30/05/2018 12:15 GMT+7

Tham gia 'chính trường', giúp trẻ em bớt rụt rè hay để làm gì?

NGUYÊN-KAN (Pháp)
NGUYÊN-KAN (Pháp)

TTO - Theo bạn đọc NGUYÊN-KAN từ Pháp, việc trẻ em ở Pháp được sớm cho tham gia 'chính trường', ngoài việc góp tiếng nói xây dựng thành phố, tạo ý thức trách nhiệm công dân từ nhỏ... còn có nhiều cái lợi khác.

Tham gia chính trường, giúp trẻ em bớt rụt rè hay để làm gì? - Ảnh 1.

Cháu Vũ Ngọc Hiếu chụp ảnh cùng ngài thị trưởng một thành phố vệ tinh Paris trong một buổi họp - Ảnh: NVCC

Một ngày nọ, con tôi đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở một thành phố nhỏ của nước Pháp, bảo với chúng tôi rằng ngày mai cả lớp con sẽ tới gặp thị trưởng và con sẽ phải chuẩn bị những câu hỏi để hỏi ông ấy.

Con nói rằng mình sẽ hỏi xem tại sao ông ấy muốn làm thị trưởng, và từ ngày lên làm thị trưởng ông đã làm được những gì cho thành phố. Lần khác, con kể với tôi rằng thị trưởng tới lớp học của con, nói chuyện với các con về việc bầu cử.

Hội đồng trẻ em góp tiếng nói xây dựng thành phố

Nếu được chọn, con sẽ đóng góp nhiều ý kiến về việc bảo vệ môi trường, về các khu vui chơi cho trẻ em và những việc giúp cải thiện môi trường học tập

Một ứng cử viên

Gần đây, con tôi mang về một tập tài liệu, nói rằng ba mẹ cần phải đọc vì ở trường của con sắp thành lập hội đồng trẻ em thành phố. 

Hội đồng này gồm 12 trẻ em, sáu nam và sáu nữ, nhằm đại diện cho tiếng nói của tất cả trẻ em đang sinh sống tại thành phố này.

Tài liệu mà thành phố gửi về cho phụ huynh giải thích rõ ràng vai trò và chức năng của hội đồng trẻ em TP. 

Cụ thể, hội đồng trẻ em TP sẽ đóng góp để cùng xây dựng và phát triển, làm cho đời sống của thành phố tốt đẹp hơn. Hội đồng này sẽ họp hai tuần/lần cùng các bên liên quan để bàn về các dự án, phát triển các ý tưởng cải thiện cuộc sống.

Ví dụ như làm thế nào khuyến khích người dân phân loại rác, chăm sóc đời sống của người tàn tật hay tổ chức các lễ hội của thành phố. Có những thành phố, trẻ em còn tham gia viết báo riêng của hội đồng để cập nhật tình hình hoạt động của hội đồng trẻ em. 

Một năm, các em sẽ họp cùng với hội đồng thành phố để đưa ra các đề xuất cho những dự án lớn và tranh luận với những thành viên người lớn của các hội đồng khác.

Các thành viên hội đồng trẻ em TP tuổi từ 7-10 (từ học sinh lớp 2 tới lớp 4). Để trở thành thành viên, các em sẽ phải trải qua các vòng tự ứng cử, bầu cử và bỏ phiếu. 

Đặc biệt, các em cũng phải thực hiện "chiến dịch" tranh cử, phải chuẩn bị những bài phát biểu trước toàn trường để giành được số phiếu cao nhất. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài trong hai năm.

Tạo ý thức trách nhiệm công dân từ nhỏ

Mặc dù mô hình hội đồng trẻ em TP được thành lập từ năm 1989, nhưng không được thực hiện ngay trên cả nước mà tùy vào điều kiện của từng thành phố. Năm nay là năm đầu tiên ở thành phố nơi chúng tôi sinh sống, việc bầu cử được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ đầu năm. 

Bắt đầu từ việc các em học sinh thăm ủy ban nhân dân, gặp mặt thị trưởng, đến việc thị trưởng tới tận trường học giải thích cặn kẽ cho học sinh, sau đó là gặp mặt phụ huynh để cùng thống nhất.

Vì vậy, các học sinh ý thức được rõ ràng và nghiêm túc về trách nhiệm sắp tới của mình nếu được bầu cử vào hội đồng. Con gái tôi rất hào hứng bảo rằng sẽ tự ứng cử, và sẽ chuẩn bị bài diễn văn thật cẩn thận để được bầu cử vào hội đồng.

Chị Hương, một phụ huynh hiện sinh sống tại một thành phố vệ tinh gần Paris, cho biết hội đồng trẻ em TP chỗ chị đã có từ lâu và con trai chị, cháu Vũ Ngọc Hiếu, đã tham gia được một năm nay. Cháu học giỏi nhưng có phần hơi nhút nhát, từ khi được tham gia vào hội đồng, cháu trở thành một người khác hẳn. 

Cháu không còn rụt rè khi gặp người lạ mà mạnh dạn phát biểu, nêu các ý kiến cũng như bảo vệ ý kiến của mình, mỗi lần tham gia họp tại ủy ban nhân dân đều ghi chép rất cẩn thận. Cháu cũng sẵn sàng tranh luận đến cùng trước những thành viên thuộc các hội đồng khác để bảo vệ ý kiến của mình...

Về phía thành phố, hoạt động của hội đồng trẻ em TP giúp tạo ra cho các em ý thức trách nhiệm công dân ngay từ khi còn nhỏ. Đó là trách nhiệm của những người công dân dám nghĩ, dám làm để cải thiện đời sống chung của toàn cộng đồng. Đó là ý thức của những công dân biết suy nghĩ vì lợi ích chung.

Và trên hết, đó sẽ là những thế hệ kế tiếp sẽ cống hiến cho đất nước. Trong buổi họp với phụ huynh tại thành phố nơi tôi sinh sống, ông thị trưởng nói rằng bất cứ đóng góp nào của các cháu cũng sẽ được ghi nhận và trân trọng, và ông cũng tin rằng các cháu sẽ có những đóng góp có giá trị cho các dự án trong tương lai.

5 hội đồng trẻ em đã hoạt động

Tại nước ta, ngoài Hội đồng trẻ em ra mắt đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2017, đến nay Hội đồng trẻ em tại Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái và Bình Định đã chính thức hoạt động. Hội đồng trẻ em được thí điểm thành lập nhằm thực hiện quyết định của Thủ tướng phê duyệt "Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020".

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết tùy điều kiện từng địa phương, hội đồng trẻ em có thể có cơ chế hoạt động khác nhau, thường tổ chức hai kỳ họp/năm. Các bạn từ 8-16 tuổi tham gia hội đồng phải có kết quả học tập nổi bật, tham gia tích cực hoạt động Đội.

Hội đồng để trẻ em trao đổi ý kiến, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị các vấn đề vui chơi giải trí, học tập của trẻ em. Qua đó, lãnh đạo các cấp nắm được những vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, hoàn thiện xây dựng chính sách về trẻ em, truyền thông nâng cao nhận thức xã hội thực hiện Luật trẻ em và các quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em... (Q.LINH)

​Ra mắt hội đồng trẻ em TP.HCM

TTO - TP.HCM là đơn vị đầu tiên của cả nước vừa chính thức ra mắt Hội đồng trẻ em và tổ chức kỳ họp lần thứ nhất vào sáng nay (22-6).

NGUYÊN-KAN (Pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên