06/08/2024 09:02 GMT+7

Thâm nhập 'đại bản doanh' livestream bán hàng tại Trung Quốc

Với các khu dành riêng cho hoạt động livestream bán hàng được đầu tư bài bản với quy mô lớn sát biên giới Việt Nam, mỗi ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng Trung Quốc, bán cho khách hàng Việt.

Khu livestream ở Bằng Tường (Trung Quốc) thuê người Việt bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, với sản phẩm rất đa dạng - Ảnh: BÔNG MAI

Khu livestream ở Bằng Tường (Trung Quốc) thuê người Việt bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, với sản phẩm rất đa dạng - Ảnh: BÔNG MAI

Với giá trung bình một đơn hàng là 100.000 - 300.000 đồng, tương ứng 45 - 63 triệu USD/ngày, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD hàng Trung Quốc thông qua các sàn thương mại điện tử.

Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam - Kỳ 2: Choáng ngợp khu livestream bán hàng sát biên giới

Để "mục sở thị" hoạt động bán hàng tại các khu livestream này, phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập "đại bản doanh" livestream Trung Quốc, sát biên giới Việt Nam.

Choáng ngợp với những khu livestream

Qua cây cầu trên dòng sông Nậm Thi vào tháng 7-2024, tại biên giới tỉnh Lào Cai, chúng tôi cùng đoàn người xếp hàng chờ nhập cảnh vào cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Ngay khi đặt chân đến biên giới, hàng trăm cửa hàng với biển hiệu bằng tiếng Trung, số điện thoại kết nối WeChat và cả tiếng Việt kèm Zalo, thuận lợi cho cả người Trung Quốc lẫn người Việt.

Chỉ 10 phút di chuyển bằng taxi, chúng tôi tới "Khu công nghiệp logistics thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu)".

Đây là nơi được xem là "đại bản doanh" livestream hàng Trung Quốc bán vào Việt Nam với số lượng lớn, đặt sát biên giới, hoạt động theo mô hình "all in one" - tất cả trong một. Khu tòa nhà được xây dựng rộng, hoành tráng với một tổ hợp phân khu chức năng. Vốn đầu tư 3,68 tỉ nhân dân tệ (525 triệu USD), với tổng diện tích khuôn viên là 128 mẫu, diện tích kiến trúc là 66.000m2.

Sau khi đặt chân vào bên trong sảnh, đập vào mắt chúng tôi là tấm bảng hiệu với dòng chữ tiếng Trung với nội dung "Khu phát sóng trực tuyến thương mại điện tử quốc tế Hà Khẩu", kèm theo đó là logo các sàn Shopee, Lazada và TikTok.

Chúng tôi được anh Hoàng (người Trung Quốc) và một số người làm việc ở khu này đón tiếp nhiệt tình và đưa đi tham quan khu livestream.

Theo giới thiệu của anh Hoàng, tòa nhà do Chính phủ Trung Quốc đầu tư xây dựng, có năm tầng, mỗi tầng có chức năng riêng. Trong đó, tầng 1 dùng trưng bày sản phẩm để khách tới xem hàng, với các loại hàng hóa từ thực phẩm, giày dép, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được trưng bày khắp nơi... Các tầng còn lại dành cho hoạt động livestream.

Cũng theo anh Hoàng, với tầng dành riêng cho hoạt động livestream đều được bố trí sóng Việt Nam.

Do đó, các kênh bán hàng trên nền tảng như Facebook đều lên được tại Trung Quốc, chứ không bị ngắt sóng. Ở đây có hàng trăm phòng nhỏ 15 - 20m2, đánh số thứ tự riêng, độ cách âm giữa các phòng tốt, hạn chế lan truyền tiếng ồn khi bán hàng.

Tương tự, tại khu vực Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây), giáp biên giới với tỉnh Lạng Sơn, cách Lào Cai khoảng 581km, chúng tôi cũng được tham quan "Khu livestream thương mại điện tử quốc tế Bằng Tường" với quy mô lớn, gồm các tòa nhà san sát nhau, được xây dựng kiên cố.

Chính giữa tòa nhà là các logo của sàn Shopee, Lazada, TikTok..., đồng thời trưng bày đủ loại sản phẩm từ máy xay sinh tố, quạt, máy sấy tóc đến bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, giấy vệ sinh...

Hàng loạt phòng livestream đặt ngay bên cạnh, vách cửa kính trong suốt. "Các phòng livestream được trang bị máy tính, bộ đèn lớn chuyên dụng cho các studio, dụng cụ quay, micro... hiện đại chứ không chỉ đơn thuần là chiếc điện thoại và đèn chiếu sáng thông thường", anh T., một nhân viên tại đây, giới thiệu với chúng tôi.

Một số người Việt qua khu livestream ở Bằng Tường (Trung Quốc), giáp biên giới với tỉnh Lạng Sơn để tìm hiểu mô hình kinh doanh - Ảnh: BÔNG MAI

Một số người Việt qua khu livestream ở Bằng Tường (Trung Quốc), giáp biên giới với tỉnh Lạng Sơn để tìm hiểu mô hình kinh doanh - Ảnh: BÔNG MAI

Khu livestream vận hành thế nào?

Dẫn chúng tôi "mục sở thị" các phân khu chức năng tại "Khu phát sóng trực tuyến thương mại điện tử quốc tế Hà Khẩu", anh Hoàng cho biết việc kinh doanh đang khá tốt, số lượng doanh nghiệp vào khu livestream này ngày càng nhiều hơn, vì đã kết nối được với đơn vị vận chuyển tại Việt Nam.

Công ty của anh Hoàng tiếp nhận nguồn hàng từ Trung Quốc và tổ chức bán đa dạng từ bánh kẹo, quần áo, hàng gia dụng... Cầm trên tay giới thiệu về loại giày thể thao, anh Hoàng nói đây là sản phẩm mà giá và mẫu cỡ nào cũng có, về Việt Nam bán rất chạy. Chất lượng hàng được chia thành nhiều phân khúc A, B, C, tương ứng với giá cao, bình thường, rẻ.

"Không chỉ bán lẻ qua mạng, người Việt còn có thể qua đây để kết nối và nhập sỉ, về bán kiếm lời. Chẳng hạn, giày thể thao giá vốn thấp, ví dụ 320.000 đồng đôi giày thể thao nhưng về có thể bán 850.000 - 1,3 triệu đồng", anh Hoàng giới thiệu và khẳng định khu vực này sẽ càng sôi động hơn trong thời gian tới khi hoàn tất những công trình đang được xây dựng dang dở, chưa kể khu đất kế bên đang nằm trong kế hoạch xây kho lạnh, nhằm thuận lợi xuất khẩu nông sản, trái cây về Việt Nam.

"Tháp tùng" chúng tôi còn có anh Vũ, được giới thiệu là giữ vai trò quản lý một công ty tại đây. Theo lời anh Vũ, khu vực livestream có khoảng 60 công ty đăng ký vào hoạt động.

Nguồn hàng được phân phối, công ty nào phụ trách bán hàng gì... đều được kiểm soát chặt chẽ từ quy trình bán, doanh thu với mỗi đơn vị phụ trách một vài dòng sản phẩm.

Cũng theo anh Vũ, không phải doanh nghiệp nào muốn cũng có thể vào hoạt động tại đây mà đều có chỉ tiêu "KPI", doanh nghiệp nào đáp ứng được mới cho vào hoạt động.

Chẳng hạn, doanh nghiệp của anh Vũ được miễn phí thuê mặt bằng làm việc, phòng livestream 1 - 2 năm nhưng phải đáp ứng chỉ tiêu doanh thu, số lượng hàng tiêu thụ mỗi tháng... Tuy nhiên, anh Vũ không cho biết doanh thu cụ thể.

Tại khu livestream ở Bằng Tường, chúng tôi được ông Zhong Cheng (tên tiếng Việt là Thành), đang quản lý 20 phòng livestream, cho biết doanh thu bán hàng trung bình khoảng 3 tỉ đồng/ngày, dịp khuyến mãi lên đến hàng chục tỉ đồng.

Tất cả hàng hóa tại đây đều là hàng Trung Quốc, được xuất bán về thị trường Việt Nam, chứ không có hàng Việt.

Lấy bịch khăn giấy, ông Zhong Cheng cho biết giá gốc và cước chuyển về Việt Nam chưa tới 3.000 đồng, trong khi bán ra khoảng 10.000 đồng! Theo ông Zhong Cheng, nhà bán hàng Trung Quốc theo dõi thị trường khá chặt chẽ.

Ngoài việc chọn ra những sản phẩm có thể bán quanh năm, còn có những mẫu theo xu hướng, những sản phẩm nào ít được ưa chuộng sẽ bị ngưng bán, thay thế.

Chỉ tuyển người Việt bán hàng

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi rất bất ngờ khi được gặp nhiều doanh nhân Trung Quốc nói tiếng Việt sành sỏi. Tuy nhiên, người bán hàng ở các phiên livestream tại đây chủ yếu là nhân viên người Việt được tuyển dụng.

"Đây là quy định, dù người Trung Quốc giỏi tiếng Việt cỡ nào cũng không được đứng bán hàng livestream mà phải tuyển người Việt", một nhân viên người Việt tại đây cho biết.

Những người Việt này được giới thiệu tới Bằng Tường thông qua một công ty môi giới việc làm tại Việt Nam. Sau khi được đào tạo tại Trung Quốc (chủ yếu để xem có khả năng điều khiển bầu không khí sôi động trong phòng phát trực tiếp hay không), những người này sẽ được ký hợp đồng làm việc với lương 15 - 20 triệu đồng/tháng, được bao ăn ở và visa.

Tại phòng livestream, chúng tôi chứng kiến hai nữ người Việt bán hàng nhưng với phông nền tại phòng, người xem khó đoán được tài khoản livestream này đang bán hàng ở Trung Quốc.

Trong quá trình livestream, thông qua các nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop, Shopee và Lazada, những nhân viên này giới thiệu các sản phẩm làm đẹp, quần áo, đồ gia dụng nhỏ, kỹ thuật số... tới người tiêu dùng Việt.

"Tranh thủ chốt đơn trên live nhà em luôn nhá", một nữ nhân viên liên tục mời chào khách hàng mua quần áo nữ, trong khi một nhân viên khác rung chuông, tăng độ sôi động cho buổi bán hàng, đồng thời theo dõi đơn hàng khách đặt thông qua màn hình máy tính.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động livestream tại đây được chia làm ba ca/ngày, mỗi phiên livestream 3 - 5 tiếng.

Tại Hà Khẩu, chúng tôi gặp chị N., nhân viên người Việt đang làm thư ký cho anh Vũ và quản lý chốt đơn hàng livestream. Chị N. cho biết đã làm việc tại đây hơn một năm, phụ trách chốt đơn kiêm phiên dịch viên cho quản lý khi có đoàn khách Việt sang.

"Nguồn hàng Trung Quốc rất rẻ, số lượng lớn nên nhiều người sang đây để lấy mối bán sỉ, chưa kể tổ chức học các khóa livestream", chị N. cho biết.

Cũng theo chị N., để việc livestream diễn ra ổn định, thông thường mỗi phòng có khoảng hai nhân viên luân phiên hỗ trợ nhau, số lượng nhân sự có thể tăng gấp đôi hoặc hơn tùy từng thời điểm, đặc biệt các đợt có sự kiện, tung ưu đãi lớn. Chốt mua hàng chỉ vài ngày sau hàng về đến Việt Nam.

Tại khu livestream Bằng Tường, chúng tôi gặp một số người Việt tới tham quan, tìm hiểu mô hình, trong đó có người chuyên tuyển dụng nhân sự livestream.

"Mô hình kinh doanh thương mại điện tử không cần ra nước ngoài nhưng đã mang lại thêm lợi ích cho các công ty Trung Quốc. Ngoài việc giảm chi phí và rủi ro về lưu kho tại Việt Nam, nó còn giảm đáng kể chi phí vận hành", anh Thành, một người Việt đang đến đây tìm hiểu mô hình kinh doanh, nói.

Thâm nhập 'đại bản doanh' livestream bán hàng tại Trung Quốc- Ảnh 3.

Nguồn: Statistics - Đồ họa: T.ĐẠT

Giảm giá thành nhờ quy trình khép kín

Đối với các phiên livestream lớn, đằng sau người đứng bán chính - xuất hiện thường xuyên trên màn hình, còn có từ 20 - 100 nhân sự khác hỗ trợ, gồm người của nhãn hàng, nhân viên thuộc sàn thương mại điện tử, đội ngũ chụp hình, quay phim, căn chỉnh ánh sáng của studio...

Để phục vụ hoạt động bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả, theo thiết kế, ngoài trung tâm livestream, ở khu vực này còn có thêm bốn trung tâm khác gần bên, gồm: kho bãi logistics - thông quan hàng hóa - trao đổi kiện hàng quốc tế - dịch vụ sáng tạo đổi mới.

Bán hàng, đóng gói, thông quan, vận chuyển ngay... là quy trình đang được áp dụng tại khu vực livestream ở Hà Khẩu và Bằng Tường. Thậm chí, ngay phân khu livestream tại Hà Khẩu còn có khu chuyển hàng của China Post. Đơn hàng chốt xong, kho nhận lệnh xuất hàng, đóng gói và chuyển đi.

Xe di chuyển liên tục, hàng về Việt Nam chỉ trong nửa ngày. Doanh nghiệp chuyển phát tại Việt Nam đảm nhận khâu giao đến tay người tiêu dùng.

Thậm chí, nhà bán hàng Trung Quốc cho biết còn thuê kho, trữ sẵn hàng tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác, từ đó tăng mạnh lợi thế cạnh tranh. Nhờ quy trình khép kín, bài bản... đã góp phần giúp hàng hóa tới tay người tiêu dùng với giá khá rẻ.

Quảng bá rầm rộ cho hàng Trung Quốc

Thâm nhập 'đại bản doanh' livestream bán hàng tại Trung Quốc- Ảnh 4.

Khu livestream ở vùng biên giới Hà Khẩu (giáp tỉnh Lào Cai, Việt Nam), có nhiều người Việt được thuê vào làm việc giới thiệu sản phẩm, chốt đơn qua mạng - Ảnh: BÔNG MAI

Từng không dám hoặc ít sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm... Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng Việt đã thay đổi suy nghĩ sau khi các KOC (người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng), KOL (người nổi tiếng) liên tục quảng bá rầm rộ trên TikTok và Shopee về các thương hiệu mỹ phẩm, thực phẩm Trung Quốc.

Chẳng hạn, tài khoản Hằng Du Mục (người Việt, lấy chồng Trung Quốc, có hơn 3,4 triệu tài khoản theo dõi) từng bán 2 tấn táo đỏ Tân Cương chỉ sau vài phút livestream trên TikTok, chưa kể các loại mỹ phẩm, đồ gia dụng khác...

Sinh sống tại Hàng Châu, Zhu Zhu (Chu Thị Hiền) tới tận công ty, nhà xưởng, làm việc trực tiếp với nhiều nhãn hàng tại Trung Quốc, chọn sản phẩm đa dạng vào các phiên livestream và thương lượng để có các ưu đãi tốt.

Để tăng độ uy tín, vào giữa năm nay, Võ Hà Linh (được nhiều người gọi là "chiến thần" bán hàng online) xuất hiện với xe sang, ghé thăm văn phòng, trụ sở chính, nhà máy sản xuất và được nhân sự cấp cao của hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc (Carslan, Mlen Diary, Lucenbase, Colorkey, Judydoll, In to you, Perfect Daiary) và thương hiệu dép Posse chào đón.

Nhằm thu hút người xem và mua hàng, trước phiên bán trực tuyến diễn ra, người bán hàng cũng tung tiền ra để truyền thông. Điển hình như cặp vợ chồng Quyền Leo Daily từng treo pano quảng cáo về phiên bán hàng bên hông du thuyền, rồi quay video đăng trên mạng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy thuộc vào độ khá của sản phẩm (hàng công nghệ, hàng tiêu dùng, hàng mỹ phẩm...), cũng như độ nổi tiếng của người bán hàng, phía doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trả chiết khấu khoảng 10 - 25% trên tổng doanh thu.

Nhờ đâu hàng Trung Quốc về Việt Nam thần tốc, giá rẻ?Nhờ đâu hàng Trung Quốc về Việt Nam thần tốc, giá rẻ?

Vừa đặt hàng Trung Quốc, 3 - 4 hôm sau đã thấy shipper giao hàng trước cửa, có khi nhanh hơn cả đặt hàng trong nước, giá rất rẻ, thậm chí được "bao" luôn phí vận chuyển xuyên biên giới. Vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên