Chữa lành là nhu cầu chính đáng khi đối mặt với tổn thương tâm lý và muốn cải thiện sức khỏe tinh thần. Tò mò và hy vọng sớm khâu vá vết thương tâm hồn, nhiều người trẻ chấp nhận bỏ một khoản tiền ra để tham gia.
Nắm bắt nhu cầu này, nhiều chương trình, khóa học chữa lành mọc lên như nấm sau mưa với đủ hình thức và đa số mức học phí cũng không rẻ, còn chất lượng thì theo kiểu thượng vàng hạ cám.
Vừa tổn thương, vừa mất tiền vì chữa lành
Lê Thị Nhi (26 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết cuối năm ngoái, sau khi trải qua thời gian stress nặng nề do mất việc làm và gia đình có chuyện lục đục, cô tìm đến một khóa học chữa lành được quảng cáo là "quản lý cảm xúc, giúp bạn thoát khỏi tình trạng tiêu cực, biết buông bỏ điều không như ý, thấu hiểu bản thân".
Không nhiều tiền, Nhi chọn học lớp online 6 buổi với giá 2 triệu đồng.
"Mỗi tuần học một buổi. Tôi với mấy người khác ngồi nghe giảng qua máy tính, có lúc được kêu ngồi thiền, hít thở sâu để suy ngẫm, nhưng mấy cái được giảng toàn là lý thuyết chung chung, xoa dịu nỗi buồn tạm thời, không khác gì mấy câu quote tôi hay đọc trên mạng", Nhi kể.
Học xong, Nhi nói chẳng những không giải quyết được tình trạng bất ổn trong tâm lý mà còn thêm sang chấn vì thấy mình… mất tiền ngu.
May mắn hơn Nhi, chị Ngân Hà (36 tuổi, ở quận Tân Phú) tìm được phương pháp phù hợp với bản thân sau thời gian loay hoay với rối loạn lo âu.
Chị Hà chia sẻ trước khi mắc trầm cảm vì vướng vào mối quan hệ yêu đương, chị chưa bao giờ nghĩ đến việc đi chữa lành hay tìm kiếm một khóa học chữa lành nào. Nhưng khi đối diện tổn thương tinh thần nặng nề, Hà được một người bạn gợi ý tham gia một khóa thiền.
"Khỏi phải nói những người bạn khác đã can ngăn vì lo sợ tôi bị dẫn dắt vào một khóa học tào lao, chữa người lành thành người què hay một thứ đạo phái nguy hiểm nào đó.
Nhưng là một người cẩn thận và cũng đề phòng cao, tôi đã search (tìm kiếm) nhiều thông tin để tìm hiểu thêm và thấy rằng mình có thể an tâm tham dự", chị nói.
10 ngày tham gia thiền tại một ngôi chùa, hoàn toàn không được dùng tivi, điện thoại là thời gian chị Hà thấy mình được cách ly với những mối quan hệ, suy nghĩ, thói quen độc hại mà trước đó không cách nào thoát ra được.
"Ở nơi học thiền, ngoài việc được dạy kỹ năng thiền, hít thở để không tập trung vào những dòng suy nghĩ tiêu cực của bản thân, tôi cũng dần uốn nắn lại thói quen, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ sau cả năm trời sống không có giờ giấc, kỷ luật gì.
Nó giống như một khóa cai nghiện bản thân khỏi những thói quen, hành vi độc hại", Hà tâm sự.
Sau khi trở về, dù không hoàn toàn quên hết tổn thương, song chị đã có thể thiết lập lại nếp sống, ăn ngủ sinh hoạt lành mạnh, cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
"Ngoài những thứ đó ra, tôi không tin vào các loại chữa lành thần bí hay rao giảng triết lý cao siêu nào khác", chị cho biết.
Còn Nhi, sau khi nhận ra các khóa học chữa… rách vết thương đã lành đầy rẫy trên mạng không thể giúp mình, cô chọn đưa bản thân về với thiên nhiên, chịu mở lòng tâm sự với bạn bè thân thiết hay những người từng trải qua tình trạng giống mình.
Chữa lành vết thương tâm lý là việc cần nhiều thời gian và hơn hết là nỗ lực của chính người trong cuộc. Không có công thức cụ thể nào để áp dụng cho tất cả, mỗi phương pháp có thể đúng với người này nhưng không hợp với câu chuyện của người kia.
Do đó, người có nhu cầu trị liệu, cải thiện sức khỏe tinh thần nên tìm hiểu, tham khảo vài cách rồi chọn ra cái nào hợp với mình.
Một số giải pháp dành cho người có nhu cầu trị liệu tâm lý
- Chậm rãi suy nghĩ, nhìn nhận lại vấn đề một cách nghiêm túc xem bản thân mình đang muốn gì.
- Mở lòng chia sẻ với người thân, bạn bè, những người từng trải qua chuyện tương tự để nhờ sự giúp đỡ.
- Có thể chia sẻ tình trạng của bản thân lên các diễn đàn về hỗ trợ tâm lý trên mạng xã hội hoặc các tài liệu có sẵn trên mạng để tham khảo ý kiến.
- Tìm đến các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý để trò chuyện và tìm ra cách điều trị phù hợp.
- Ăn uống lành mạnh, chơi thể thao, tham gia những bộ môn yêu thích hoặc thử nghiệm làm những điều mới mẻ.
- Nuôi thú cưng.
- Tự thưởng cho bản thân một chuyến đi chơi xa tùy vào điều kiện đang có…
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ "muốn đi chữa lành" của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận