Ca sĩ Thái Thùy Linh hằng tháng trời lăn lộn tại tâm dịch TP.HCM để giúp đỡ người dân gặp khó khăn vì COVID-19 - Ảnh: NVCC
Vì vậy, Thái Thùy Linh luôn tìm tình nguyện viên có chuyên môn kế toán để thống kê thu chi, không bao giờ sử dụng chỉ 1 người hạch toán thu chi, 1 tình nguyện viên kế toán xuyên suốt chương trình này qua chương trình khác.
Thông thường sẽ có ban kiểm toán và trưởng nhóm tài chính kế toán, vừa chia sẻ bớt khối lượng công việc, vừa có sự kiểm tra chéo, hạn chế nhầm lẫn, sai sót. Thái Thùy Linh cũng cho rằng không nhất thiết phải làm ở tư cách nghệ sĩ làm từ thiện.
Không lấy tên mình đặt cho chương trình thiện nguyện
Giống như hàng trăm chương trình tình nguyện mà Thái Thùy Linh đã làm trong 10 năm qua, chiến dịch Người Việt thương nhau giúp bà con nghèo tại TP.HCM vượt qua đại dịch COVID-19 Thái Thùy Linh làm với tư cách trách nhiệm công dân giúp đồng bào, chứ không phải dưới danh nghĩa một nghệ sĩ làm từ thiện.
Thái Thùy Linh không lấy tên mình đặt cho bất cứ chương trình tình nguyện nào mà cô đã làm trong cả thập kỷ qua.
"Ai cũng hiểu nếu tôi lấy tên tôi đặt tên cho các chương trình tình nguyện thì sẽ thu hút được sự ủng hộ của các nhà tài trợ hơn, cũng như tăng uy tín xã hội, danh tiếng cho cá nhân tôi hơn.
Nhưng mục tiêu của tôi không phải là để xây dựng hình ảnh cho mình, mà là góp công vào tạo ra sự thay đổi trong xã hội Việt Nam về việc làm thiện nguyện, gây dựng nhiều hơn những tình cảm đùm bọc, yêu thương giữa con người với con người", ca sĩ Thái Thùy Linh nói.
Thái Thùy Linh mong muốn hoạt động từ thiện sớm được quản lý bằng những quy định pháp luật rõ ràng để người nghèo được hưởng lợi - Ảnh: Facebook Thái Thùy Linh
Thái Thùy Linh cho biết, việc không lấy tên mình đặt tên cho các chương trình tình nguyện mình thực hiện cũng chính là một trong những cách để cô sòng phẳng, rõ ràng, minh bạch với các nhà tài trợ và với cộng đồng nói chung.
Bởi Thái Thùy Linh quan niệm rõ ràng rằng tiền giúp đỡ người nghèo trong các chương trình mà cô làm không phải tiền của cô, mà của cộng đồng cùng chung tay đóng góp qua cô, và công sức cũng không phải của mình cô, mà của nhiều tình nguyện viên.
Thái Thùy Linh nói cô làm tình nguyện, chứ không phải từ thiện. Để cô sòng phẳng với công chúng rằng cô chỉ đang mang uy tín xã hội, công sức, trí tuệ, thời gian của mình cống hiến cho những người nghèo cần mình, chứ cô không có tiền để mang đi làm từ thiện.
"Tiền bạc của mọi người đóng góp, công sức của nhiều tình nguyện viên, vậy tại sao lại nói Thái Thùy Linh hay một cô nào đó làm từ thiện, sao lại cảm ơn Thái Thùy Linh", nữ ca sĩ nói.
Xuân Bắc chọn cách phối hợp với các đoàn thể, tổ chức uy tín để làm thiện nguyện đóng góp cho cộng đồng - Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Xuân Bắc cũng có cách minh bạch hoạt động thiện nguyện của mình khi anh thường kết hợp cùng một tập thể, có thể là nhà hát anh đang làm giám đốc hoặc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam nơi anh là đại sứ…
Cần một app minh bạch tiền thiện nguyện, không phải sao kê
Thái Thùy Linh cho biết cô rất buồn và tiếc cho những ồn ào tiền từ thiện gần đây, vì việc này đang là tổn thất rất lớn cho lòng tin của xã hội vào các hoạt động thiện nguyện chung của nghệ sĩ, gián tiếp ảnh hưởng đến những người nghèo cần giúp đỡ.
"Hiện nay rất tiếc chưa có những quy định pháp luật rất rõ ràng cho hoạt động thiện nguyện, hầu như tùy tâm từng người, mà tâm thì vô cùng, rất khó đo lường", Thái Thùy Linh giải thích.
Cô cho biết rất mừng vì sau thời gian dài lúng túng, hoang mang vì những lộn xộn trong hoạt động từ thiện thì sắp tới đây nghị định 64 sửa đổi sẽ được ban hành để hoạt động thiện nguyện trật tự, hiệu quả, giá trị hơn.
"Tôi mong từng ngày, để hoạt động từ thiện được trong sạch, để người dân nghèo không bị thiệt thòi do các nhà tài trợ mất lòng tin, không ủng hộ cho các hoạt động thiện nguyện nữa", Thái Thùy Linh nói.
Cô chia sẻ một tin vui, sắp tới sẽ có một app (ứng dụng) thiện nguyện minh bạch ra đời, cô vừa được lấy ý kiến cho bản demo để hoàn thiện trước khi ra mắt chính thức.
Đây là một app do một ngân hàng tặng cộng đồng, nằm trong đề án Hệ tri thức Việt số hóa, giúp minh bạch cho người gây quỹ thiện nguyện và tạo niềm tin cho người ủng hộ.
Thái Thùy Linh tin tưởng app có thể công khai 24/7 hoạt động tiền chuyển vào chuyển ra, không phải đợi sao kê, ai cũng có thể kiểm tra. Nếu các nghệ sĩ làm thiện nguyện sử dụng app này thì những lùm xùm về minh bạch tài chính gần đây sẽ được giải quyết.
Nếu không có tâm tốt thì không nên làm từ thiện
Cục Nghệ thuật biểu diễn đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ, trong đó có yêu cầu nghệ sĩ phải minh bạch trong các hoạt động xã hội, từ thiện.
Ông Trần Hướng Dương - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - đánh giá cao những nghệ sĩ đóng góp trong các hoạt động từ thiện vì cộng đồng ngoài việc chính cống hiến cho công chúng bằng tài năng nghệ thuật của mình.
Nhưng ông cũng lưu ý rằng nghệ sĩ nếu làm thiện nguyện tốt, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng thì rất đáng trân trọng, được công chúng yêu mến hơn; làm thiếu minh bạch thì lại phản tác dụng.
Theo ông Dương, làm việc thiện phải có cái tâm trong sáng, nếu đã không tốt thì không nên làm từ thiện. Thêm nữa, không riêng nghệ sĩ, bất cứ ai làm từ thiện cũng phải tuân thủ đúng pháp luật.
Riêng với nghệ sĩ, làm sai không chỉ chịu trừng phạt của pháp luật mà còn mất đi vốn quý nhất của người nghệ sĩ là tình yêu của khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận