Thảm họa Losharik và tàu ngầm hạt nhân bí mật nhất thế giới

TƯỜNG ANH 12/07/2019 22:07 GMT+7

TTCT - Trang web của Điện Kremlin ngày 5-7 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh trao giải thưởng nhà nước Liên bang Nga cho 14 thủy thủ hi sinh ngày 1-7-2019 khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Danh hiệu anh hùng truy tặng cho bốn sĩ quan, và huy chương dũng cảm truy tặng 10 sĩ quan còn lại.

Kết cấu tàu Losharik. Ảnh: fleetmon.com
Kết cấu tàu Losharik. Ảnh: fleetmon.com

Sắc lệnh không ghi rõ các sĩ quan này đã hi sinh ở đâu, trong những hoàn cảnh nào, cho thấy yếu tố tuyệt mật của tình huống. Trước đó ngày 4-7, cũng trên trang web Điện Kremlin, cuộc trao đổi giữa ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cho biết tai nạn có liên quan đến một “thiết bị năng lượng hạt nhân”, và “thủy thủ đoàn đã thực hiện tất cả các hoạt động cần thiết để bảo vệ thiết bị” vẫn “trong trạng thái duy trì đầy đủ khả năng hoạt động, giúp chúng tôi hi vọng khôi phục thiết bị trong một thời gian khá ngắn”.

Địa điểm thảm họa chỉ được nêu là “trong hải phận nước Nga”, còn “thiết bị” được đề cập hiện đã nằm ở căn cứ hải quân Severomorsk, bên bờ biển Barents.

Truyền thông Nga nói gì?

Ngôn ngữ quốc phòng và ngoại giao đương nhiên không đủ giải tỏa hết những thắc mắc của công luận liên quan đến tai họa. Truyền thông Nga, qua các nguồn tin riêng, đã giới thiệu một bức tranh cụ thể hơn.

Những tin tức đầu tiên về thảm họa xuất hiện trên ấn bản điện tử Murmansk “SeverPost” ngày 1-7. Dẫn nguồn các ngư dân đang đánh bắt cá tại lối ra vịnh Kola (biển Barents), vào khoảng 21h30, một tàu ngầm lớn đã nổi lên trên mặt biển, nơi một tàu chiến và hai tàu kéo sớm xuất hiện.

Các ngư dân thấy cảnh người ta chạy hối hả trên các boong tàu, trong khi quân đội địa phương cho biết tàu ngầm nổi lên ở vịnh nhỏ Ur “không báo trước”. Sau đó, tàu ngầm với sự hộ tống của các tàu còn lại đã xuôi về vịnh Olen. Người dân địa phương khẳng định họ không thấy dấu hiệu hỏa hoạn nào.

“Tàu chạy rất nhanh, nên chúng tôi kháo nhau là không phải tai nạn, một khi tàu đi rất nhanh, suôn sẻ, không có khói. Thế nhưng sau đó chúng tôi nghe nói có người thấy người ta đỡ thi thể người xuống ở vịnh Ur”. Tuy nhiên, bản tin đã bị gỡ xuống vài giờ sau và tổng biên tập cổng thông tin này nói họ được yêu cầu phải đưa theo các nguồn tin chính thức.

Một ấn bản khác ở Saint Peterburg là Fontanka.ru thông báo sẽ truyền trực tiếp cuộc trò chuyện của quyền thống đốc Murmansk Andrey Chibis với thân nhân các thủy thủ. Tuy nhiên, sau đó việc phát sóng trực tiếp không thực hiện được: trang web thông báo họ bị từ chối quyền truy cập.

Dẫn nguồn tin quân đội, Hãng tin RBK cho biết thảm họa xảy ra vào 20h30 ngày 1-7, trên thiết bị lặn của tàu ngầm hạt nhân thuộc dự án 10831, còn có tên là Losharik, thủy thủ đoàn hi sinh thuộc thiết bị lặn này.

Nguyên nhân chính thức cái chết của 14 thủy thủ, được Bộ trưởng Shoigu thông tin cho báo giới, là do ngạt khói, nhưng nguyên nhân vụ cháy lại không được nêu. Trả lời TASS, ông Shoigu nói các thủy thủ hi sinh đã hành động dũng cảm trong tình huống nguy cấp: khi khoang lặn chìm trong lửa, các thủy thủ đã “cho sơ tán trước các đại diện dân sự trên tàu ngầm, tự đóng cửa khoang để khống chế ngọn lửa, còn chính họ chiến đấu và trả giá bằng mạng sống để dập tắt ngọn lửa, cứu mạng đồng đội và bảo vệ tàu ngầm”.

Newsru dẫn nguồn tin không nêu tên cho biết nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện ở khoang chứa pin, còn kênh Telegram Vaza cho rằng trước khi cháy có thể đã xảy ra một vụ nổ, do một số thủy thủ sống sót, ngoài việc ngạt khói, còn được chẩn đoán chấn thương. Tuy nhiên, danh tính các thành viên sống sót cũng được giữ tuyệt mật. Đến nay số lượng và danh tính toàn bộ thành viên trên Losharik vẫn chưa được công khai, trừ 14 thủy thủ hi sinh.

Tờ Kommersant dẫn nguồn tin am hiểu biệt đội cho biết thiết bị mà tờ báo này gọi là “trạm hạt nhân AS-31” khi đó “đang hoàn thành một nhiệm vụ tác chiến trong bãi tập của Hạm đội Phương Bắc ở gần lối ra vịnh Kola trên biển Barents”.

Các thủy thủ đang trong trình tự công tác: vào 19h, ca ba của các chuyên gia lặn đi dùng bữa tối, và vào 20h ở điểm chính của trạm AS-31 sẽ đổi trực, các sĩ quan đã trực 4 tiếng sẽ đi nghỉ và ca trực cuối trong ngày vào thay. Như vậy, vào lúc xảy ra hỏa hoạn, phần lớn thủy thủ ở trong các khoang được gọi là “sinh hoạt”, cách xa điểm trực và khoang công việc của trạm.

Vào lúc đó, theo giả thiết của nguồn tin này, đã xảy ra chập điện ở một trong các bảng phân phối điện AS-31 nằm trong các khoang. Tàu sử dụng điện áp tiêu chuẩn là 380 Volt, nhưng một số thiết bị sử dụng dòng điện lên tới 1.000 Ampe (để so sánh, dòng điện trong các căn hộ thành phố giới hạn ở mức 32 Ampe, hay thậm chí chỉ 25 Ampe).

Với dòng điện lớn, việc chập mạch ngắn trong các bảng điện có thể gây ra một vụ nổ lớn phá hủy các bảng điện và gây thương tích cho những người gần đó. Hậu quả là vỏ dây cáp hoặc dầu máy biến áp có thể đã bốc cháy, và khói theo hệ thống thông gió lan sang các khoang. Khí độc từ vụ hỏa hoạn trong một không gian khép kín có thể gây bất tỉnh chỉ trong vài giây.

Sứ mệnh bí mật của Losharik

Losharik là tên không chính thức của tàu ngầm hạt nhân tuyệt mật AS-31. Nó được các thủy thủ gọi theo tên một nhân vật hoạt hình nổi tiếng thời Xô viết - chú ngựa làm từ các quả cầu (ghép từ “loshad”: “ngựa” và “sharik”: “quả cầu nhỏ”), bởi các khoang chịu áp lực của tàu ngầm được thiết kế như 7 quả cầu bằng titan, nối với nhau bằng các lối đi.

Hai trong 7 khoang dành cho động cơ, các khoang còn lại cho thủy thủ và thiết bị. Do cấu trúc đặc biệt, Losharik có ít không gian cho thủy thủ nhưng có độ bền tốt hơn tàu ngầm thông thường. Theo phân loại chính thức của hải quân Nga, tiền thân của Losharik là AS-12, được gọi là “trạm hạt nhân dưới biển”.

Do đặc tính kỹ thuật, Losharik không thể hoạt động độc lập nhiều ngày dưới đáy biển, nên Nga đã thay đổi tàu mẹ BS-136 Orenburg (có tin nói là BS-64 Podmoskovye), loại bỏ 16 khoang chứa tên lửa đạn đạo trên tàu để lấy chỗ chứa tàu ngầm con Losharik, đưa Losharik đi trên những hải trình dài.

Theo báo Moskovsky Komsomolets, trên thế giới, “tàu ngầm tương tự Losharik hiện chỉ có ở Mỹ, nhưng cũng đã lạc hậu”. Mô hình thử nghiệm kiểu này của tàu ngầm Mỹ được xuất xưởng năm 1969, có tên “tàu ngầm điệp viên” NR-1.

Còn AS-12 của Nga được thiết kế từ thập niên 1980, bị đình trệ vào thập niên 1990 do điều kiện tài chính và chỉ được nối lại đầu những năm 2000. AS-12 được cho là có thể lặn sâu tới 6.000m (con số chưa kiểm chứng), rất hiệu quả để sử dụng trong công tác cứu hộ và trinh sát dưới biển sâu.

Dài 79m, rộng 7m, lượng giãn nước toàn tải 2.000 tấn, vận tốc tối đa 30 hải lý (56km/h). Trên các khoang của tàu ngầm này có thể chứa 20 người (có nguồn nói 25 người) và dưỡng khí đủ cho hơn một tháng hoạt động độc lập.

Không có thông tin gì về chức năng quân sự của AS-31: nó là tuyệt mật. Người ta chỉ biết Losharik là tàu lặn êm và bất khả xâm phạm nhất trong hạm đội Nga. Mặc dù được biên chế cho Hạm đội Phương Bắc, nhưng chỉ huy nó lại là Tổng cục Nghiên cứu biển sâu của Bộ Quốc phòng Nga (GUGI, cơ quan được báo Đức Spiegel gọi là “hạm đội thứ hai của nước Nga”, chuyên thực hiện các hoạt động do thám kiểu James Bond).

Losharik có thể di chuyển trên đáy biển bằng bánh xe, hoàn toàn không thể nhận ra đối với các cảm biến âm thanh. Theo các thông tin chính thức, Losharik không mang trong nó bất kỳ loại vũ khí nào.

Ấn bản điện tử Dni dẫn lời Viện Hải quân Hoa Kỳ nói Chính phủ Nga đang sử dụng Losharik nhằm mục đích mở rộng yêu sách lãnh thổ của Nga dưới đáy Bắc Băng Dương. Còn theo Spiegel, kết nối Internet giữa châu Âu và Hoa Kỳ được thực hiện qua khoảng 20 sợi dây cáp thủy tinh chạy qua đáy đại dương và gần đây NATO đã bày tỏ quan ngại về việc xuất hiện tàu ngầm Nga gần các kênh dữ liệu quan trọng này.

Spiegel viết: “Nguy cơ là rõ ràng: ai có thể tiếp cận các động mạch kỹ thuật số đều có thể do thám, nhưng trước hết, nó có thể gây thiệt hại hàng tỉ đôla”. Theo bài báo, các tàu ngầm Nga loại này được sử dụng cho các sứ mệnh đặc biệt để thu thập thông tin từ đáy biển, tạo cơ sở hạ tầng ở đó, ví dụ cài đặt các cảm biến nghe lén. Vì lý do này mà vào tháng 6-2018, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt công ty trụ sở tại Saint Petersburg DiverTechnoService, nơi sản xuất và bảo trì thiết bị nghiên cứu dưới nước.

Riêng Lầu Năm Góc đã gọi Losharik là “thiết bị phá hoại” bởi nó dành cho việc lắp đặt các thiết bị để phá hủy cơ sở hạ tầng dưới nước, chủ yếu là cáp thông tin liên lạc. Theo các nhà phân tích Hoa Kỳ, trong trường hợp xảy ra xung đột toàn cầu, Losharik có khả năng phá hủy cáp liên lạc chính giữa các châu lục.

Theo Dni, quân đội Hoa Kỳ đã “để mắt” đến Losharik từ năm 2016. AS-12 được nhắc đến trong báo cáo của Bob Brunner, kỹ sư trưởng của bộ phận khoa học và công nghệ thuộc Bộ chỉ huy hàng không vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ chỉ huy Phương Bắc của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

Báo cáo nêu ra những phương hướng mà quân đội Hoa Kỳ quan tâm trong giai đoạn 2018 - 2022, trong số đó có việc “theo dõi những gì đang xảy ra dưới mặt biển và cải tiến những phương tiện có khả năng phát hiện vật thể dưới nước”. Phương hướng này sau đó được minh họa bằng hai hình ảnh, mà một là tàu ngầm tuyệt mật của Nga. Chú thích dưới ảnh chụp tàu ngầm AS-12 là: “Phát hiện, theo dõi các mục tiêu đen tối”.

Tang lễ cho 14 thủy thủ hi sinh đã được tổ chức ngày 4-7 tại nghĩa trang Serafimov của Saint Petersburg. Các sĩ quan ưu tú của hạm đội Nga đã được chôn cất đối diện với đài tưởng niệm 118 thủy thủ của tàu Kursk - những người đã bỏ mình khi thi hành nhiệm vụ năm 2000.■

Lần đầu tiên truyền thông biết về AS-31 là cuối năm 2012, sau khi tàu ngầm Losharik tham gia cuộc thám hiểm Bắc Cực 2012. Trong 20 ngày, trạm biển Losharik đã thu thập các mẫu đất đá ở độ sâu đến 3km, sâu hơn nhiều so với khả năng của một tàu ngầm thông thường. Kết quả cuộc thám hiểm là việc Nga đệ đơn lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật biển để mở rộng quyền kiểm soát vùng cực của Nga.

Sự bí ẩn của vụ việc cũng đã khiến xuất hiện không ít thuyết âm mưu trên Internet. Blogger Irek Murtazin nhắc tới cuộc tập trận NATO mang tên Mangoose ở gần bờ biển phía bắc Na Uy, với sự tham gia của các tàu nhiều nước trong khối. Blogger này đặt nghi vấn: “Có lẽ thủy thủ đoàn Losharik được lệnh ra biển quan sát cuộc tập trận NATO, nhưng có gì đó không ổn đã xảy ra...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận