Trong chương trình "Tình nguyện mùa đông 2016", Chủ tịch Hội LHTN VN Nguyễn Phi Long trao tặng áo ấm cho học trò xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai - Ảnh: ĐỨC BÌNH |
Hơn 10 năm triển khai, “Tình nguyện mùa đông” ngày một lan tỏa, chính từ chương trình này mà có những hội thầy thuốc trẻ, hay chương trình “Xuân yêu thương” đầy ý nghĩa...
Tặng quần áo ấm cho đồng bào, nhất là trẻ em vùng giá rét là một trong những hoạt động chính, bền lâu của chương trình “Tình nguyện mùa đông”...
Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về ca sĩ Thái Thùy Linh, người bền bỉ với chương trình “Áo ấm vì học sinh dân tộc miền núi” trong suốt sáu năm qua, và mỗi năm quyên góp ít nhất 100.000 áo ấm tặng học trò vùng cao. Cách quyên góp của Linh còn là câu chuyện giáo dục sự sẻ chia của học sinh thành thị với trò nghèo vùng rét.
Chắc người thành thị, hoặc những nơi không biết đến mùa đông sẽ không tưởng tượng được niềm vui của học trò nghèo khi nhận đồ mặc ấm |
Ca sĩ THÁI THÙY LINH |
Thái Thùy Linh xông xáo trong các chương trình văn nghệ từ thiện - Ảnh: FBNV |
Thư ngỏ từ một chuyến đi
Cuối tháng 10-2011, Thái Thùy Linh được mời tham gia chuyến từ thiện đi tặng quà, giao lưu văn nghệ với thầy trò Trường THCS dân tộc nội trú Nậm Mười (xã Nậm Mười, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Linh nói: “Chuyến đi đó, một ca sĩ trẻ như tôi chỉ đơn thuần là... “bình hoa” để “trang trí” cho chương trình. Nhưng nó đã thay đổi đáng kể cuộc sống của tôi về sau”.
Do địa bàn xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, nhất là về đi lại nên đoàn thiện nguyện đã “bất đắc dĩ” ở lại một đêm tại trường và có dịp chứng kiến những đứa trẻ ăn bữa cơm tối chỉ với cơm hẩm, muối rang, quả trám khô băm trộn với ớt tươi.
Đặc biệt, những học sinh nơi đây đều mong manh trong chiếc áo mỏng. Trời càng về tối càng lạnh, đám trẻ càng run rẩy, mũi dãi thò lò, đôi môi bợt đi.
Sau khi nhìn các bé ăn cơm, rồi sau đó được mời ăn bữa “cơm khách”, Linh không thể nuốt nổi. Chuyến đi ngắn ngủi đã ám ảnh cô từng giờ sau khi về Hà Nội. Ngay đêm đầu tiên về nhà và nằm ôm con gái, cô đã khóc khi nghĩ tới các bé học trò vùng cao mà cô đã gặp.
“Thời điểm đó, chỉ 6.000 đồng một hộp sữa tươi, nhưng với các em học sinh ở Nậm Mười thì nó là thứ gì đó quá cao sang. Bởi việc mỗi tuần các em phải góp 10.000 đồng để thầy cô mua thức ăn đã là khoản tiền không hề nhỏ đối với các em và gia đình. Tính ra mỗi ngày các em chỉ có 1.300 đồng để mua thức ăn cho hai bữa chính thì làm sao có tiền mua sữa?”- Thái Thùy Linh nhớ lại.
Sau đó Linh rủ thêm bốn người bạn trở lại Nậm Mười. Nhóm của Linh phối hợp với các thầy cô khảo sát nhu cầu của học sinh, và kết quả: 100% học sinh dân tộc tại xã Nậm Mười thiếu áo rét.
Linh cũng nhờ các thầy cô phát phiếu để học sinh tự điền vào ô “thích cái gì” trong các phương án cần hỗ trợ: quần áo ấm, tiền ăn, gạo, củi, thịt. Trong gần 200 học sinh được hỏi thì đến 70% điền vào ô “quần áo ấm”, còn lại điền vào ô “tiền ăn”, “gạo”, “củi”, “thịt”. Mở rộng điều tra trường bên cạnh thì kết quả thu được cũng tương tự.
Ý tưởng chương trình “Áo ấm vì trẻ em dân tộc miền núi” đã nhanh chóng ra đời. Linh soạn một “thư ngỏ từ Thái Thùy Linh gửi những người quen và người có thể chưa quen” rồi đăng trên Facebook để vận động bạn bè, người hâm mộ ủng hộ quần áo ấm.
Thái Thùy Linh (thứ hai từ trái qua) và đội “áo ấm” của cô trước xe tải chở áo ấm lên Điện Biên trong mùa đông năm nay - Ảnh nhân vật cung cấp |
100.000 bộ quần áo ấm/năm
Bức thư ngỏ đăng lên Facebook, rất nhiều bạn bè, người hâm mộ đã comment ủng hộ, tặng quần áo ấm. Linh phải kêu gọi đội tình nguyện viên đến 60 người làm “xe ôm” để đến từng nơi tiếp nhận quần áo.
Chỉ trong vòng một tháng, hơn 1,5 tấn quần áo đã được quyên góp và Linh chuyển ngay lên trường Nậm Mười. Sau chuyến hàng đầu tiên, thấy những đứa trẻ đón nhận rất hào hứng nên Linh quyết định vận động tiếp dù khi đó đã cận tết.
“Cứ nghĩ đến cảnh học sinh học mà có đống lửa trong lớp, hoặc đang học mà cô giáo phải cho học sinh giải lao ra ngoài nhảy dây cho ấm người thì mới thấy các em đang cần áo rét thế nào. Vì thế dù cận tết Linh vẫn quyết tâm vận động tiếp” - Linh kể.
Cũng theo cách tính của Linh khi đó, học sinh các tỉnh miền núi có khoảng 1 triệu em, và số học sinh ở Hà Nội cũng gấp nhiều lần. Vì thế chỉ cần vận động mỗi học sinh thủ đô góp một bộ quần áo ấm không dùng đến thì các học sinh miền núi đủ áo ấm mặc.
Linh nhờ Trung ương Hội LHTN Việt Nam, nhờ Thành đoàn Hà Nội phát động thí điểm việc quyên góp quần áo ấm ở một quận. Chỉ trong một tuần, học sinh quận Cầu Giấy đã ủng hộ 15 tấn áo quần. 15 tấn hàng đổ về, Linh phải kêu gọi, huy động mấy trăm sinh viên tình nguyện để phân loại hàng mà không xuể.
Thời gian thì gấp nên Linh quyết định chuyển gấp lên các tỉnh miền núi, chỉ cần 50% trong số 15 tấn hàng này đến kịp với học sinh là cũng quá tốt.
Từ thành công này, Linh quyết định sẽ duy trì việc quyên góp quần áo ấm trong học sinh, và Hải Phòng là địa bàn mà Linh nhắm tới ngay từ năm 2012. Có người nói sao Linh không vận động tiền, mua quần áo ấm mới tặng học sinh 1-2 trường thôi, chứ quyên góp nhiều, làm rộng thế rất phức tạp, vất vả. Nhưng Linh lại nghĩ khác và có cách làm riêng.
Cô nói: “Tôi muốn bản thân mỗi học sinh thành phố phải có ý thức san sẻ với các học sinh miền núi”.
Linh cho biết từ khi phối hợp thực hiện với Thành đoàn Hải Phòng thì lượng hàng rất dồi dào, mỗi năm nhóm của Linh tiếp nhận, chuyển lên các tỉnh miền núi ít nhất 100.000 bộ quần áo ấm còn rất tốt do chính các học sinh đã tự phân loại “xanh nhỏ, đỏ to” (dây buộc, giấy đề can dán bên ngoài vỏ bao hàng, màu xanh sẽ dành cho học sinh tiểu học, dây đỏ, đề can đỏ là cho học sinh THCS).
“Chắc người thành thị, hoặc những nơi không biết đến mùa đông sẽ không tưởng tượng được niềm vui của học trò nghèo khi nhận đồ mặc ấm. Đó là động cơ để tôi cùng nhóm của mình vẫn duy trì chương trình” - Linh tâm sự.
Thái Thùy Linh gắn bó với các hoạt động văn nghệ tình nguyện - Ảnh: FBNV |
Theo đánh giá của Trung ương Hội LHTN Việt Nam thì chương trình “áo ấm” của Thái Thùy Linh đến thời điểm này vẫn là một trong những chương trình lớn nhất, duy trì đều nhất. Và không chỉ nhóm của Linh, những năm qua có rất nhiều tổ chức, đội nhóm, cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình “áo ấm” của Trung ương Hội LHTN Việt Nam. Ngay như báo Tuổi Trẻ, từ năm 2008-2009 trở lại đây, cứ mỗi dịp cuối năm, mùa đông là lại tổ chức những chuyến tặng áo ấm, giày cho học sinh miền núi. Khi phát động quyên góp quần áo ấm cho vùng rét thì báo Tuổi Trẻ đón nhận rất nhiều quần áo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận