Thăm mộ Charlie Chaplin

ĐẶNG NHẬT MINH 05/09/2004 04:09 GMT+7

TTCN - Sang Thụy Sĩ mùa hè năm nay, tôi nhất quyết phải thực hiện bằng được ước mơ từ lâu của mình: thăm mộ nhà điện ảnh thiên tài Charlie Chaplin. Thật may mắn, anh Nguyễn Đăng Dũng - một Việt kiều sống và làm việc ở Thụy Sĩ gần 40 năm nay - nhận giúp tôi thực hiện điều đó.

Phóng to
Tượng Charlot tại Vevey
TTCN - Sang Thụy Sĩ mùa hè năm nay, tôi nhất quyết phải thực hiện bằng được ước mơ từ lâu của mình: thăm mộ nhà điện ảnh thiên tài Charlie Chaplin. Thật may mắn, anh Nguyễn Đăng Dũng - một Việt kiều sống và làm việc ở Thụy Sĩ gần 40 năm nay - nhận giúp tôi thực hiện điều đó.

Trước khi lên đường anh nói: “Tôi sống ở đây đã lâu mà thú thật cũng chưa biết mộ ông nằm ở đâu. Chỉ biết những năm cuối đời ông sinh sống với bà Oona, người vợ sau cùng của ông, ở làng Corsier thuộc tỉnh Vevey, cách Genève gần 200 cây số. Ta cứ đến làng đó trước đã”.

Và thế là chúng tôi lên đường. Mùa hè ở châu Âu những năm gần đây cũng nóng không kém gì ở VN. Xe chạy bon bon trên xa lộ với tốc độ 120 km/giờ, hai bên đường là những cánh đồng cỏ xanh rờn, những cánh đồng ngô, hướng dương. Ôtô không có máy lạnh nên cửa kính được mở toang để đón gió trời. Thỉnh thoảng tôi nhận ra một mùi rất quen thuộc của ruộng đồng VN: mùi phân hữu cơ.

Anh Dũng cho biết ở Thụy Sĩ có những vùng người ta cấm bón phân hóa học. Tôi bỗng nhớ câu thơ của Bút Tre: Anh về phân bắc phân xanh đầy đồng - hai thứ phân ấy bây giờ được coi trọng nhất ở một xứ sở văn minh như Thụy Sĩ. Đôi lúc anh Dũng lại bỏ xa lộ, rẽ vào những làng mạc để tôi có dịp ngắm cảnh nông thôn.

Phóng to
Mộ Charlie Chaplin và bà Oona Chaplin tại làng Corsier
Nông thôn ở đây chỉ khác thành phố ở vẻ yên tĩnh, thơ mộng chứ tiện nghi vật chất và cơ sở hạ tầng thì chẳng khác gì nhau. Con đường hết lên dốc lại xuống đèo, qua vô số đường hầm xuyên núi, men theo rất nhiều hồ nước xanh ngăn ngắt như nước đại dương. Tôi có cảm giác như mình đang trôi đi trong một bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên hay đang ở trên một sa bàn khổng lồ, sạch sẽ, ngăn nắp do bàn tay sắp đặt công phu và tinh tế của con người.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến tỉnh Vevey. Tại công viên của thành phố có một bức tượng Charlie Chaplin được dựng lên nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1889 - 1989). Dưới chân tượng luôn có hoa và luôn có người đến bá vai ông chụp ảnh (vì tượng không đặt trên bục cao và tầm vóc bằng đúng người thật của Charlie Chaplin). Từ đây đến làng Corsier không xa.

Ngay ở quảng trường cạnh nhà thờ trong làng có một tấm bảng to giới thiệu sơ đồ của làng và nơi ở cùng tiểu sử của Charlie Chaplin. Rõ ràng sự có mặt của ông là một niềm hãnh diện cho cái làng nhỏ bé này. Ngôi làng đã yên tĩnh, nghĩa trang của làng lại càng yên tĩnh hơn. Chúng tôi chia hai ngả để tìm mộ ông: một ngôi mộ rất giản dị, không khác biệt gì so với các mộ xung quanh; có chăng chỉ là vạt hoa đỏ trước hai tấm bia, một khắc tên ông và một khắc tên vợ ông dựng trên một tấm bêtông dày. Charlie Chaplin mất ngày 24-12-1977, thọ 88 tuổi.

Sau khi bà Oona an táng chồng xong thì kẻ gian đã đào huyệt đánh cắp thi hài ông, với ý định đòi tiền chuộc của gia đình, nhưng cảnh sát Thụy Sĩ đã ra tay và không lâu sau kẻ gian phải tự mang trả. Chúng biết rằng đã động đến một con người như thế nào. Có ai đó đã đặt lên trên thành bia mộ những viên sỏi. Hình như đây là tập tục của người Do Thái. Còn chúng tôi xách nước tưới lên thảm hoa trước mộ ông để tỏ lòng thành kính.

Charlie Chaplin sinh tháng 4-1889 tại một khu phố nghèo ở Luân Đôn, bố là một ca sĩ phòng trà, mẹ là một vũ công operette. Khi Charlie lên bảy tuổi, cha ông mất, mẹ dần dần bị mất tiếng nói, không hát được đành bỏ nghề nên ông đã sớm phải làm lụng để kiếm sống.

Lên chín tuổi ông tham gia một đoàn kịch câm sang Mỹ biểu diễn. Tháng 1-1914, ông bắt đầu đóng những đoạn phim ngắn. Chỉ trong vòng năm năm (1914-1917) ông đóng chừng 75 phim ngắn; đến năm 1919 ông cùng một số bạn bè thành lập Hãng phim United Artist. Thời gian này ông cưới người vợ đầu của mình, bà Mildred Harris (năm 1923 thì ly dị). Năm 1921 ông bắt đầu quay bộ phim truyện dài đầu tiên: Thằng nhóc, tiếp theo là các phim Kẻ hành hương, Dư luận công chúng (phim duy nhất ông không thủ vai nào) và Cơn sốt đi tìm vàng. N

ăm 1924 ông kết hôn với bà Lita Grey, đến năm 1927 thì chia tay. Vụ ly dị dẫn tới những kiện tụng khiến toàn bộ nhà, hãng phim của ông bị tịch biên và cả bộ phim vừa làm của ông là Gánh xiếc cũng mãi đến năm 1928 mới được công chiếu và đã thành công vang dội. Thời kỳ này điện ảnh bắt đầu có tiếng nói, riêng Chaplin vẫn tiếp tục làm phim câm như ông tuyên bố: “Phim có tiếng ư? Không bao giờ! Tôi quan niệm đối thoại ít cần thiết đối với phim cũng như lời nói đối với nhạc của Beethoven vậy”. Nhưng đến khi làm phim Ánh sáng kinh thành những nhà đầu tư đã thuyết phục ông phải áp dụng kỹ thuật mới và ông đành chấp nhận với điều kiện âm nhạc phải do ông tự làm. Bộ phim quay vô cùng vất vả, kéo dài trong 30 tháng trời, có những cảnh phải quay đi quay lại hàng nghìn lần, nhưng bù lại buổi chiếu đầu tiên của phim vào năm 1931 đã hết sức thành công.

Năm 1933 Charlie Chaplin kết hôn với Paulette Goddard rồi cùng vợ chuẩn bị quay bộ phim Thời đại mới. Bộ phim hoàn thành vào năm 1936, gây tranh cãi trong giới phê bình. Sau phim đó hai vợ chồng ông đi du lịch vòng quanh thế giới, có ghé qua VN. Năm 1937 tất cả các phim của Charlie Chaplin bị cấm chiếu ở Đức chỉ vì cái ria mép của anh hề Charlot trông giống bộ ria của gã quốc trưởng.

Nhân sự kiện đó, một người bạn ông gợi ý: tại sao không lợi dụng sự giống nhau đó để làm một phim? Nghe lời bạn, Charlie Chaplin nghiên cứu các kiểu cách, điệu bộ, thói quen của tên độc tài Hitler và bộ phim Tên độc tài đã ra đời năm 1940, một bộ phim châm biếm sâu cay tên trùm phát xít, đồng thời chứa đựng tính nhân văn cao cả cùng khát vọng tự do.

Năm 1947 Charlie Chaplin bị Ủy ban về những hoạt động chống Mỹ buộc tội thân cộng.
Năm 1952 ông cùng người vợ thứ tư là bà Oona từ giã nước Mỹ, sang định cư hẳn ở Thụy Sĩ. Ông trả lại hộ chiếu Mỹ và chỉ trở lại Mỹ 20 năm sau để nhận giải Oscar dành cho toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của mình. Hai bộ phim sau cùng của Charlie Chaplin - Một ông vua ở New YorkNữ bá tước Hong Kong - đều là phim màu, đã không đem lại thành công như những bộ phim đen trắng trước đây của ông. Năm 1975, hai năm trước khi ông qua đời, Charlie Chaplin được nữ hoàng Anh phong tước Sir.

Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, đạt đến tột đỉnh vinh quang, nhưng trái tim của Charlie Chaplin vẫn luôn thuộc về những con người nhỏ bé, bình thường, không có quyền lực gì trong tay ngoài trái tim nồng ấm và lòng nhân hậu. Đến bây giờ, sau khi xem đã không biết bao lần rồi, tôi vẫn thường vừa cười vừa chảy nước mắt khi xem lại những bộ phim hài của ông với nhân vật bất hủ Charlot, người bạn đường thân thiết của biết bao thế hệ khán giả trên Trái đất này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận