Vì chưa được thừa nhận và cấp phép như một ngành nghề hợp pháp nên dịch vụ thám tử hoạt động "chui" bằng những chiêu lách luật. Nhiều công ty có giấy phép kinh doanh chẳng "bà con" gì với nghề thám tử nhưng khai thác triệt để dịch vụ nhạy cảm để thu lợi.
Thám tử 3 không
Không giấy phép hoặc không đúng ngành nghề, địa chỉ ma, không trụ sở hoặc chỉ là văn phòng ảo... và nhiều cái không khác. Đó là nhận diện rõ nét nhất về hoạt động kinh doanh dịch vụ thám tử hiện nay.
Công ty thám tử tư K. có giấy phép đăng ký kinh doanh "Công ty TNHH dịch vụ cung cấp thông tin K". Người đứng tên đại diện pháp lý là ông Q.H. (34 tuổi, quê Khánh Hòa). Điều hành mọi hoạt động là ông T.T. và V.K.
Công ty thuê căn hộ trên đường Phùng Văn Cung (quận Phú Nhuận) đặt trụ sở. Nửa năm sau công ty này trả mặt bằng. Từ đây mọi giao dịch chủ yếu diễn ra ở quán nhậu, quán cà phê...
Công ty K. giới thiệu có đội ngũ thám tử hùng hậu nằm vùng khắp nơi. Tuy nhiên theo điều tra của chúng tôi, công ty này chỉ lèo tèo vài người. Đa số nhân viên là tài xế công nghệ, công nhân thất nghiệp làm thời vụ.
Theo hồ sơ, công ty này đăng ký ngành nghề chính "dịch vụ thông tin khác chưa được phân vào đâu" gồm các mã ngành phụ như sản xuất phim ảnh, truyền hình, hậu kỳ. Mặc dù giấy phép không dính dáng dịch vụ thám tử nhưng công ty này khai thác rất mạnh mảng theo dõi ngoại tình, bắt ghen, giám sát con cái...
Nhiều công ty thám tử đăng quảng cáo có trụ sở ở các tòa nhà trung tâm nhưng phần lớn chỉ là "hình nền". Thực tế các công ty thuê văn phòng để hợp thức hóa thủ tục đăng ký kinh doanh. Nhiều công ty thuê văn phòng ảo để tiếp khách, lòe thiên hạ.
Trang web Công ty thám tử G.Đ. ghi địa chỉ là tòa nhà trên đường Trần Đình Xu (quận 1). Chúng tôi tìm đến thì công ty này chỉ thuê văn phòng đặt bảng hiệu. Muốn gặp phải gọi điện trước "vì thường xuyên gặp khách bên ngoài".
Tương tự, Công ty P.B. đặt văn phòng tại tòa nhà trên đường Hải Triều (quận 1) nhưng chỉ là văn phòng ảo. Khi khách muốn tới, vị thám tử lấy lý do không có mặt ở công ty rồi hẹn ra ngoài quán cà phê, quán nhậu để phục vụ... tận răng.
Trong vai cần thuê thám tử điều tra nhân thân đối tác, chúng tôi tìm đến địa chỉ trên không thấy bảng hiệu.
Gọi điện, một người tên Hà cho biết đang đi xác minh ở tuốt Tiền Giang. "Những hợp đồng giá trị lớn mới gặp ở văn phòng. Còn theo dõi, giám sát làm một vài ngày thì ký ở ngoài. Muốn gặp ở đâu, ký hợp đồng lúc nào tùy bên chị. Ở đâu em cũng tới", Hà nói.
Không cấm nhưng không cấp phép
Thực tế nhu cầu cung cấp thông tin hiện nay là có thật. Tuy nhiên ranh giới giữa dịch vụ cung cấp thông tin và xâm phạm bí mật đời tư khá mong manh. Trong khi đó việc có nên thừa nhận hay không thừa nhận dịch vụ này vẫn bỏ ngỏ.
Theo luật gia Phạm Văn Chung (ảnh), năm 2018 Thủ tướng Chính phủ có ban hành quy định về mã ngành nghề về dịch vụ điều tra (mã 803 - 8030 - 80300).
Theo đó, nhóm nghề này gồm dịch vụ điều tra và thám tử.
Do đó các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, thuộc các loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này.
Luật đầu tư năm 2020 cũng không xếp nghề này thuộc diện cấm đầu tư kinh doanh và cũng không coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
"Tuy không bị pháp luật cấm nhưng đến thời điểm hiện nay chưa có quy định cụ thể, chi tiết về dịch vụ thám tử tư nhân. Do đó cơ quan quản lý chưa cấp phép cho dịch vụ này.
Cũng giống loại hình kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Dù pháp luật có quy định nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể nên không thể triển khai trên thực tế", ông Chung phân tích.
Do cơ quan quản lý chưa cấp phép nên dịch vụ thám tử tư hiện nay hoạt động "chui" bằng những chiêu né luật, lách luật. Dịch vụ này hầu hết không có địa chỉ, văn phòng cụ thể mà đăng quảng cáo trên mạng, giao dịch qua điện thoại, hẹn ra quán cà phê...
"Theo quy định thì dịch vụ điều tra là loại hình dịch vụ phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh. Vì vậy, việc không có giấy phép kinh doanh mà vẫn hoạt động "chui" sẽ bị xử phạt từ 50 - 100 triệu đồng", ông Chung cho biết.
Có nên thừa nhận thám tử tư?
Theo tìm hiểu, hiện nay chưa có tỉnh thành nào cấp phép cho dịch vụ thám tử tư nhân hoạt động. Tra cứu qua hệ thống quản lý các dịch vụ công chưa thấy có văn phòng, doanh nghiệp thám tử tư nhân chuyên nghiệp nào đang hoạt động trên thực tế.
Về vấn đề này, luật sư Trương Xuân Tám (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích: "Có thể cơ quan chức năng lo ngại những thông tin mà thám tử thu thập được có thể sử dụng vào những mục đích xấu. Hơn nữa xét về mặt rủi ro, các dịch vụ thám tử "chui" đang có dấu hiệu xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Đặc biệt, khi chưa có quy định về quyền và trách nhiệm của họ thì nguy cơ thám tử lạm dụng quyền lực của mình để thực hiện các hành vi bất hợp pháp càng cao".
Theo luật sư Tám, điều tra là hoạt động độc quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như công an, viện kiểm sát.
Còn bản chất các thám tử là điều tra, theo dõi và xác minh các vụ việc một cách độc lập.
Tuy nhiên, thám tử không được Nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động điều tra theo quy định hiện hành. Do đó, dịch vụ thám tử tại Việt Nam hoạt động không đúng như bản chất của nó là phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Thêm một lý do khiến nghề thám tử chưa được công nhận là hiện nay hệ thống pháp lý chưa quy định cụ thể để quản lý ngành nghề kinh doanh này.
Những dịch vụ mà họ khai thác đang bị xem là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy ranh giới giữa cung cấp thông tin và xâm phạm bí mật đời tư rất mong manh, khả năng vi phạm pháp luật của thám tử rất cao.
Vậy có nên thừa nhận dịch vụ thám tử tư? Luật sư Tám cho rằng nghề thám tử muốn có "thân phận" thì cần một khung pháp lý hoàn chỉnh.
"Việc giám sát và quản lý hoạt động của các thám tử có thể gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi hệ thống pháp lý cụ thể và hiệu quả. Bên cạnh đó cần xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành nghề này", luật sư Tám cho biết.
Về phía doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với khách hàng thông qua việc ký kết hợp đồng chi tiết.
Trong đó nêu rõ các quyền và nghĩa vụ của hai bên, quy định về bảo mật thông tin và quyền riêng tư. Từ đó thiết lập một hệ thống tiếp nhận và giải quyết mọi tranh chấp, vi phạm trên cơ sở công bằng và minh bạch.
"Bằng cấp, đào tạo chuyên nghiệp đội ngũ thám tử cần được xem là tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp phép hoạt động. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp "gối đầu" cho thám tử", luật sư Tám gợi ý.
Xem xét giữa lợi ích và rủi ro tiềm ẩn
"Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã công nhận dịch vụ thám tử là ngành nghề kinh doanh chính thức, được điều chỉnh bởi khung pháp lý hoàn chỉnh.
Việc có nên thừa nhận dịch vụ thám tử là ngành nghề kinh doanh chính thức tại Việt Nam hay không cần phải xem xét nhiều khía cạnh, bao gồm cả lợi ích và rủi ro tiềm ẩn", luật sư Trương Xuân Tám (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết.
Ý kiến bạn đọc
TRẦN MỸ: Xã hội thật sự có nhu cầu thám tử, bởi không phải chuyện gì cũng có thể nhờ công an khi họ đã nhiều việc phải làm. Chính quyền hãy cho phép dịch vụ này hoạt động trong khuôn khổ luật pháp chặt chẽ, nếu họ làm sai, làm quá quy định thì xử phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép.
TUAN THANH: Đưa chuyện bí mật của mình giao cho thám tử - người không quen biết chẳng khác nào đưa cho họ cầm đuôi dao, còn mình cầm lưỡi dao nguy hiểm.
ĐỊNH: Tôi đồng quan điểm với các luật sư hiện chưa nên đưa nghề thám tử như một ngành nghề kinh doanh khác. Nó chưa cần thiết cho xã hội. Ngược lại gây phiền toái, bất ổn là đằng khác.
TOÀN TRUNG: Nghề này mà được đào tạo tốt về kỹ năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, làm ăn uy tín là hốt bạc chẳng chơi. Thực tế hiện nay nhu cầu thông tin rất lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài cần tìm hiểu thông tin về đối tác và các lĩnh vực về gian lận thương mại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận