Thảm họa nhân tạo và khủng hoảng danh tiếng

TRUNG KIÊN 06/05/2016 22:05 GMT+7

TTCT - Vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, có thể được coi là một thảm họa, kèm theo các khủng hoảng danh tiếng cho những bên liên quan chính đã xảy ra trong suốt mấy tuần qua với các hệ lụy khá nghiêm trọng.

Sau sự cố cá chết hàng loạt, người dân đã e ngại ăn cá. Đến ngày 1-5 các tàu cá về cảng sông Gianh, Quảng Bình, được người mua đón nhận-Lam Giang
Sau sự cố cá chết hàng loạt, người dân đã e ngại ăn cá. Đến ngày 1-5 các tàu cá về cảng sông Gianh, Quảng Bình, được người mua đón nhận-Lam Giang

Theo Liên Hiệp Quốc, thảm họa là một hay nhiều sự kiện bất thình lình xảy ra làm đảo lộn các cấu trúc và hệ thống vận hành xã hội hay cộng đồng, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phương tiện dịch vụ sống cơ bản trên bình diện rộng lớn, đến mức vượt quá khả năng đối phó của cộng đồng bị ảnh hưởng.

Một thảm họa thường được xem xét trên khía cạnh quy mô và tầm ảnh hưởng của nó. Với vụ cá chết ở miền Trung, về quy mô thì thảm họa này xảy ra trên vùng biển của một loạt tỉnh duyên hải miền Trung và ảnh hưởng của nó cho đến nay là rất rõ ràng với những biểu hiện đậm nét về những thay đổi môi trường sống lẫn tâm lý hoang mang của người dân cả nước.

Cá chết và nhiễu loạn thông tin

Đã có hàng nghìn bức ảnh cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước hay trên bãi cát trắng dọc ven biển miền Trung được chia sẻ và phát tán trên cả báo chí chính thống lẫn truyền thông xã hội.

Trên các diễn đàn trực tuyến, người ta đã bàn tán về các khía cạnh chính trị xã hội của thảm họa này với những ám chỉ và suy luận gây lo lắng, bi quan nhiều hơn là những lời động viên hỗ trợ nhau - vốn là điều cần thiết hơn khi thảm họa xảy ra.

Có hai hình thức thảm họa dựa trên nguyên nhân thảm họa là do thiên nhiên hoặc do con người gây ra. Hiện do chưa có kết luận rõ ràng từ cơ quan chức năng nên chưa thể nói được đây là thảm họa tự nhiên hay thảm họa nhân tạo.

Tuy nhiên, với việc nhiều người dân liên hệ nguyên nhân cuộc khủng hoảng với chất thải công nghiệp từ Công ty Formosa, mọi ngón tay đều đang chỉ vào nguyên nhân thảm họa nhân tạo. 

Và như mọi thảm họa nhân tạo khác, chừng nào chưa có thông tin thuyết phục về nguyên nhân gây ra thảm họa, công chúng sẽ vẫn tin vào mối liên hệ này.

Như nhiều vụ thảm họa nhân tạo trước đây xảy ra trên khắp thế giới như vụ tấn công khủng bố 11-9 ở Mỹ hay các thảm họa dầu loang ở biển, đi kèm theo thảm họa là các sự cố khủng hoảng danh tiếng và khủng hoảng niềm tin của công chúng đối với các bên liên quan chính, trong đó chính quyền địa phương và trung ương là các nhân tố chính được trông đợi chèo lái con thuyền qua những cơn sóng dữ.

Nếu các cấp chính quyền không đáp ứng được mong đợi của công chúng, khủng hoảng danh tiếng là điều khó tránh khỏi kéo theo sự mất mát về niềm tin, những tin đồn và suy diễn thất thiệt ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của thể chế cầm quyền.

Những người đứng đầu của bộ máy công quyền do đó sẽ được trông đợi là đứng mũi chịu sào lãnh đạo và vận dụng các nguồn lực hiệu quả nhất để vừa khắc phục sự cố thảm họa vừa đảm bảo danh tiếng của chính quyền.

Truyền thông để quản lý thảm họa

Cũng theo Liên Hiệp Quốc, quản lý thảm họa là “một loạt các hoạt động được lập ra nhằm duy trì khả năng theo dõi các diễn tiến của thảm họa và các tình huống khẩn cấp, trong đó hoạt động hỗ trợ người dân tránh khỏi nguy hiểm và phục hồi từ những ảnh hưởng của thảm họa”.

Nói cách khác, với thảm họa thì sự chú ý tập trung vào xử lý hậu quả thảm họa, trấn an người dân kèm theo các hoạt động khắc phục tức thời có hiệu quả. Và để trấn an người dân, điều đặc biệt mà chính quyền cần lưu ý là truyền thông với người dân. Nếu hoạt động truyền thông không được coi trọng, khủng hoảng danh tiếng là điều khó tránh khỏi.

 Thất bại trong truyền thông với công chúng sẽ dẫn đến thất bại trong quản lý khủng hoảng danh tiếng.


Chính quyền thường đưa ra những thông điệp chung chung do phụ thuộc vào các quy trình kết quả điều tra thảm họa, trong khi công chúng mong muốn thông tin càng sớm càng tốt. Bởi thảm họa thường tạo ra những cú sốc về tâm lý mà chỉ có những thông tin rõ ràng mới có thể phần nào giải tỏa tình trạng mập mờ của những gì đang xảy ra.

Trong truyền thông thảm họa nhân tạo thường có khoảng cách khác biệt giữa những gì các cấp chính quyền muốn chuyển tải đến công chúng và những gì công chúng muốn nghe từ chính quyền.

Chính phủ Malaysia đã lâm vào tình trạng này trong vụ máy bay MH370 mất tích khi bị chỉ trích là đưa ra thông tin nhì nhằng thiếu chính xác, tạo điều kiện cho các suy đoán vô căn cứ và các thuyết âm mưu. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Malaysia.

Vì sao thông tin nhiễu loạn?

Trở lại vụ cá chết ở miền Trung, có thể thấy ngay các bên liên quan chính cần xử lý khủng hoảng qua truyền thông bao gồm chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và Công ty Formosa. Trong khi đó, do tính chất của thảm họa, Chính phủ trung ương và chính quyền các tỉnh lân cận cũng sẽ được mong đợi có những động thái và thông điệp cho nhân dân cả nước bởi quy mô của thảm họa cá chết đã vượt ra phạm vi địa phương.

Theo những phân tích diễn tiến toàn cảnh của thảm họa, từ khi bản tin cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh lần đầu tiên xuất hiện đến hơn một tuần sau khi tin tức cá chết ở các tỉnh lân cận liên tục xuất hiện, chính quyền địa phương vẫn chưa có một động thái thông tin chính thức nào với người dân, cho đến khi các cơ quan trung ương vào cuộc.

Sau đó, do không có thông tin về nguyên nhân thảm họa cũng như thông tin về kế hoạch hành động tìm nguyên nhân khắc phục thảm họa từ chính quyền nên người dân khu vực Vũng Áng đã phải tự hành động. Một số ngư dân đã tự trang bị phương tiện lặn tìm và phát hiện ống xả chất thải từ nhà máy Formosa.

Một ngư dân đã tử vong sau khi tham gia lặn tìm kiếm nguyên nhân. Kết cục đau lòng này làm xói mòn lòng tin vào cơ quan được chờ đợi phải đứng ra xử lý vụ việc.

Hơn hai tuần sau, khi tin đồn và sự ức chế đã lên đến đỉnh điểm với các bài viết, bài thơ, câu hát trút nỗi giận vào mối nghi vấn Formosa và chính quyền được đẩy lên cao trào, lúc đó mới có các động thái truyền thông giải quyết khủng hoảng.

Những động thái này, tiếc thay, lại như đổ thêm dầu vào lửa. Trong khi người phát ngôn của Formosa gây ra cơn bão dư luận như nhiều người biết, cơ quan được chọn phát ngôn cho chính quyền trung ương lại có một cuộc họp báo “kỳ quặc” trong 8 phút. Kết quả là báo chí chưng hửng, thuyết âm mưu được phen phát tán, cá thì vẫn chết và người dân vừa tiếp tục ta thán vừa bắt đầu dự trữ nước mắm, muối, tìm kiếm các giải pháp tình thế khác để thay thế nguồn thực phẩm từ hải sản.

Trong khi đó, tâm điểm của vụ khủng hoảng này là chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có những động thái và phát ngôn gì để thông tin với người dân cả nước? Báo chí dẫn tin người đứng đầu tỉnh khuyên người dân địa phương cứ tiêu thụ cá - điều chỉ làm họ thêm tức giận.

Ngoài ra, không có thông điệp nào đáng kể từ tỉnh. Cũng trong thời gian này, không có hình ảnh nào về các cấp lãnh đạo ra tận hiện trường thị sát vụ việc. Với tầm ảnh hưởng của thảm họa này, người dân sẽ luôn mong đợi lãnh đạo cao cấp nhất trực tiếp chỉ đạo.

Điều này thể hiện sự đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc, sự quan tâm và lo lắng của chính quyền với dân. Việc cử quan chức cấp thấp hơn sẽ đồng nghĩa với việc ám chỉ mức độ thảm họa là không nghiêm trọng.

Để truyền thông giải quyết khủng hoảng hiệu quả, thời nay không ai có thể bỏ qua kênh thông tin mạng xã hội. Các cấp chính quyền khắc phục thảm họa cần duy trì sự hiện diện của mình trên mạng xã hội - nơi tập trung rất nhiều người dân tham gia trao đổi thông tin và thảo luận về khủng hoảng.

Việc theo dõi các thông tin mạng xã hội cũng giúp cơ quan khắc phục thảm họa theo dõi và đánh giá mức độ dư luận để có các thông điệp kịp thời, nhất là để chỉnh sửa các suy đoán vô căn cứ có thể bị đẩy lên thành tin đồn và thuyết âm mưu. Tiếc thay với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, có vẻ như họ đã không tận dụng được kênh thông tin rất phổ biến này.

Cho đến những ngày gần đây, có vẻ như các bên liên quan đã thấy được tính chất nghiêm trọng của vụ việc cũng như vai trò của các lãnh đạo trong việc truyền thông đến người dân. Lãnh đạo trung ương đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo và lãnh đạo địa phương đã có những động thái mang tính biểu tượng như ăn cá, tắm biển.

Các bản tin báo chí đã chứa nhiều hơn những kế hoạch hành động của chính quyền. Giá như những điều này được làm quyết liệt hơn, kịp thời hơn thì dù thảm họa có xảy ra thì uy tín chính quyền vẫn được duy trì và có thể được nâng cao hơn nữa. Các cá nhân lãnh đạo cũng có cơ hội để thể hiện khả năng lãnh đạo và thuyết phục công chúng của mình, củng cố lòng tin của họ vào bản lĩnh người lãnh đạo cũng như cam kết của cơ quan mà họ đứng đầu.

Trong lịch sử, con người đã trải qua các biến động môi trường xã hội tự nhiên và nhân tạo có ảnh hưởng trên quy mô rộng lớn. Thời gian qua đi và môi trường có thể dần được phục hồi nhưng lòng tin thì không có nhiều cơ hội để phục hồi như vậy.

Mà lòng tin là điều không thể thiếu được giữa các thiết chế trong một xã hội. Khi một thảm họa xảy ra, bên cạnh các hậu quả không mong đợi, nó cũng là cơ hội và thách thức cho việc gây dựng và duy trì lòng tin, điều có thể đạt được qua việc coi trọng công tác cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và kịp thời của các bên có liên quan.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận