Tham nhũng đã làm gì ở Tây Ban Nha?

DANH ĐỨC 09/03/2013 19:03 GMT+7

TTCT - Cuối tháng 2, một làn sóng người biểu tình chống tham nhũng cùng các biện pháp khắc khổ diễn ra tại nhiều thành phố lớn ở Tây Ban Nha.

Thủ tướng Mariano Rajoy bị Đảng Xã hội (PSOE) đối lập cùng 1 triệu chữ ký yêu cầu từ chức do cho rằng ông dính líu đến tham nhũng. Mới đây, một trung tướng đã lên tiếng ám chỉ đến khả năng đảo chính.

Phóng to
Một người biểu tình ở Valencia chống tham nhũng và các biện pháp khắc khổ của Chính phủ Tây Ban Nha bằng một phong bì đầy những tờ euro - Ảnh: Reuters

Trong một cuộc hội thảo do Revista Juridica Militar (tạp chí Quân Pháp) tổ chức cách đây một tháng về đề tài “Quân đội và trật tự hiến pháp” tại một CLB các sĩ quan về hưu ở thủ đô Madrid, trung tướng Juan Antonio Chicharro, tư lệnh thủy quân lục chiến cho đến năm 2010, đã nêu vấn đề xứ Catalonia (thủ phủ là Barcelona) đang đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha. Ông kêu gọi cử tọa gồm khoảng 100 tướng tá thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu như Đảng Nhân dân (PP) cầm quyền mất thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử tới, và rằng phong trào Catalonia ly khai mặc cả với Đảng PP một sự tu chính hiến pháp cho phép Catalonia “ra riêng” để đổi lấy sự hậu thuẫn của phong trào này cho Đảng PP.

Ông gằn giọng: “Trong trường hợp đó, quân đội sẽ làm gì? Luật pháp là một lẽ, thực thi luật pháp là một lẽ khác. Nếu như cơ chế bảo vệ trật tự hiến pháp không hoạt động ổn thỏa đúng như mong đợi hoặc bị bỏ qua thì sao?”.

Quân đội bực dọc?

Trong sự thinh lặng của cử tọa, tướng Chicharro nhấn mạnh: “Tổ quốc quan trọng hơn là dân chủ, còn hiến pháp bất quá chỉ là một đạo luật mà thôi!”. Các tướng tá vỗ tay hoan hô, bàn tán những khả năng hành động đề ra còn “xa” hơn cả quả bóng thăm dò của tướng Chicharro. Mãi cho đến khi một tham luận viên khác, viện trưởng Viện Đại học nhà vua Juan Carlos, ông Pedro González-Trevijano, ngăn họ lại bằng một cảnh cáo: “Một giải pháp thế chỗ hiến pháp sẽ là một cuộc tự sát tập thể” (1).

Tại sao cuộc hội thảo đã diễn ra từ ngày 6-2 mà đến 27-2 nhật báo El Pais mới tường thuật lại? Phải chăng tờ báo này, vốn cực kỳ chống Đảng PP cầm quyền, đã đợi cho làn sóng chống chính phủ lên đến cao trào hôm 23-2 trước đó - với những cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát khiến 40 người bị thương, trong đó có 15 cảnh sát, và 45 người bị bắt giữ - để kéo quân đội vào cuộc? Thật vậy, ngay chính đề tài cuộc hội thảo tự nó đã là một dấu hỏi to tát về vai trò của quân đội Tây Ban Nha trong lúc này rồi.

Trong EU, đặc biệt là Tây Âu cũ, Tây Ban Nha là nước chậm dân sự, dân chủ hóa nhất. Tướng Franco cầm quyền suốt từ ngày 1-10-1936 đến khi qua đời vào 20-11-1975. Chưa hết, đến năm 1981 quân đội còn làm một cú đảo chính bất thành vào ngày 23-2. Có hay không mối quan hệ giữa một bộ phận quân đội và phe đối lập chống chính phủ, khi phe này lấy ngày kỷ niệm cuộc binh biến năm xưa làm ngày tổng phản kháng (23-2-2013)? Việc xứ Catalonia đòi ly khai, độc lập là cái cớ cho bất cứ một sự vọng động có thể.

Catalonia ly khai

Xứ Catalonia (thủ phủ Barcelona) góp đến 1/5 tổng sản lượng và 1/4 giá trị hàng xuất khẩu của Tây Ban Nha, nhưng chỉ được nhận từ 19-21% số tiền đóng góp ngân sách trung ương của mình

Tất nhiên Thủ tướng Mariano Rajoy đâu dễ gì để quân đội và phe đối lập khép tội “bán đứng xứ Catalonia”. Hôm thứ sáu 1-3, chính phủ ông Rajoy ra tuyên bố bác bỏ “tuyên ngôn chủ quyền” của Nghị viện Catalonia hồi tháng 1, theo đó dân xứ Catalonia sẽ được trưng cầu ý kiến về tương lai chính trị của xứ này. Chính phủ loan báo sẽ yêu cầu Tòa bảo hiến ra phán quyết về hành động này của Nghị viện Catalonia.

Việc xứ Catalonia đòi ly khai, ngoài những nguyên do dị biệt truyền thống, trong đó có những so bì với xứ Basque và xứ Galicia được quy chế tự trị theo Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978, còn do những bực dọc khi nghĩ rằng tuy dân số chỉ 7,5 triệu người (so với tổng dân số Tây Ban Nha 47 triệu người) song lại góp đến 1/5 tổng sản lượng và 1/4 giá trị hàng xuất khẩu, thuế đóng nhiều chỉ để nhà nước trung ương đem đi phân bố cho các nơi khác, làm thì ít mà tiêu xài thì nhiều (2). Nhân “ngày quốc gia Catalonia” (11-9) năm ngoái, 1,5 triệu người dân Catalonia đã tề tựu xuống đường tại thủ phủ Barcelona căng biểu ngữ “Độc lập”, “Catalonia, quốc gia kế tiếp của EU”.

Gặp thời buổi khủng hoảng, suy thoái, thắt lưng buộc bụng, dân xứ Catalonia càng thấy ức vì bị cắt giảm ngân sách phân bố và càng không muốn cứ phải gánh nợ cho các xứ khác: xứ Catalonia chỉ được nhận từ 19-21% số tiền đóng góp ngân sách trung ương của mình! Họ không muốn chết chùm với cả đất nước Tây Ban Nha vào lúc mà tỉ lệ thất nghiệp chung đã lên đến 26%, riêng trong giới trẻ lên đến hơn 55%, đã thế lại vung tiền cho tham nhũng! Bực quá, Nghị viện Catalonia hôm 23-1 đã ra tuyên cáo thành lập “một thực thể chính trị và pháp lý có chuyển quyền riêng”, bước đầu tiên hướng đến ly khai.

Giới địa ốc "nuôi" các chính quyền!

Làn sóng chống chính phủ Rajoy và chống tham nhũng khởi sự từ việc nhật báo El Pais hôm 30-1 tung ra các bằng chứng thu thập từ Luis Bárcenas, một cựu thủ quỹ của Đảng PP, theo đó tất cả chính khách đảng này, từ cựu thủ tướng José Maria Aznar (cầm quyền từ năm 1996-2004) đến đương kim Thủ tướng Rajoy (từ tháng 12-2011) cùng các lãnh đạo khác, đã từng lãnh “hụi chết” từ năm 1997, chủ yếu là do các “đại gia” trong ngành địa ốc bơm vào. Chức vụ càng quan trọng, “hụi” hốt càng cao (3). Tất nhiên Thủ tướng Rajoy quyết liệt bác bỏ những cáo buộc này.

Trong khoảng thời gian Đảng PSOE nắm quyền từ năm 2004-2011, các tài khoản “hụi chết” của Đảng PP bắt đầu lòi ra trước ánh sáng công lý. Tháng 10-2010, 59 bị cáo, trong đó có hai cựu thị trưởng, 15 nghị viên thành phố, cùng ông trùm địa ốc Juan Antonio Roca, bị đưa ra tòa. Ông Roca, người đứng đầu bộ phận quy hoạch thành phố Marbella, là trung tâm của vụ xử với mức án kêu 35 năm tù và 1,12 tỉ USD. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, ông trùm địa ốc này thường vỗ ngực phán: “Hội đồng thành phố chính là ta đây!”. Giờ đây, những sổ sách thu chi của thủ quỹ Bárcenas được tô điểm bằng những công bố của Chính phủ Thụy Sĩ về các tài khoản của người này trong một số ngân hàng Thụy Sĩ đã là 29 triệu USD.

Tất nhiên Đảng PSOE cũng tham nhũng trong thời gian cầm quyền, bằng cớ là trong số 390 vụ xử tham nhũng trong 10 năm qua, Đảng PP dính 177 vụ (45,38%), Đảng PSOE 128 vụ (32,82%), số vụ còn lại chia cho các đảng khác.

Giải thích tại sao các chính đảng ở Tây Ban Nha “ăn” dữ vậy, tác giả Víctor Lapuente, một giáo sư hành chính công Tây Ban Nha, viết: “Chẳng phải do một nếp “văn hóa xấu” nào hay do thiếu quy định pháp luật, mà là do việc chính trị hóa các định chế công. Các cơ quan hành chính dính tham nhũng nhất là những cơ quan có nhiều công chức được bổ nhiệm theo đảng phái nhất. Khác biệt giữa Tây Ban Nha với các nước châu Âu ít tham nhũng là vô cùng quan trọng. Ở các thành phố châu Âu kia, dân số từ 100.000-500.000 người chỉ được phép có hai hoặc ba công chức, kể cả ông thị trưởng, là thuộc một đảng X đã thắng cử. Trong khi đó tại Tây Ban Nha, đảng nắm chính quyền địa phương có quyền bổ nhiệm tuốt, từ công chức đến cố vấn, kiểm soát tùy hỉ bộ máy nhân sự. Thành ra một thành phố trung bình ở Tây Ban Nha có thể có đến mấy trăm viên chức thuộc đảng X thắng cử đó. Từ đó dẫn đến tham nhũng...” (4). Và những công chức đó cứ thế mà thu vén, giáo sư Víctor Lapuente kết luận.

(1): Miguel González, “La patria vale más que la democracia”, El Pais, 27 feb 2013

(2): http://www.chinapost.com.tw/international/europe/2013/03/03/371894/Spanish-government.htm

(3): http://politica.elpais.com/politica/ 2013/01/30/actualidad/1359583204_085918.html?rel=rosEP

(4): http://elpais.com/elpais/2013/01/25/opinion/1359108823_654152.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận