Ngày 19-1, ông Lê Tiến Công, chánh văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) kiêm giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, cho biết vừa hoàn thành số hóa các hiện vật trưng bày, gắn mã QR code, cung cấp thông tin hiện vật bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Ông Công cho biết bên cạnh các hoạt động tuyên truyền tại chỗ, tổ chức các hoạt động chuyên đề, các cuộc triển lãm lưu động thì vừa qua Nhà trưng bày Hoàng Sa tiếp tục có các hoạt động giúp công chúng có thể tiếp cận thông tin tư liệu hiện vật liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Nhà trưng bày Hoàng Sa đã thực hiện số hóa các hiện vật trưng bày, gắn mã QR code, cung cấp thông tin hiện vật bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh...
Đồng thời cũng đã số hóa 3D không gian trưng bày, cập nhật tại trang thông tin điện tử của Nhà trưng bày Hoàng Sa.
"Việc số hóa là để tiếp tục lan tỏa, giúp công chúng xa gần có thể tiếp cận tư liệu về chủ quyền Hoàng Sa. Từ đây bà con trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đều có thể tiếp cận thông tin tư liệu hiện vật được thuận tiện hơn. Qua đó khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" - ông Công nói.
Hiện nay ngoài việc đến tham quan trực tiếp Nhà trưng bày Hoàng Sa thì công chúng có thể tham quan mô hình 3D không gian Nhà trưng bày Hoàng Sa tại địa chỉ:
https://nhatrungbayhoangsa.danang.gov.vn
Nhà trưng bày Hoàng Sa được thành lập tháng 8-2017.
Đây là nơi trưng bày hàng trăm tư liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh… phản ánh quá trình lịch sử khai phá, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (nay thuộc huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng).
Trong những năm qua, UBND huyện Hoàng Sa cũng đã phát động nhiều cuộc vận động sưu tầm, đóng góp tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa, như bản đồ của các triều đại Việt Nam, của Trung Quốc, phương Tây, qua các thời kỳ lịch sử khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng "địa chỉ đỏ" về chủ quyền biển đảo ở Đà Nẵng
Nhà trưng bày Hoàng Sa (nằm trên đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là "địa chỉ đỏ" để người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, cảm nhận về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thông qua các nội dung trong không gian trưng bày, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã giới thiệu, mô phỏng rõ nét về những nỗ lực của cha ông ta trong việc khai phá, xác lập chủ quyền và quản lý hành chính, tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ quá khứ đến hiện tại.
Báo Tuổi Trẻ cũng đã cùng UBND huyện Hoàng Sa chung tay phát động xây dựng công trình Thư viện Hoàng Sa làm nơi tiếp nhận, lưu giữ những tư liệu về Hoàng Sa và biển đảo Việt Nam. Cuộc vận động xây dựng Thư viện Hoàng Sa đã bổ sung nhiều hơn nữa về tư liệu, hiện vật Hoàng Sa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận