11/06/2010 14:00 GMT+7

Thăm di tích Hoàng Hoa Thám

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TTO - Nói đến Yên Thế là nhắc đến những đồi vải, đồi nhãn bạt ngàn, nhắc tới món gà đồi hảo hạng. Nhưng thật thiếu sót nếu không ghé thăm quần thể di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, nơi làm nên cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử chống thực dân Pháp.

u91gmbHy.jpgPhóng to
Toàn cảnh đồn Phồn Xương, đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế năm xưa - Ảnh: Tiến Thành

Tôi về Yên Thế, Bắc Giang vào những ngày tháng 5 oi ả. Qua cung đường ngút ngát những đồi vải, đồi nhãn là tới thị trấn Cầu Gồ - trung tâm huyện Yên Thế - nơi có khu căn cứ cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo.

Khu căn cứ nằm vắt vẻo trên ngọn đồi cao mà người dân gọi là đền Thề, nơi nghĩa quân từng cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh Pháp. Trong đền có tượng thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Phía sau đền là một bảo tàng khang trang, trưng bày hình ảnh, hiện vật cuộc khởi nghĩa như súng kíp, đạn, gươm, mã tấu... cùng những đồ dùng sinh hoạt như mâm đồng, bình lọ, ấm, chén uống nước... của nghĩa quân.

Ấn tượng trước sân nhà trưng bày là tượng đài lãnh tụ Hoàng Hoa Thám đứng lồng lộng giữa trời cao, uy nghi và lẫm liệt cùng câu nói nổi tiếng của ông được tạc khắc trên bia đá: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hi sinh cả tính mạng".

M9aPobYw.jpgPhóng to
Cổng vào đồn Phồn Xương - Ảnh: Tiến Thành
2jlT9wig.jpg
Bức tường thành giờ đã phủ rêu xanh - Ảnh: Tiến Thành
31i1siiu.jpg
Từ lỗ châu mai trên bức tường đất có thể quan sát toàn bộ hoạt động phía trước đồn Phồn Xương - Ảnh: Tiến Thành

Từ đền Thề có thể thấy đồn Phồn Xương đối diện - đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế - lô nhô những bức tường thành bằng đất đỏ núp dưới bóng cây đại ngàn.

Theo sử sách chép lại, đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng năm 1892, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Năm 1884, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân đã chiến đấu tài tình khiến thực dân Pháp suốt 30 năm trời không dập tắt nổi cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Trước mắt khách lãng du, những bức tường đất giờ đã vỡ lở, đỏ ối vì màu thời gian. Nhưng đã hơn một thế kỷ qua, những lỗ châu mai nhỏ xíu, được khoét thủ công vẫn còn nguyên vẹn. Những bức tường bằng đất và đá ong giờ đã lấm tấm phủ rêu xanh bên cạnh những hàng cây bạch đàn cao vút, tỏa bóng râm xanh mát…

zb8iHR3a.jpgPhóng to
Tre, đất sét, đá ong là những chất liệu đặc biệt của bức tường thành - Ảnh: Tiến Thành
gxF1S2RV.jpg
Rừng cây xanh trong đồn Phồn Xương - Ảnh: Tiến Thành
rkdpKVjc.jpg
Tượng đài người anh hùng Hoàng Hoa Thám - Ảnh: Tiến Thành
jn7rEMEx.jpg
Đền Thề, nơi nghĩa quân từng cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh Pháp - Ảnh: Tiến Thành

Thật kỳ lạ, chính những thứ giản dị và đơn sơ ấy đã khiến thực dân Pháp phải kinh hồn bạt vía một thời.

Không chỉ trong khoảnh khắc, người viếng thăm càng nghiêng mình, sùng kính trước tài nghệ và khí tiết can trường của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế…

Bình luận về sự nghiệp của Đề Thám, Hênêcon - một sĩ quan Pháp từng tham gia chống khởi nghĩa Yên Thế - đã viết: "Khi mặt đất phủ đầy bóng tối đã ló ra dấu tích của ông và đồn Hữu Nhuế, tôi cảm thấy mình đang bay bổng cùng huyền thoại về một con người anh hùng mà chắc chắn sẽ sáng mãi với các thế hệ người Việt Nam...".

Sự thật tiếng vang về người anh hùng ấy ngày nay vẫn truyền tụng trong nhân gian:

"Ba mươi năm khắp núi rừng Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”...

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên