Một tiết học của học sinh lớp 1/2 Trường tiểu học Kỳ Đồng Q.3, TP.HCM. Chương trình SGK GDPT mới sẽ triển khai đại trà cho lớp 1 vào năm học 2019-2020 - Ảnh: N.HÙNG
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình GDPT mới, cho biết: Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK GDPT, để chủ động trong công việc, Nhà xuất bản Giáo Dục đã mời một số chuyên gia tham gia các đề tài xây dựng chương trình giả định, biên soạn thử một số bài soạn và bản thảo sách.
Tôi được mời tham gia các công việc nói trên. Tôi đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu về mô hình SGK môn tiếng Việt - ngữ văn, hoàn thành một bản thảo sách tiếng Việt lớp 1.
Tuy nhiên, từ khi nhận lời làm tổng chủ biên chương trình GDPT mới, tôi không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên. Chương trình giả định đang phác thảo cũng được "đóng băng" từ khi Bộ GD-ĐT tổ chức Ban phát triển chương trình GDPT.
Có nghiên cứu, viết thử
* Nhưng có thông tin nơi này, nơi khác đã chuẩn bị sẵn bộ SGK mới để "đón trước" khi chương trình được ban hành?
- Việc nghiên cứu, viết thử, tôi nghĩ là có. Tôi được biết có nhà xuất bản đang chỉ đạo làm một lúc 5 bộ sách. Nhưng theo tôi hiểu, đây chỉ là những hoạt động có tính chất chuẩn bị, tập dượt. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ mà nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Nhưng khi chương trình chưa ban hành thì cho dù sách có viết ra cũng không đủ điều kiện thẩm định. Kể cả có tổ chức, cá nhân nào nói là đã viết được sách từ lớp 1 đến lớp 12 thì đó vẫn không phải SGK. Các bản thảo chỉ trở thành SGK khi được hội đồng thẩm định thông qua và được bộ trưởng phê duyệt.
* Theo ông thì người biên soạn chương trình có được tham gia viết sách không?
- Không có quy định nào cấm người biên soạn chương trình viết SGK sau khi đã hoàn thành công việc biên soạn chương trình. Thậm chí người biên soạn chương trình tham gia viết sách sẽ có thuận lợi vì hiểu chương trình thì viết sẽ tốt hơn. Dĩ nhiên là họ phải được các tổ chức biên soạn SGK mời. Tác giả viết SGK không thể là thành viên của hội đồng thẩm định SGK.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: V.D.
Thẩm định: có hội đồng liên cấp và đơn cấp
* Việc thẩm định và ban hành chương trình GDPT mới được thực hiện như thế nào?
- 25 hội đồng thẩm định chương trình đang làm việc. Mỗi hội đồng đều có các nhà khoa học, nhà sư phạm, giáo viên phổ thông; một số hội đồng có đại diện một số tổ chức xã hội. Riêng giáo viên phổ thông tham gia ở mỗi hội đồng sẽ chiếm khoảng 30%.
Ngoài các hội đồng thẩm định chương trình của môn học ở một cấp học, có một số hội đồng liên cấp tiểu học - THCS, một số hội đồng thẩm định chương trình cả ba cấp về môn văn, môn toán...
Nếu chương trình môn học được thẩm định có liên quan tới các môn học khác của cấp học dưới hoặc cấp học trên thì ban soạn thảo chương trình phải cung cấp chương trình có liên quan để hội đồng thẩm định có cơ sở đánh giá về tính kế tiếp, liên thông.
* Vai trò của ban soạn thảo chương trình ở giai đoạn này là gì?
- Ban soạn thảo chương trình các môn học có trách nhiệm gửi cho hội đồng thẩm định dự thảo chương trình, báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức xã hội, các sở GD-ĐT, các chuyên gia, giáo viên và dư luận báo chí về chương trình và ý kiến tiếp thu, giải trình của ban soạn thảo, báo cáo về kết quả thực nghiệm.
Nếu hội đồng có yêu cầu thì ban soạn thảo phải cử người trực tiếp đến báo cáo, giải trình những điều hội đồng thắc mắc.
* Cho tới thời điểm này chưa công bố được chương trình thì theo ông liệu có bị chậm tiến độ không?
- Tiến độ thẩm định có chậm hơn so với dự kiến vì phải thực hiện nhiều bước lấy ý kiến, phân tích các ý kiến góp ý để chỉnh sửa. Nhưng tôi nghĩ mục tiêu đề ra triển khai đại trà lớp 1 vào năm học 2019-2020 thì vẫn đảm bảo.
* Bộ GD-ĐT được giao trách nhiệm tổ chức biên soạn một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Việc tổ chức biên soạn bộ sách này như thế nào?
- Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về tiêu chuẩn SGK; quy trình biên soạn, thẩm định SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Tuy nhiên, chỉ đến khi chương trình được ban hành, Bộ GD-ĐT mới có thể bắt tay vào việc tổ chức biên soạn bộ SGK và chỉ đạo công việc biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân. Tôi không phụ trách việc làm SGK nên cũng chỉ nắm được định hướng chung như vậy.
* Theo ông, với chương trình GDPT mới, những người viết SGK sẽ đối mặt với những thách thức gì?
- Đây là chương trình đặt ra mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Trong bối cảnh có một chương trình nhiều bộ SGK, một điểm thuận lợi là có thể sẽ có nhiều tác giả, nhóm tác giả tâm huyết, có tư tưởng sáng tạo. Nhưng nếu người có kinh nghiệm viết SGK dễ đi vào lối mòn, thì người mới tham gia công việc này cũng có thể sẽ gặp khó vì phải đối diện với những khó khăn mang tính đặc thù mà họ chưa trải qua.
Tuyển chọn công khai, minh bạch
* Có thông tin Bộ GD-ĐT sẽ chỉ định thầu để chọn đơn vị biên soạn SGK, điều này trái với nguyên tắc mà Ngân hàng Thế giới (World Bank - đơn vị cho vay vốn thực hiện chương trình) đặt ra là phải tổ chức đấu thầu và đơn vị dự thầu không phải là doanh nghiệp nhà nước...
- Tôi chưa bao giờ được nghe đến việc chỉ định thầu. Tôi chỉ được nghe ý kiến bộ trưởng quán triệt trong các cuộc họp về việc thực hiện nghị quyết số 88 và nghị quyết số 51 của Quốc hội là các công việc phải được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
* Việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK có ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng giữa các nhóm làm SGK hay không?
- Trước đây, tôi cũng đã có ý kiến là Bộ GD-ĐT chỉ nên thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, không nên gánh vác các công việc nghiệp vụ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ được nghị quyết số 88 của Quốc hội giao để bảo đảm chắc chắn khi triển khai chương trình có đầy đủ SGK tất cả các môn học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận