08/12/2016 18:24 GMT+7

Tham gia bảo hiểm để giảm gánh nặng bệnh hiểm nghèo

THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN
THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN

TTO - Tại buổi tọa đàm “Bệnh hiểm nghèo: Thực trạng và giải pháp phòng tránh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 8-12, nhiều chuyên gia cho biết chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo là gánh nặng lớn đối với bệnh nhân.

Bác sĩ Đỗ Như Chinh - Trưởng bộ phận thẩm định và phát triển hợp đồng Prudential - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Đỗ Như Chinh - trưởng bộ phận thẩm định và phát hành hợp đồng Prudential - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa và tầm soát, phát hiện bệnh sớm, để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao và giảm bớt gánh nặng tài chính.

Chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo rất cao

TS.BS Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết hằng năm ở Mỹ, số tiền chi cho thuốc ung thư là 3,6 tỉ USD và 11 tỉ USD cho các loại thuốc hỗ trợ.

Chi phí điều trị cho một ca ung thư, nếu như 10 năm trước chỉ 4.500 USD/tháng thì đến nay là 10.000 - 30.000 USD.

Với những thuốc mới, trong hội nghị phòng chống ung thư TP.HCM vừa qua, một chuyên gia đầu ngành về miễn dịch cho biết thuốc miễn dịch hiện nay có thể đến 100.000 USD/tháng.

“Năm 2014, Bệnh viện Ung bướu TP chi trả cho bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân ung thư khoảng 400 tỉ đồng và năm 2015 là khoảng 600 tỉ đồng. Trong mỗi đợt điều trị, BHYT có thể chi trả vài trăm triệu đồng. Cũng năm 2014, ở Bệnh viện Ung bướu TP có 46% bệnh nhân tới khám có BHYT. Năm 2015, số lượng bệnh nhân vẫn vậy nhưng số lượng sử dụng BHYT chỉ còn hơn 20%. Với BHYT, chỉ cần một chính sách thay đổi, số lượng bệnh nhân tiếp cận, sử dụng bảo hiểm sẽ thay đổi”, TS Xuân Dũng cho biết.

TS.BS Phạm Xuân Dũng - Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS.BS Phạm Xuân Dũng - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới chia làm 3 nhóm về các bệnh gây nguy cơ chết người, đó là bệnh nhiễm trùng, bệnh không lây nhiễm và nhóm bệnh do chấn thương, bạo lực.

Qua theo dõi, các chuyên gia thấy có sự chuyển dịch về các nhóm bệnh hiểm nghèo. Năm 2004, số người chết vì bệnh lý trong cộng đồng không phải là nhiễm trùng mà là bệnh không lây nhiễm.

Bốn loại bệnh được ghi nhận trong các bệnh hiểm nghèo từ năm 2004 là những bệnh lý về tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), bệnh ung thư, bệnh đường hô hấp và bệnh tiểu đường.

“Số liệu năm 2008 cho thấy trên thế giới, bệnh tim mạch làm 17 triệu người chết, chiếm 48% trong các loại bệnh tử vong. Còn bệnh ung thư là 7,6 triệu người, chiếm  21%. Ung thư được dự báo đến năm 2030 thì số người chết sẽ gấp đôi. Tại TP.HCM, từ năm 2005 đến 2010, tỉ lệ ung thư tăng mỗi năm là 5,8%. Hai năm gần đây có vẻ nhanh hơn”, TS Xuân Dũng nói.

Bác sĩ CK2 Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Huyết học - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ CK2 Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo bác sĩ CK2 Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học, hiện nay BHYT chi trả cho bệnh ung thư hàng đầu, thứ hai là tim mạch.

Tại phòng khám Bệnh viện Truyền máu - huyết học, trung bình mỗi tuần khám 1.200 lượt người, chi trả cho BHYT mỗi tuần khoảng 2 tỉ đồng. Tính ra mỗi năm gần 100 tỉ đồng. Bệnh nhân nội trú, mỗi tuần xuất viện khoảng 100 lượt, mỗi năm bảo hiểm chi trả khoảng 120 tỉ đồng.

Chi phí điều trị bệnh là rất tốn kém. Ví dụ chi phí một đợt thuốc trung bình 400 - 500 triệu đồng/tháng, gồm máu và các chế phẩm máu, thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị. BHYT chi trả 80% trong khung BHYT thì được khoảng 250 triệu. Còn ghép tế bào gốc, nếu tự lấy tế bào gốc của bệnh nhân cho bệnh nhân trong thời gian sau khi hóa trị tốt hết khoảng 400 triệu đồng, BHYT trả khoảng 150 triệu đồng.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Hữu Long - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ CK2 Nguyễn Hữu Long - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ CK2 Nguyễn Hữu Long, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tại bệnh viện này, năm 2015, số lượng bệnh nhân tới khám là 1.310.000 lượt. Trong đó, bệnh nhân ung thư điều trị nội trú là 20.575 lượt. Số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư là 71.354 lượt. Năm 2016 tăng lên, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư là 76.210 lượt, bệnh nhân điều trị nội trú là 22.266 lượt. Ở phòng khám bệnh viện mỗi ngày hiện nay có 5.500 lượt khám cho bệnh nhân, còn nội trú khoảng 2.600 - 2.700 người.

Phần lớn bệnh nhân khi đến là đã giai đoạn muộn. Có bệnh rồi mới đi, đổ bao nhiêu tiền cũng không cứu được mạng mà chỉ kéo dài sự sống.

Nhiều bệnh nhân khi có bệnh mới mua bảo hiểm. Trong khi đó, gánh nặng của bệnh nhân điều trị ung thư rất nặng nề. Ví dụ như thuốc điều trị ung thư gan là hơn 1 triệu đồng/viên, mỗi ngày 4 viên.

Bác sĩ Võ Đức Chiến - Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chỉ ra thực trạng hiện nay là khoa học phát triển, tuổi thọ bình quân tăng, nước ta còn người nghèo nhưng bảo hiểm cho người nghèo lại chưa có nhiều. Người bệnh có những người không có nhà ở thì rõ ràng thẻ bảo hiểm cũng không thể có.

Trong quá trình giải quyết đối với người nghèo, ngân sách nhà nước có hỗ trợ, như trong bảo hiểm người nghèo có phần đồng chi trả. Hiện nay chủ trương cho luôn người nghèo nhưng vẫn còn thực trạng từng bước điều chỉnh trong BHYT, dẫn đến có những kỹ thuật có thể triển khai được cho người bệnh nhưng lại không nằm trong danh mục được chi trả.

Ngoài ra có những cơ chế đối với đơn vị công vẫn bị vướng, trong khi bệnh viện không thể thấy người phải cứu mà không cứu.

Bác sĩ CK2 Trương Quang Anh Vũ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ CK2 Trương Quang Anh Vũ - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ CKII Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cũng cho biết mỗi ngày ở bệnh viện có 3.000 bệnh nhân ngoại trú và 1.200 lượt bệnh nhân điều trị nội trú.

Về bệnh tim mạch, trung bình mỗi tháng 1.836 lượt ngoại trú và 831 lượt điều trị nội trú. Trung bình chi phí điều trị cho một lượt điều trị ngoại trú là 600.000 đồng, và điều trị nội trú là 12-15 triệu đồng cho một đợt.

Còn bệnh ung thư, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 390 lượt ngoại trú và 114 lượt nội trú. Trong đó, chi phí là hơn 1 triệu đồng cho một đợt điều trị ngoại trú, nội trú là từ 15-20 triệu đồng.

Số lượng bệnh nhân khám và điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất có BHYT là 80-90%. Nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn cuối mà không có BHYT nên tốn kém và hiệu quả điều trị thấp.

Các khách mời nhận hoa từ Ban tổ chức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các khách mời nhận hoa từ ban tổ chức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phát hiện bệnh sớm, giảm chi phí điều trị

TS.BS Phan Xuân Dũng cho biết trên thế giới, lộ trình phòng chống ung thư gồm phòng ngừa bước 1, phòng ngừa bước 2 rồi mới đến điều trị. Với TP.HCM, chương trình phòng chống ung thư đã có.

Phòng ngừa bước 1 là tránh tác nhân gây ung thư như thực phẩm ô nhiễm, không khí.

Phòng ngừa bước 2 là tầm soát, phát hiện sớm. Như ung thư tử cung nếu phát hiện sớm, điều trị chỉ 20 triệu đồng nhưng giai đoạn muộn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ung thư vú cũng vậy, nếu giai đoạn sớm chỉ 150 triệu đồng (ước tính cho 1 bệnh nhân tại bệnh viện ung bướu) nhưng gia đoạn 4 là 500 triệu đồng.

Giai đoạn 1 hơn 80% bệnh nhân sống lâu dài nhưng ở giai đoạn 4 chỉ được 2-3 năm, dù phải đổ ra nhiều tiền.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho rằng rủi ro về sức khỏe là luôn luôn có, chúng ta không lường trước được rủi ro xảy ra lúc nào. Hiện nay, nước ta đang định hướng BHYT xã hội toàn dân. Hiện nay đa số đóng theo mức lương. 

Chi phí y tế ở nước ta so với nước ngoài còn nhẹ. Mức chi trả đó là một phần viện phí, ngân sách nhà nước chi trả nhiều. Chúng ta đang điều chỉnh giá viện phí, không phải gia tăng, mà đi từ nguồn này qua nguồn kia, mà chuyển sang dần cho BHYT chi trả.

BHYT có hai mảng là dự phòng và điều trị. Mảng dự phòng, nhà nước vẫn chi trả. Mỗi năm ngân sách nhà nước, hoạt động của các đơn vị vẫn đang chi cho nhân viên, cán bộ kiểm tra sức khỏe. Ngoài vấn đề thuốc men thì mỗi người cần quan tâm sức khỏe, tránh thuốc lá, rượu bia.

Những người tham gia BHYT từ 5 năm trở lên được chia sẻ tài chính nhiều hơn. Nếu cộng đồng tham gia càng nhiều, sự chia sẻ càng lớn. Cả nước hiện có 75% dân số tham gia BHYT.  Năm 2016, TP.HCM có số người tham gia BHYT là 78,6%. Chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2017 là 80,7% dân số tham gia BHYT.

Chia sẻ tài chính cũng là một cách chống bệnh. Khi không may bị mắc bệnh thì không ảnh hưởng lớn đến thu nhập gia đình. Xã hội chia sẻ cho mình thì mới có khả năng điều trị lâu dài.  

Bác sĩ Đỗ Như Chinh, trưởng bộ phận thẩm định và phát hành hợp đồng Prudential, cũng cho rằng bảo hiểm là một cách bảo vệ tài chính cho người bệnh. Bảo hiểm hiện nay có những sản phẩm liên quan đến bệnh hiểm nghèo, trong đó có những gói kèm theo như chương trình khám định kỳ, tầm soát bệnh hiểm nghèo hay giúp khách hàng điều trị bệnh sớm.

Trước đây các công ty bảo hiểm có những sản phẩm chi trả cho 20 loại bệnh, khi khách hàng chẩn đoán giai đoạn cuối mới chi trả. Nhưng hiện tại có đến 72 loại bệnh, trong đó có những bệnh giai đoạn sớm đã được hỗ trợ để bệnh nhân có chi phí điều trị.

Theo bác sĩ Chí Dũng, BHYT có tính nhân văn cao. Có những xét nghiệm bảo hiểm trả gần 100%.  Những thuốc giá cao đến 50 triệu đồng/lọ, bảo hiểm cũng trả.

Nước ta chưa có biện pháp dự phòng tốt. Đầu tư y tế dự phòng là hết sức quan trọng. Đầu tư y tế dự phòng, ban đầu tốn tiền, nhưng sau đó sẽ thấy rất hiệu quả và tính ra vẫn lợi hơn chi phí điều trị. Hơn nữa, phải có BHYT toàn dân và các bảo hiểm khác cùng hỗ trợ.

Ngoài ra giải pháp của từng chuyên khoa như chích ngừa, tư vấn người dân, lối sống, giải quyết ô nhiễm môi trường… thì bệnh hiểm nghèo sẽ được khống chế dần. Các chính sách vận động các doanh nghiệp, tập thể chỉ là giải pháp trong thời gian ngắn, không phải lâu dài.

Bác sĩ Anh Vũ cũng cho rằng giải pháp lâu dài là tầm soát. Đây là giải pháp quan trọng để giảm chi phí điều trị và hiệu quả điều trị cao, có khả năng hồi phục.

Rất nhiều người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn, sức khỏe kiệt quệ, lúc đó chỉ định phẫu thuật cũng khó, hội chẩn để chọn một phác đồ điều trị cho bệnh nhân cũng khó.

THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên