10/11/2013 00:26 GMT+7

Thăm mộ Thúy chiều đón bão

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Siêu bão Haiyan dù mang rất nhiều đe dọa cho miền Trung ruột thịt nhưng không ngăn được trời xanh, mây trắng, nắng vàng ở TP.HCM, không ngăn được những hẹn hò, vui cười, đàn hát.

SgoaRwO1.jpgPhóng to
Bạn trẻ trang hoàng mộ Thúy rực rỡ trong ngày đến thăm - Ảnh: Ngọc Trường

Ấy vậy, nhưng chiều thứ bảy này ở TP.HCM có tới 400 cô cậu học sinh cấp III đã gác các kế hoạch giải trí để đến nghĩa trang thành phố, quây quần cùng những đóa hoa hướng dương bên mộ Lê Thanh Thúy, “đóa hướng dương không cần mặt trời” đã ra đi ở tuổi 19 cách nay vừa tròn sáu năm.

Những câu chuyện về Thúy, về “Ước mơ của Thúy” được nhắc lại bởi cha, bởi mẹ, bởi những người bạn, những tình nguyện viên đã đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu, dù đã là lần thứ bao nhiêu nhưng vẫn làm người nói nghẹn lời, người nghe rơi nước mắt. Chương trình “Ước mơ của Thúy” với những đóa hoa hướng dương quen thuộc đã bắt đầu thật đơn giản đúng như tên gọi, là ước mơ được cười vui của cô gái trẻ thích cười, thích hội họp bạn bè nhưng lại bị số phận đẩy vào căn bệnh đau đớn, nghiệt ngã. Ước mơ ấy cô không giữ cho riêng mình mà nhân lên cho các em bé bệnh nhi đồng cảnh, chia sẻ để lôi kéo những người bạn có may mắn hơn mình. Sẻ chia và nhân lên, nên ước mơ đã không tắt đi khi nụ cười thanh xuân của Thúy dừng lại ở tuổi 19...

Thì ra cái chết chưa phải là tuyệt vọng, chưa phải là chấm dứt tất cả. Cái chết vẫn có thể là sự khởi đầu những kế hoạch, những chương trình, những ước mơ, vẫn có thể là khởi đầu công cuộc giành lại những sự sống khác. Thì ra cái câu thường nghe tưởng như chỉ là một lời an ủi “trong họa có phúc” lại chính là sự thật. Sau phút sắp chén cơm, cắm nén nhang, rơi nước mắt khi nhớ dáng hình con gái, cha mẹ của Thúy đã mỉm cười khi nhìn các cô gái tươi xinh xung quanh: “Có bạn bè, có các em, Thúy trước khi ra đi cũng đã rất yên tâm, chúng tôi cũng ấm lòng, tự hào về con gái mình. Hôm nay, chắc là Thúy vui...”.

400 bạn trẻ quây quần bên mộ, cắm hoa hướng dương vàng rực cả nghĩa trang, hát cho Thúy nghe những bài hát được giới trẻ yêu thích, có bạn đã nằm lòng câu chuyện “Ước mơ của Thúy”, có bạn hôm nay mới đến và nghe kể về Thúy lần đầu. Nhìn ảnh Thúy cười rạng rỡ trên phần mộ, các bạn đã hiểu: ước mơ vẫn có thể tiếp tục lớn lên kể cả khi chủ nhân của nó không còn nữa, đó là khi mơ ước được dành cho mọi người.

Ra về vào chiều muộn, ngoài những xôn xao bàn tán cho ngày hội hoa hướng dương được tổ chức tiếp hôm sau, lại có thêm những sốt ruột, lo lắng cho miền Trung khi ai đó báo tin mưa đã bắt đầu lớn, gió đã bắt đầu giật. Các cô cậu học trò ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới cũng bắt đầu biết lắng tai nghe, chụm đầu dò tin trên mạng để tìm hiểu thế nào là siêu bão. Nhìn cảnh ấy, lại nhớ đến câu “trong họa có phúc”. Bão lốc trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên giáng xuống người, xuống vật, xuống đất nước chẳng phải cũng như căn bệnh mà Thúy và bao người khác đã bất thần gặp sao? Không tránh được nhưng có thể tìm những cách hóa giải được. Nếu “Ước mơ của Thúy” đã sinh ra và lớn lên được ngay trong nghiệt ngã, mang lại những phút vui sướng cũng như lợi ích điều trị thực thể cho bệnh nhi thì trong những cơn bão này, ngoài những thiệt hại, nhất định cũng sẽ còn động lực cho những gì tốt đẹp: như sự đoàn kết để chống đỡ thiên nhiên; như sự chia sẻ đùm bọc nghĩa đồng bào; như sự đòi hỏi thúc bách phải có những giải pháp “sống chung với bão” có tính lâu dài hơn: chuẩn bị nhà tránh bão cộng đồng, cải tiến kỹ thuật nhà ở để giảm thiệt hại của bão, lũ, phát minh khoa học để hòa giải với thiên nhiên...

Từ “Ước mơ của Thúy”, chiều nay tôi nghĩ đến “ước mơ trong bão”...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên