Cán bộ công chức trẻ Phòng tư pháp quận 1 (TP.HCM) hướng dẫn người dân nhập dữ liệu, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ chứng thực - Ảnh: K.ANH
Hội thi do Ban Dân vận Thành ủy, Sở Nội vụ và Thành Đoàn TP.HCM phối hợp tổ chức, khởi động từ đầu tháng 9 theo hình thức thi trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online.
Rút ngắn thời gian, tăng sự hài lòng của người dân
Thí sinh Đỗ Thị Thúy Nga, phó trưởng Phòng tư pháp quận 1 (TP.HCM), đã đề xuất thực hiện "Giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục thuộc lĩnh vực chứng thực tại UBND quận 1".
Khảo sát thực tế, trung bình mỗi ngày công chức tiếp nhận 250 - 300 lượt khách hàng, là số hồ sơ khá lớn cần giải quyết ngay trong ngày. Từ đó, chị Nga tham mưu việc ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả công việc.
Tại phòng tiếp nhận và trả kết quả sẽ bố trí máy tính có kết nối mạng nội bộ. Người dân truy cập vào phần mềm chứng thực, tự nhập dữ liệu ban đầu liên quan đến hồ sơ cần chứng thực. Những dữ liệu này được truyền vào máy tính của chuyên viên thực hiện công tác chứng thực.
Khi người dân đến giao dịch, chuyên viên phụ trách sẽ kiểm tra, xác nhận lại thông tin đã có trên phần mềm, đối chiếu và hoàn thành hồ sơ. Việc này góp phần giảm thời gian nhập dữ liệu, đảm bảo hồ sơ của người dân được giải quyết nhanh hơn.
Với thí sinh Nguyễn Văn Tân - trưởng ban quản lý chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP.HCM), anh đề xuất mô hình chợ trực tuyến, hỗ trợ tiểu thương cùng bà con khắc phục những khó khăn trong kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19.
"Theo xu thế hiện đại hóa, chợ bắt buộc phải chuyển mình hòa nhập với làn sóng công nghệ qua hình thức bán hàng công nghệ 4.0 để tiếp cận khách hàng mới, tạo thêm kênh bán hàng song song với kênh buôn bán truyền thống", ông Tân gợi mở.
Ban quản lý chợ tham mưu cho UBND quận 4 triển khai mô hình "Chợ trực tuyến" hợp tác với một công ty công nghệ. Mô hình "Chợ trực tuyến - UTOP" được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Các thương nhân chợ đăng ký thành viên để quảng bá, trưng bày sản phẩm kinh doanh trên ứng dụng miễn phí. UBND của 13 phường trên địa bàn quận hỗ trợ thông tin đến người dân để tiếp cận, lựa chọn sử dụng mô hình "Chợ trực tuyến" như kênh mua sắm an toàn, uy tín.
Nhiều cách lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Ông Lê Đình Lịch, phó giám đốc cơ sở cai nghiện Phú Đức (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM), đề xuất xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại đơn vị để giới thiệu những giá trị cao đẹp về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu đến cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động và học viên tại trung tâm.
Tổ chức hội thi trưng bày sách tại cơ sở cai nghiện Phú Đức - Ảnh: Đ.L.
Tổ chức hội thi, đọc sách, kể chuyện về Bác… là giải pháp được ông Lịch đưa ra để lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến nhiều người.
"Cùng với lòng nhân ái, sự tận tâm của những người làm công tác giáo dục và biện pháp giáo dục phù hợp, tôi thấy có thể áp dụng phương pháp giáo dục trực quan, lấy tấm gương đạo đức của Bác để lan tỏa, cảm hóa những người lầm đường, lỡ bước trở thành người có ích", ông Lịch chia sẻ.
Để Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nhân rộng nhiều nơi, thu hút nhiều người trẻ tiếp cận, thí sinh Phan Thành Nhân - chuyên viên Ban tiếp công dân (Văn phòng UBND quận 5) - cũng hiến kế với hội thi ý tưởng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng.
Tại vòng chung kết xếp hạng, các thí sinh sẽ dự hai phần thi.
Phần tự giới thiệu về cơ quan, đơn vị công tác bằng nhiều hình thức khác nhau trong bảy phút và được quyền dùng thêm người hỗ trợ phần thi này. Tham gia thi xử lý một tình huống giả định qua đoạn phim ngắn và trả lời câu hỏi của giám khảo.
Tổng điểm cuối cùng sẽ được tính gồm điểm của phần thi sáng kiến, giải pháp tại vòng chung kết cùng hai phần thi tại vòng chung kết xếp hạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận