15/07/2019 11:10 GMT+7

Thẩm phán Philippines: có nhiều cách thực thi phán quyết Biển Đông

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ông Antonio Carpio khẳng định: có nhiều cách để thực thi phán quyết quốc tế về Biển Đông mà không cần chiến tranh với Trung Quốc. Một trong những đề xuất của ông Carpio là thỏa thuận với Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei.

Thẩm phán Philippines: có nhiều cách thực thi phán quyết Biển Đông - Ảnh 1.

Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio - Ảnh: Inquirer

Phát biểu tại Đại học Ateneo de Manila ngày 14-7, Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines bác bỏ ý kiến của Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng: phải chiến tranh mới thực thi được phán quyết 2016 của tòa trọng tài quốc tế và nhấn mạnh chính quyền không thể khoanh tay để Bắc Kinh tung hoành trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

"Thưa ngài tổng thống, có cách, không chỉ một mà là nhiều để thực thi phán quyết trọng tài mà không cần phải chiến tranh với Trung Quốc, chỉ cần sử dụng luật lệ" - tờ Inquirer dẫn lời ông Carpio. 

Trước đó, ông Duterte đã thách ông Carpio làm sao đáp trả khi bị Trung Quốc dọa. "Hãy chỉ cách cho tôi khi ông ấy (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) nói "sẽ có rắc rối". Hãy trả lời tôi ngài thẩm phán, cho tôi cách thức và tôi sẽ làm theo" - tổng thống Philippines nói.

Tòa trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ngày 12-7-2016 xác định: "không thực thể nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra những vùng biển mở rộng…", bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là phán quyết có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan là thành viên công ước, và là một tiền lệ có lợi không chỉ cho Philippines mà còn cho cộng đồng khu vực và quốc tế.

Ông Carpio chỉ ra những cách có thể thực thi phán quyết trên:

1. Tham gia thỏa thuận hoặc công ước về biên giới biển với Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei

Ông Carpio cho rằng: một công ước phù hợp với phán quyết của phán quyết trọng tài có thể khẳng định rằng không thực thể địa chất nào ở quần đảo Trường Sa tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế. 

Các thực thể hàng hải bao trùm khu vực Biển Đông, nơi Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Brunei, Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp. Nếu công ước được thông qua, theo ông Carpio, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế do Trường Sa tạo ra, và họ sẽ bị cô lập.

2. Nộp một yêu sách thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông ngoài vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Luzon, nơi Trung Quốc là quốc gia ven biển đối diện.

Phán quyết 2016 đã vô hiệu hóa yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Ông Carpio cho biết thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc không chồng lấn với Philippines. Manila có thể nộp yêu cầu này trước Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa.

"Nhiều khả năng Ủy ban LHQ sẽ xác nhận thềm lục địa mở rộng của Philippines, giống như cách họ xác nhận thềm lục địa mở rộng của Philippines ở Benham Rise" - ông nói, giải thích các ranh giới mới của thềm lục địa kéo dài 150 hải lý sẽ là chuẩn mực mới của vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

3. Triển khai 10 tàu phản ứng mới do Nhật Bản tặng Cảnh sát biển Philippines.

Ông Carpio cho biết các tàu đa chức năng mới sẽ giúp xua đuổi những kẻ đánh bắt trộm từ các quốc gia khác.

4. Hoan nghênh chiến dịch thực thi tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Canada ở Biển Đông.

"Các hoạt động hải quân và trên không của các cường quốc hải quân này, phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế, đã tăng tần suất kể từ phán quyết trọng tài năm 2016. Đây là sự thực thi mạnh mẽ nhất của phán quyết trọng tài" - ông Carpio nói.

Thẩm phán Philippines: có nhiều cách thực thi phán quyết Biển Đông - Ảnh 2.

Ngư dân philippines được hải quân nước này đưa trở về sau sự cố bị chìm tàu trên biển - Ảnh: TTO

5. Gửi Hải quân Philippines tham gia FONOP.

Tổng thống Duterte đã kiên quyết không gửi tàu hải quân đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Carpio cho biết việc yêu cầu hải quân Philippines tham gia FONOP sẽ khẳng định vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

6. Mời các quốc gia có tranh chấp như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei tiến hành chiến dịch FONOP chung ở Biển Đông.

Ông Carpio cho biết các hoạt động chung thông qua các chiến dịch hải quân và trên không của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của họ sẽ giúp thực thi phán quyết.

7. Ủng hộ các nỗ lực tư nhân thực thi phán quyết.

Ông Carpio đã trích dẫn đơn khiếu nại được đệ trình gần đây đối với ông Tập và các quan chức khác của Bắc Kinh liên quan đến "tội ác chống lại nhân loại" tại Biển Đông.

Trong đó, cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales hôm 15-3 nộp đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan.

Tổng thống Philippines

TTO - Nếu Mỹ thực sự muốn xua đuổi Trung Quốc, điều mà tôi không thể làm được, tôi sẽ nhờ họ giúp đỡ. Tôi muốn toàn bộ Hạm đội 7 của các lực lượng vũ trang Liên bang Mỹ có mặt tại đó (Biển Đông)

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên