02/10/2016 09:16 GMT+7

​Xem The tunnel, Deepwater Horizon nghĩ về sinh tồn và nhân tính

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - The tunnel (Đường hầm) của điện ảnh Hàn Quốc 
và Deepwater Horizon (Thảm họa giàn khoan) của Mỹ là hai bộ phim lớn về đề tài thảm họa.

Ha Jung Woo (phim The Tunnel)
Ha Jung Woo (phim The tunnel)

Nếu bộ phim của Hàn hư cấu, được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết thì bộ phim của Mỹ dựa theo một sự kiện có thật mới xảy ra năm 2010.

Nhưng dù vậy, cả hai phim (đang chiếu tại các rạp ở Việt Nam) đều thực hiện khá thành công một “phép thử” về sinh tồn và nhân tính, không chỉ của những nạn nhân trực tiếp của những thảm họa đó...

Một vụ sập hầm và sức mạnh của sinh tồn

Với Đường hầm, bộ phim thu hút hơn 7 triệu lượt khán giả và đứng thứ tư trong bảng xếp hạng phim ăn khách nhất năm nay ở Hàn Quốc, ta được trải nghiệm điện ảnh một câu chuyện thảm họa qua một cách kể vừa cảm động, vừa hài hước và đặc biệt là châm biếm xã hội và truyền thông của nước này một cách khéo léo.

Lee Jung Soo (Ha Jung Woo đóng) là một người đàn ông bình thường, trở về từ sở làm với một chiếc bánh để chúc mừng tiệc sinh nhật cô con gái nhỏ. Nhưng khi lái xe vào đường hầm xuyên qua lòng núi, cả đường hầm sụp đổ.

Hồi tỉnh sau cơn chấn động, Lee phát hiện mình đang mắc kẹt trong chiếc xe của mình và bị bao quanh bởi đống bêtông khổng lồ. Lee chỉ có một chiếc điện thoại còn 85% dung lượng pin, hai chai nước nhỏ và chiếc bánh sinh nhật của cô con gái nhỏ.

Biên kịch và đạo diễn Kim Seong Hun, với chất liệu có sẵn từ một cuốn tiểu thuyết, đã chứng tỏ khả năng kể chuyện và dàn dựng một bộ phim về đề tài thảm họa rất hiệu quả.

Dùng từ hiệu quả có lẽ là chính xác nhất để nói về khả năng lôi cuốn người xem và qua đó làm bật lên sức mạnh của con người khi đơn độc chống chọi trước thần chết ở bên dưới và sự phản ứng của chính quyền và xã hội ở bên trên.

Ở bên dưới đường hầm bị sập, trong một không gian nhỏ hẹp, Lee Jung Soo bộc lộ những phẩm chất của một người đàn ông quả cảm, kỹ năng sinh tồn và tinh thần lạc quan. Khi phát hiện trong đường hầm còn có một nạn nhân khác, Lee phải bò đi bò lại giữa hai chiếc xe, giữa những khe hở của cánh quạt thông gió, chia sẻ nước uống cho một người phụ nữ và thậm chí cả chú chó của cô ta. Lee hợp tác với đội giải cứu bên ngoài, động viên vợ với dung lượng pin của chiếc điện thoại càng lúc càng tụt dần...

Còn ở bên ngoài, ta thấy cả một xã hội Hàn Quốc chia rẽ trước vụ thảm họa này. Bà bộ trưởng, trước sức ép của dư luận, vẫn luôn tỏ ra phải giải cứu người bị nạn bằng mọi giá, truy cứu trách nhiệm những kẻ gây ra thảm họa.

Đội cứu hộ nhiệt tình đào một đường ống xuyên từ trên núi qua lòng đất. Truyền thông đưa tin từng giờ từng phút...

Nhưng khi vụ giải cứu kéo dài và... không có kết quả vì đội cứu hộ cho biết đường ống xuyên núi bị sai địa điểm, một công nhân cứu hộ bị tai nạn qua đời, chiếc điện thoại của nạn nhân đã hết pin và không biết sống chết thế nào khi vụ thảm họa đã kéo dài quá 20 ngày, tất cả bắt đầu nguội lạnh và thậm chí quay ngược lại chống... nạn nhân.

Anh ta có đáng để cả xã hội phải tiêu tốn tiền bạc giải cứu, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng người khác?

Chỉ còn lại ba người vẫn không từ bỏ hi vọng. Nạn nhân Lee, dù sức tàn lực kiệt vẫn chống chọi đến cùng; vợ anh ta, dù không biết chồng mình sống chết thế nào vẫn động viên và thuyết phục chồng qua bản tin của radio - phương tiện duy nhất trong chiếc xe mà người chồng kết nối thông tin được với thế giới bên ngoài; và cuối cùng là đội trưởng đội cứu hộ, người bằng trách nhiệm và lương tâm của mình bằng mọi giá phải giải cứu nạn nhân, cho dù anh ta phải đi ngược lại mệnh lệnh của cấp trên và sự vô cảm của kẻ khác...

Ha Jung Woo (phim The tunnel) và Mark Wahlberg (Deepwater Horizon) - hai diễn viên chính mang lại “sức mạnh của sinh tồn và nhân tính” trong hai bộ phim về đề tài thảm họa của Hàn Quốc và Mỹ Ảnh: IMDB
Mark Wahlberg (Deepwater Horizon) - Ảnh: IMDB

Thảm họa trên biển và sức mạnh của nhân tính

Deepwater Horizon, nhan đề của bộ phim bom tấn Hollywood, lấy đúng tên của vụ thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải nước Mỹ - thảm họa tràn dầu trên giàn khoan ngoài khơi bang Louisiana vào ngày 20-4-2010 khiến 11 người thiệt mạng và hơn 50.000 thùng dầu thô tràn ra vịnh Mexico trong suốt 87 ngày.

Được đầu tư kinh phí lên tới 156 triệu USD, bộ phim về thảm họa này có tầm vóc của một phim bom tấn kiểu Mỹ, dưới khả năng đạo diễn của Peter Berg và diễn xuất của những ngôi sao thực lực, trong đó nổi bật nhất là vai nam chính Mark Wahlberg, người cộng tác chung với đạo diễn Peter Berg trong hai phim hành động thành công trước đây.

Dù được hỗ trợ tối đa bởi CGI, kỹ xảo được tạo ra nhờ máy tính, sự thuyết phục của bộ phim này nằm ở bối cảnh khi một giàn khoan có độ lớn bằng tới 85% giàn khoan có thật được dàn dựng tại phim trường.

Nó đem đến cho người xem một trải nghiệm có thật (và đồng thời ngốn kinh phí của bộ phim) về một giàn khoan có độ rộng của một sân bóng đá, cao bằng tòa nhà 25 tầng và thậm chí còn có cả phòng tập gym và rạp chiếu phim cho công nhân giữa biển khơi.

Nhưng sức mạnh của công nghệ, của tiền bạc và con người không bao giờ chống chọi được với thảm họa khi nó xảy ra.

Vào ngày định mệnh 20-4-2010 đó, một tai nạn liên hoàn dẫn đến vụ nổ kinh hoàng và biến giàn khoan Deepwater Horizon trở thành ngọn đuốc sẵn sàng thiêu cháy bất cứ thứ gì mà nó lan tới, nhất là nó lại được “trợ lực” bởi áp suất và lượng dầu lớn khai thác dưới đáy sâu của biển đang phun trào.

Và trong thảm họa kinh hoàng đó, vốn đã được báo chí tường thuật và mô tả rất kỹ, qua bộ phim điện ảnh của Peter Berg và diễn xuất chân thực của dàn sao, ta được chứng kiến một câu chuyện khác, câu chuyện của nhân tính trong thảm họa.

Một cảnh cao trào trong Deepwater Horizon
Một cảnh cao trào trong Deepwater Horizon - Ảnh: IMDB

 

Mark Wahlberg vào vai Mike Williams, kỹ sư trưởng của giàn khoan, trong thời điểm xảy ra thảm họa anh đang nói chuyện với vợ qua màn hình máy tính. Kurt Russell vào vai Jimmy, quản lý của giàn khoan, còn đang tắm sau một ngày làm việc căng thẳng...; vụ nổ khiến họ bị thương. Nhưng ngay khi hồi tỉnh, họ lao vào đám cháy hay tìm kiếm những nạn nhân sống sót trong đống đổ nát ngay khi tính mạng của họ cũng khó được bảo toàn.

Mike thậm chí còn đưa một nạn nhân bị thương nặng lên thuyền giải cứu, còn bản thân anh tiếp tục đi tìm những nạn nhân khác...

Bộ phim của Peter Berg, nhờ cách khai thác chiều sâu nhân vật một cách giản dị mà không phô trương, cảm động mà không cố tình lấy nước mắt khán giả, mô tả những con người bình thường nhưng trong thảm họa trở nên phi thường thật sự để lại những cảm xúc cho người xem.

The tunnel Deepwater Horizon, hai bộ phim khác nhau của hai nền điện ảnh khác nhau, đều chia sẻ chung một câu chuyện về sức mạnh của sinh tồn và nhân tính của con người trong thảm họa

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên