Phóng to |
Mất đến ba năm, Thiên Bảo (vai Trần Thủ Độ), Hứa Vĩ Văn (vai thái tử Sảm - sau là Lý Huệ Tông) và Lã Thanh Huyền (vai Trần Thị Dung - sau là Linh Từ quốc mẫu) - bộ ba vai chính của phim mới đến được với khán giả truyền hình... - Ảnh: Hãng Phim truyện 1 |
Thông tin này bất ngờ với cả đạo diễn và tác giả kịch bản của phim! Trước đó, trong lễ trao giải Cánh diều 2012 (3-2013), Thái sư Trần Thủ Độ đã gặt ba giải chính của lĩnh vực phim truyền hình, và khi ấy khán giả vẫn chưa một lần được xem phim! Cục Điện ảnh cùng UBND TP Hà Nội đã từng “cầu cứu” sóng truyền hình (tháng 8-2013) nhưng 30 tập phim với hơn 56 tỉ đồng kinh phí vẫn trễ hẹn đến tận tháng 10. Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đã chia sẻ với PV Tuổi Trẻ những cảm xúc của ông nhân “sự kiện” này.
* Sáng 4-10, Thái sư Trần Thủ Độ - bộ phim truyền hình mất đến ba năm mới được chào khán giả bằng tập đầu tiên phát sóng lúc 7 giờ trên kênh của Đài truyền hình Hà Nội. Ông có thấy vui không?
- Tôi đã ở tuổi này thì dường như mọi biến động khó còn tác động được nhiều vào cảm xúc của mình nữa. Phim được chiếu dù muộn màng thì có vẫn còn hơn không. Tất nhiên là ai cũng mừng, tôi mừng cho đoàn phim, mừng cho các diễn viên đã vất vả với dự án này ba năm trước. Bộ phim xứng đáng được trân trọng. Những nỗ lực là đột phá. Tuy nhiên, mọi người đã cố gắng hết sức mà giờ phim mới được chiếu thì cũng hơi buồn một chút.
Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn - Ảnh: Gia Tiến |
- Tôi được xem 10 tập đầu tiên của phim, vì khác với phim khác, tôi quan tâm chung đến bộ phim như các thành viên trong đoàn chứ không chỉ là viết kịch bản xong rồi thôi. Phải nói thẳng ra rằng phim này so với các phim lịch sử khác có nhiều ưu thế lớn lắm.
Ưu thế đầu tiên là phim được đầu tư lớn, các phim khác chỉ được đầu tư bằng 1/10. Ưu thế thứ hai là do hoàn cảnh “lịch sử” khi làm phim, Hãng Phim truyện 1 cùng ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long lúc đó đặt quyết tâm thực hiện rất cao bởi ban đầu đây là dự án được chọn để chiếu chính thức chào mừng đại lễ.
Sự tập trung tối đa và đầu tư xứng đáng đã mang lại hiệu quả cao cho phim. Ngay từ khi bắt tay vào viết kịch bản, yếu tố mà tôi muốn tránh nhất là sân khấu hóa lịch sử trong phim nên tôi nghiêng câu chuyện của kịch bản văn học theo hướng tiểu thuyết, tôi tin điều này sẽ khiến phim có sức hút kiểu khác với các phim lịch sử VN khán giả quen xem. Vẫn phải nhắc lại, giá như phim được phát sóng sớm thì có lẽ phim có thể mở ra một cách làm, cách nhìn nhận khác về phim lịch sử Việt, khác nhiều đấy...
* Phim làm để phục vụ đại lễ nhưng ba năm sau - khi dư âm về đại lễ đã phai nhạt đi nhiều, Thái sư Trần Thủ Độ mới có cơ hội đến với khán giả. Trong cái rủi này có cái may nào không, thưa ông?
- Trễ ba năm, có cái được và cái không được. Phim mà ra đúng đại lễ thì xét về mặt chính trị có vẻ phù hợp đấy, nhưng hòa chung không khí kỷ niệm với quá nhiều món ăn ngon dở khác nhau thì sự xuất hiện thêm của một món ăn chưa chắc đã hay. Thái sư Trần Thủ Độ chiếu trễ, khán giả có sự bình thản khi xem phim. Nếu phim dở, họ chê cũng là xứng đáng vì chắc là nó dở thật. Còn nếu hay thì ba năm hay 30 năm cũng không phải là muộn để thừa nhận những giá trị tốt, và các nhà làm phim sẽ có sự tự hào chân chính của mình.
* Nếu Thái sư Trần Thủ Độ có được hiệu ứng tốt từ khán giả, theo ông, đầu tư mạnh cho dòng phim này có nên là việc cần thiết của phim ảnh Việt hiện tại?
- Tôi không phải là người làm phim lịch sử nhưng khi được đề nghị làm phim lịch sử thì tôi rất hăng hái. Không chỉ vì tôi muốn thử sức trong một lĩnh vực không phải là sở trường của mình, ấy chỉ là một lý do phụ. Cái chính là tôi thấy khán giả Việt bây giờ quen với lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc qua quá nhiều phim lịch sử của nước họ được chiếu trên các kênh truyền hình của nước mình.
Bất cứ một nghệ sĩ sáng tạo nào cũng sẽ tự ái về điều đó. Bởi thế tôi càng nỗ lực tìm tư liệu, tìm hướng phát triển câu chuyện để sao cho khán giả Việt xem phim sẽ thích, sẽ tin, sẽ gần với sử Việt hơn. Thế nên khi Thái sư Trần Thủ Độ bị vướng vào những trục trặc không đáng có, tôi rất buồn.
Về mặt chính trị, ý thức thì ai cũng biết phim sử Việt rất cần nhưng khi sản xuất thì vướng nhiều cái. Thái sư Trần Thủ Độ không được chọn chiếu đại lễ đâu phải vì sản xuất trễ, với tốc độ làm khi đó có khi còn hoàn thành trước bốn tháng. Nhưng có ông A, B, C nào đó đã đưa ra cái ý là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sao lại làm phim về Trần Thủ Độ - người mà theo lịch sử đã tiêu diệt nhà Lý? Và rồi ban chỉ đạo bảo phim nên làm trễ đi để không chiếu đúng hạn nữa. Chứ không phải tiến độ làm phim trễ! Tôi nói lại chuyện này để nói rằng phim lịch sử của ta muốn đến được với khán giả lại hay vướng vào những cái không đáng có chứ không phải vì nghệ sĩ không có tài hay phim không có tiền đâu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận