TTCT - Chuyển đổi số đã nghe nhiều, còn "thâm hụt kỹ thuật số" đã ai hay? Ảnh: cbr.comGiới trẻ Nhật - lực lượng tiêu dùng lớn nhất nước - dành nhiều giờ mỗi ngày trên các nền tảng YouTube Premium, Instagram, Amazon Prime, X, Line và Anime Store.Trong những cái tên trên, chỉ có Line và Anime Store là nền tảng Nhật. Đúng ra, Line cũng chỉ "nội địa một nửa" vì công ty chủ quản là chi nhánh của Naver, gã khổng lồ về cổng thông tin của Hàn Quốc. Điều này cho thấy Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các dịch vụ kỹ thuật số ngoại nhập.Năm 2023, người tiêu dùng và doanh nghiệp Nhật trả 9.200 tỉ yen cho các doanh nghiệp nước ngoài - dưới dạng phí sử dụng dịch vụ đám mây, bản quyền hệ điều hành, nền tảng mạng xã hội, trong khi chỉ thu về 3.700 tỉ yen, theo báo The Yomiuri Shimbun.Chênh lệnh giữa cán cân thương mại 5.500 tỉ yen (gần 34 tỉ USD) này chính là thâm hụt thương mại số (digital trade deficit).Đổ tiền cho nền tảng ngoạiLạc quan mà nói, thâm hụt kỹ thuật số lớn nghĩa là tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, và "đó là một điểm cộng" - báo The Japan Times dẫn lời Kengo Wataya, nhà nghiên cứu tại Mitsubishi Research Institute. Nhưng điểm trừ thì nhiều hơn.So với năm 2014, thâm hụt kỹ thuật số của Nhật năm ngoái đã tăng xấp xỉ 160%. "Sự chảy máu của cải quốc gia do vị thế kém cỏi của Nhật Bản trong lĩnh vực kỹ thuật số đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng" - The Yomiuri Shimbun nhấn mạnh. Sự thâm hụt này còn có thể góp phần làm giảm giá trị đồng yen trong dài hạn, tờ Nikkei Asia dẫn lời các chuyên gia ngoại hối cảnh báo.Nhà kinh tế học Kazuma Kishikawa của Viện nghiên cứu Daiwa cho biết thâm hụt kỹ thuật số của Nhật Bản đã tăng kể từ cuối những năm 2010 và xu hướng này đã tăng tốc sau đại dịch Covid-19. Dự đoán khả năng thâm hụt sẽ còn tăng nữa khi các lĩnh vực mới như AI tạo sinh và công nghệ vệ tinh phát triển.Nguyên nhân chính vẫn là thị trường số trong nước đang bị các gã khổng lồ từ Mỹ chiếm lĩnh. Mitsubishi Research Institute ước tính trong khoảng 3.000 tỉ yen chi cho các nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài năm ngoái, hơn 1.000 tỉ là rót vào túi các hãng Mỹ.Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản, đến năm tài chính 2020, các nhà cung cấp đến từ Mỹ như Amazon Web Services (AWS), Microsoft và Google đã chiếm 50-70% cơ sở hạ tầng và nền tảng số ở Nhật.Nhật - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - lại xếp hạng thấp về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số. Theo World Digital Competitiveness Ranking năm 2023 do Viện Quản lý phát triển quốc tế (IDM) công bố, Nhật Bản chỉ đứng hạng 28, sau Trung Quốc (21), Hàn Quốc (10), Singapore (3), Mỹ (2) và Thụy Sĩ (1).Làm sao dịch chuyển cán cân?Theo Takuya Kamei (Viện nghiên cứu Nomura - NRI), các công ty Nhật thiếu đi sự nhanh nhẹn và linh hoạt vì nhân sự của đất nước mặt trời mọc vẫn cứng nhắc và bảo thủ. Kinh tế gia Kishikawa lại đánh giá nguồn lực công dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào kỹ thuật số để vươn tầm quốc tế còn quá ít. Bản thân các công ty này cần nhiều hỗ trợ về nghiên cứu thị trường và chỉ dẫn hơn.Báo cáo của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Mckinsey chỉ ra rằng Nhật Bản đang mắc kẹt với "hiệu ứng tắc nghẽn". Nghĩa là doanh nghiệp chờ đợi hướng dẫn chuyển đổi kỹ thuật số của chính phủ, chính phủ lại chờ đợi bước đi của doanh nghiệp.Trước tình hình đó, vào hạ tuần tháng 6, Chính phủ Nhật đã ban hành Chương trình Chính sách ưu tiên hiện thực hóa xã hội số (Priority Policy Program for Realizing Digital Society) cho năm tài khóa 2024. Đó cũng là lần đầu tiên cụm từ "thâm hụt kỹ thuật số" được đề cập.Chương trình đề xuất phải có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới đến từ các công ty mới, các doanh nghiệp đang hoạt động phải tìm cách thay đổi hệ thống cũ kỹ, nhanh chóng chuyển đổi công nghệ đám mây và đào tạo nhân tài số để bắt kịp thị trường, nhất là các chuyên gia an ninh mạng để đối phó những cuộc tấn công mạng ngày càng thường xuyên. Chương trình đặt mục tiêu Nhật Bản có 50.000 chuyên gia an ninh mạng được chứng nhận trên toàn quốc vào năm tài khóa 2030, tăng gấp 2,5 lần so với tháng 4-2023.Các mạng xã hội phổ biến ở NhậtTheo báo cáo năm 2022 của Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài Nhật Bản, khoảng 2.000 tỉ yen đã thất thoát do vi phạm bản quyền trực tuyến trong và ngoài nước. Trước mắt, chỉ cần chặn con số thất thoát này thôi cũng có thể tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu kỹ thuật số của Nhật Bản, theo Yayoi Sakanaka, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mizuho Research & Technologies.Nhưng lý tưởng nhất là tận dụng thế mạnh của Nhật - nội dung số, cái mà một quan chức cao cấp của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản gọi là "lá bài tủ để thoát thâm hụt thương mại số", theo Nikkei Asia. Theo Takuya Kamei, Nhật Bản có thế mạnh về các nội dung số như anime và manga (phim hoạt hình và truyện tranh), vì vậy điều cần làm là "thu thập và phân tích dữ liệu người dùng để cải tiến nội dung so với trước đây", thay vì cạnh tranh bằng sở đoản (chẳng hạn AI tạo sinh) với các nước khác.Muốn thu thập dữ liệu người dùng, cần đầu tư xây dựng nền tảng phân phối nội dung, như người Mỹ làm với Netflix và Hàn Quốc với Naver Webtoon. Nghị trình phát triển kinh tế cập nhật tới tháng 6-2024 của Chính phủ Nhật có một mục mới, dành riêng cho việc khuếch trương ra nước ngoài của ngành công nghiệp nội dung. Từ content (nội dung) xuất hiện hơn 80 lần trong tài liệu này.Nội dung số được xem là "tư bản mới" cho kinh tế Nhật. Tờ Nikkei tuần trước (17-8) cho biết mỗi năm Nhật xuất khẩu được 4.700 tỉ yen nội dung, và "mặt hàng" này đang trên đà cao ngang với xuất khẩu bán dẫn (5.700 tỉ) và thép (5.100 tỉ). Có được kế hoạch phát triển công nghiệp nội dung sẽ mang lại giá trị xuất khẩu vượt cả xuất khẩu ô tô (13.000 tỉ yen), từ đó xóa thâm hụt thương mại số, tác giả Yohei Matsuo viết.Thành bại hay không còn phải chờ xem mới biết, nhưng có vẻ Nhật không có "con bài" nào tốt hơn. Mãi tới hôm 28-6 vừa rồi Nhật mới "giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đĩa mềm", tức chính thức ngừng sử dụng thiết bị lưu trữ đã lạc hậu 20 năm trong các hệ thống của chính phủ. Nhìn lại mới thấy Nhật Bản nổi tiếng với các sản phẩm điện tử hữu hình như Sony Walkman hay Nintendo Switch hơn là kinh tế số.---Câu chuyện nước Nhật có thể là bài học tham khảo cho nhiều nơi khác. Nói như Kenji Kushida, người đứng đầu Sáng kiến đổi mới Nhật Bản - Thung lũng Silicon thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, thâm hụt kỹ thuật số vì phụ thuộc quá nhiều vào các ông lớn công nghệ nước ngoài (mà chủ yếu là Mỹ) là chuyện "không phải vấn đề của riêng Nhật Bản". "[Đó là] sự thống trị tuyệt đối của các nền tảng toàn cầu của Mỹ, một phân khúc nhỏ của nền kinh tế Mỹ nhưng lại chinh phục tất cả mọi người" - ông nói với Nikkei.Dù sao Nhật còn có "bài tủ" và đường hướng đi tiếp. Những thị trường khác, quả là phải nhìn lại, xem trong tay có gì. Tags: Nhật bảnCông nghệPhát triển công nghệThâm hụt thương mại
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.