26/12/2017 22:16 GMT+7

Thầm lặng giữ khu rừng thiêng

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
HÀ THANH - CHÍ TUỆ

TTO - 22 năm qua, ông Đặng Hồng Cao dành trọn cả tuổi thanh xuân thầm lặng giữ gìn cho khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo - nơi khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Thầm lặng giữ khu rừng thiêng - Ảnh 1.

Ông Đặng Hồng Cao và cánh rừng di tích phía xa. Ông rất vui mỗi khi có khách đến thăm rừng - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ông giữ rừng cho Đại tướng, cho 34 chiến sĩ và giữ gìn cho con cháu mai sau.

Vui nhất là những ngày lễ tết có đông khách, nhìn thấy các cựu chiến binh, các bạn trẻ đến thăm chúng tôi xúc động lắm. Các thế hệ luôn nhớ về nơi khai sinh của quân đội mình

Ông ĐẶNG HỒNG CAO

Khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Vào tới Tam Kim, thấy cả cánh rừng già hiện ra trước mắt.

Slam Cao là nhà, phải giữ nhà!

Thấy khách đến, một người đàn ông chạy ra đón: "Các cháu vào đây uống chén trà cho ấm người, trời rét lắm, rồi lên thắp cho Đại tướng, cho các chiến sĩ nén hương nhé...". 

Ông là Đặng Hồng Cao (57 tuổi, người Dao Tiền, ở Tam Kim), người thầm lặng gắn bó với khu rừng thiêng này suốt 22 năm.

Ông Cao không còn nhớ chính xác ngày đầu tiên ông đặt chân đến trông coi cánh rừng này. Chỉ nhớ đó là một ngày cuối năm 1995, khi đó ông 35 tuổi, tình nguyện xin trông coi khu rừng. Ông làm cái lán và ở đó. 

"Anh Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là cách gọi thân thiết) đặt tên là rừng Trần Hưng Đạo. Từ đó đồng bào Dao Tiền cũng quen gọi. Tôi vinh dự được trông coi rừng cho anh Văn, cho 34 chiến sĩ" - ông Cao tâm tình.

Ông nhớ lại trước đây đồng bào Dao Tiền gọi tên khu rừng là Slam Cao, nghĩa là nhà. Từ khu rừng già này 73 năm trước, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một đội quân áo vải với 34 người cùng nhau tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. 

10 năm sau đó, năm 1954, đội quân áo vải ban đầu 34 người ấy đã làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Đều đặn mỗi ngày, ông dậy sớm cầm chổi, quét dọn lá rừng từ nhà dâng hương đến hệ thống bậc thang dẫn vào các điểm di tích lịch sử hay lên đỉnh Slam Cao cao nhất - nơi trước đây đặt đài quan sát của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ chỉ huy của đội. 

Công việc dù đơn giản nhưng chỗ lá khô vừa quét hôm nay, ngày mai lại ngập lá rụng, bây giờ cũng là thử thách lớn đối với sức khỏe của ông.

Những ngày đầu chỉ có một mình ở khu rừng già không điện, không đường, không nước, ông phải tự làm "công tác tư tưởng" cho chính mình. Ông kể một mình ở lán nghỉ - bếp ăn của đội quân ngày trước, ngày đó hai bên cây cối um tùm, mọc bao trùm cả lán. 

"Nhìn đã thấy sợ, không ai dám vào đây, chưa kể suốt 10 năm liền không có điện, nhiều lúc cũng... đâm chán. Nhưng mình quyết tâm gắn bó với khu rừng, bảo vệ khu di tích này. May mắn là cuối năm 1998 có thêm một người cùng xin vào trông coi rừng, hai anh em luân phiên nhau làm việc, cũng đỡ", ông Cao kể lại.

Nhấp chén trà nóng, ông cười sảng khoái bởi những ngày đầu gian nan, vất vả giữ rừng đã qua. Nay có cả một tiểu ban gồm 10 người trông coi di tích. Bà con Tam Kim cũng luôn ý thức được rừng thiêng Trần Hưng Đạo là nhà, nên cùng giữ gìn và bảo vệ khu rừng. 

Slam Cao là nhà, phải giữ nhà!

Thầm lặng giữ khu rừng thiêng - Ảnh 3.

Lán nghỉ - bếp ăn của 34 chiến sĩ năm xưa. Giờ nơi này là di tích trong quần thể di tích rừng thiêng Trần Hưng Đạo - Ảnh: HÀ THANH

Giữ cho rừng nguyên vẹn

Một mình ở cánh rừng già, có ngày ông Cao ăn qua loa cho xong bữa với nắm rau rừng. Thấy lòng không yên, ông lại đi tuần - cuốc bộ khắp bìa rừng kiểm tra từng gốc cây, những địa danh trong khu rừng thiêng.

Ông Cao xúc động kể năm 2010 ông được đón cụ Tô Đình Cắm - một trong 34 chiến sĩ áo vải năm xưa - quay trở về quê hương Tam Kim, trở về khu rừng già (đấy là sự kiện do báo Tuổi Trẻ tổ chức - NV). 

Ánh mắt ông rưng rưng: "Xúc động lắm! Có ở đây mới thấu được vất vả, gian khổ của các cụ năm xưa hoạt động cách mạng gian nan như thế nào. Tôi gắn bó với khu rừng này, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và mừng vì từ đó đến nay khu rừng di tích vẫn vẹn nguyên để mai sau con cháu còn được tận mắt chứng kiến".

Rồi mắt ông đỏ hoe: ngày 14-7-2017, cụ Tô Đình Cắm, người chiến sĩ cuối cùng trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đã qua đời, hưởng thọ 96 tuổi.

Giờ đây ngoài việc quét dọn, vệ sinh khu di tích, hành trang vào rừng của ông Cao còn thêm giỏ hương, hoa quả và bánh trái, ông đều đặn hương khói ở nhà dâng hương cho Đại tướng và các chiến sĩ. 

Ông nói: "Vui nhất là những ngày lễ tết có đông khách khứa, nhìn thấy các bác cựu chiến binh, các bạn trẻ đến thăm chúng tôi xúc động lắm. Các thế hệ luôn nhớ về nơi khai sinh của quân đội mình".

Tuổi đã cao, giờ ông đau đáu: mai này mình nằm xuống, ai sẽ thay mình giữ khu rừng thiêng nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau...

Lời thề vì nhân dân

Năm 1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng và đồng bào các dân tộc huyện Nguyên Bình, thăm khu rừng. Năm 2013, khu rừng Trần Hưng Đạo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Tại nơi khai sinh ra Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trang trọng đặt tấm bia khắc chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh, danh sách của 34 chiến sĩ áo vải và khắc lên 10 lời thề danh dự mà "anh Văn" đọc từ ngày thành lập.

Trong 10 lời thề đó có lời thề: "Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm 3 điều răn: Không lấy của dân, Không dọa nạt dân, Không quấy nhiễu dân. Và 3 điều nên: Kính trọng dân; Giúp đỡ dân; Bảo vệ dân để gây lòng tin cậy ái đãi đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước".

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên