất là thêm một lần sức đề kháng bị xói mòn. Ai thường bị gõ cửa, chắc chắn sớm thủng hầu bao vì tìm thầy chạy thuốc. Khổ hơn nhiều là khi sức đề kháng cạn kiệt thì nhiều bệnh khác tìm cách ăn theo! Mỡ treo trước miệng mèo dễ gì còn nguyên!

Thầy thuốc đã chứng minh tình trạng ngộ độc hóa chất từ thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm là một trong các lý do dẫn đến các căn bệnh thời đại như đái tháo đường, cao huyết áp... Không bệnh sao được nếu tế bào, theo kết quả nghiên cứu hẳn hoi, mỗi ngày phải chịu đựng hơn 10.000 lần công kích của chất gây gỉ sét tế bào mang tên chất oxy hóa! Trong số đó hơn phân nửa độc chất đến từ phụ gia trong thực phẩm công nghệ.

Không nhậu gan vẫn hư

Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Hễ ta yếu thì địch bất chiến tự nhiên thành. Thông qua nhiều công trình nghiên cứu về hệ miễn dịch và biến dưỡng, người ta đã biết từ lâu cơ thể dễ bệnh nếu ngộ độc thực phẩm theo kiểu ngấm ngầm mỗi ngày một chút vì:

Sinh tố và khoáng tố trong thực phẩm không được hấp thu với số lượng và tiến độ như mong muốn! Ăn uống cân đong từng ly khi đó cũng như không!

Phế phẩm gia tăng trong lòng ruột và tác hại trên gan chẳng khác nào uống rượu! Nói cách khác, nhiều người không nhậu mà vẫn viêm gan vì lá gan bị ướp độc chất trong miếng ăn!

Dị ứng dễ xuất hiện do sự hiện diện của các loại hơi độc như indol, cresol, phenol, ammoniac... trong lòng ruột! Không lạ gì nếu nhiều người chữa hoài bệnh ngoài da mà không hết vì thầy thuốc da liễu quên mối tương quan giữa da và ruột.

Bệnh do vi khuẩn nấm mốc ngoài da, trong đường tiết niệu, trên đường tiêu hóa... thừa cơ phát tán do hệ miễn dịch hoặc nhanh nhẩu đoảng nên phản ứng trật lất, hoặc ù lì theo kiểu dại gì mà làm vì sắp về hưu!

Nhiều căn bệnh nghiêm trọng, thậm chí ung thư, chực chờ từng cơ hội, như stress, sau chấn thương, để len lén vào nhà!

Nhiều mặt giáp công

Liệt kê vấn đề dài như sớ táo quân không đồng nghĩa với giải pháp. Không lẽ vì thực phẩm dơ hơn rác rồi đành nhịn ăn để suy dinh dưỡng? Nếu mỗi lần ăn đều sợ bệnh thì sớm muộn cũng mất ngủ vì... thèm! Để giải quyết vấn đề chỉ còn cách nhiều mặt giáp công. Một mặt ngành y tế, nông nghiệp, quản lý thị trường... phải cùng nhau làm tròn chức năng đã được người dân mong đợi từ nhiều chục năm để người tiêu dùng sớm thoát cảnh hễ dùng là... tiêu!

Mặt khác, người chưa bệnh, người không muốn bệnh vì miếng ăn là miếng tồi tàn chỉ còn nước tìm cách pha loãng độc chất bằng biện pháp giải độc định kỳ cho cơ thể thông qua hoạt chất trong cây thuốc lợi mật, nhuận trường, lợi tiểu..., đồng thời tăng cường sức đề kháng bằng hoạt chất kháng oxy hóa trong dược thảo, rau quả. Lời khuyên nghe dễ nhưng lại rơi vào vòng luẩn quẩn là chỉ khả thi nếu bảo đảm cây thuốc không nhiễm độc kim loại nặng, nếu rau quả dồi dào chất kháng oxy hóa khi đến tay người tiêu dùng đừng là rác. Lạ ở xứ mình là có thuốc tốt không biết giữ. Cứ xem cảnh người dân Lâm Đồng vì thiếu đầu ra mà phải đốn atisô để trồng rau ngắn ngày thì hiểu ngay lời thật khó tránh mất lòng.

Đáng trách nếu mọi người tiếp tục thờ ơ với tình trạng thực phẩm không an toàn. Còn gì khổ hơn nếu bệnh nhẹ chỉ vì thế thành bệnh nặng. Vỏ quýt nhiều khi quá dày chẳng qua vì móng tay không đủ nhọn, vì gia chủ tối ngày chỉ lo “làm neo” mà quên giũa móng tay cho sạch.

Bs LƯƠNG LỄ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên