Thảm gạch mosaic trên cầu thang của thương xá Tax - Ảnh: Alexandre Garel
Tròn 5 năm trước, thông tin thảm gạch mosaic ở thương xá Tax cùng một số hạng mục khác như bảng hiệu, mái che nắng dọc vỉa hè, lan can cầu thang, các biểu tượng gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang… sẽ được bảo tồn khiến những người yêu di sản của thành phố vui mừng và cảm thấy được an ủi phần nào trước việc thương xá Tax bị đập bỏ sau hơn 90 năm gắn bó thân thiết với người dân ở thành phố lớn phía Nam.
5 năm sau khi thảm gạch được bóc gỡ trôi qua, những người yêu di sản đang rất quan tâm số phận của thảm gạch này giờ ra sao.
Hình ảnh thảm mosaic của thương xá Tax trong sách ảnh Sài Gòn Potrait of a city 2011-2020 của Alexandre Garel và Tim Doling - Ảnh chụp lại từ sách
Tại buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề "Bảo tồn mosaic ở Việt Nam - Trường hợp thương xá Tax" do Quỹ Sử học trẻ tổ chức ngày 9-10, thạc sĩ Nguyễn Thị Hà - giảng viên bộ môn khảo cổ, khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - đã giải đáp câu hỏi trên.
Bà Hà - người được tham gia vào dự án bảo tồn thảm gạch mosaic cùng các đồng nghiệp của mình - cho biết công việc bảo tồn sau bóc gỡ mất rất nhiều thời gian và hiện nhóm của bà vẫn đang làm công việc bảo tồn. Phương án lắp đặt và lắp đặt ở đâu thì đã được UBND TP phê duyệt: sẽ lắp đặt vào công trình kiến trúc mới cao 40 tầng được xây ngay trên mảnh đất của thương xá Tax trước đây.
Theo phương án đã được UBND TP.HCM phê duyệt, tòa nhà mới sẽ phục dựng lại nguyên gốc toàn bộ cầu thang, theo đúng kích cỡ cũ để đặt thảm gạch mosaic vào. Tuy nhiên, đến nay tòa nhà vẫn chưa được khởi công xây dựng nên chưa biết khi nào thảm gạch mosaic này mới "sống lại" trong một ngôi nhà mới.
Về một số lo ngại bị hao vỡ thảm gạch trong quá trình bóc gỡ, vệ sinh, bảo quản và tiếp tục bảo tồn thảm gạch đợi đưa vào công trình mới, bà Hà nói rằng gạch không bị hỏng trong quá trình bảo tồn mà nhóm bà thực hiện, nhưng một số bị khuyết, hư hỏng từ những lần sửa chữa lớn trước đây. Bà Hà cũng cho biết nhóm đã tìm được nguồn gạch thay thế là từ một nhà máy ở miền Nam nước Pháp.
Thảm gạch mosaic trên lối lên cầu thang của thương xá Tax - Ảnh: Alexandre Garel
Tuy mosaic là nghệ thuật trang trí kiến trúc theo chân người Pháp tới Việt Nam nhưng qua nghiên cứu bà Hà cho rằng "dường như chúng ta cũng có truyền thống khảm mosaic", có thể thấy bóng dáng của nghệ thuật mosaic trên các loại gốm sứ cao cấp.
Mosaic tưởng không quen thuộc với người Việt nhưng đã và đang hiện diện nhiều hơn mọi người tưởng, ở các công trình kiến trúc rải khắp đất nước. Tại TP.HCM, ngoài thảm mosaic tuyệt đẹp ở thương xá Tax, có thể tìm thấy thêm ở tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có thể tìm thấy mosaic ở tòa Bạch Dinh (Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu) và hiện vẫn đang được bảo tồn khá tốt. Tại Huế, lăng Khải Định có rất nhiều thảm gạch mosaic lộng lẫy.
Ở Hà Nội, tòa biệt thự trụ sở báo Hà Nội Mới bên bờ hồ Hoàn Kiếm được cho là tòa nhà sớm nhất có trang trí thảm gạch mosaic bằng gốm màu, ở ngay sảnh chính lối đi vào nhà.
Tiếp đến là thảm gạch mosaic sang trọng trong phòng Gương của Nhà hát lớn Hà Nội, nơi tiếp đón những vị khách quan trọng khi tới nhà hát này. Một tòa nhà nữa có thảm mosaic ở thủ đô là Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ trước đây).
Cầu thang lộng lẫy này của thương xá Tax sẽ được phục dựng lại trong công trình kiến trúc mới thay thế thương xá này - Ảnh: Alexandre Garel
Tại TP Hải Phòng, tòa nhà trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng cũng có những thảm mosaic rất đẹp.
Trong những thảm mosaic này, chỉ thảm gạch ở tòa Bạch Dinh là hoàn toàn "Tây", còn lại, những thảm mosaic khác tuy vật liệu và kỹ thuật của phương Tây nhưng lại mang hồn Việt, vóc dáng Việt, theo bà Hà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận