Phóng to |
Thái Minh: “Điều thật sự làm trái tim rung động chính là âm thanh của cây đàn guitar” - Ảnh: Danh Vương |
Đây cũng là chương trình đánh dấu chuyến trở về VN của Thái Minh khi đang theo học thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành guitar biểu diễn và trợ giảng tại ĐH Wisconsin, Mỹ.
13 tuổi, bố mẹ ly hôn, cậu bé đa cảm sống với những kỷ niệm về bố bằng việc ngồi gảy chiếc guitar bố để lại. Nhưng từ cậu bé bỡ ngỡ trong lớp guitar của nghệ sĩ Hải Thoại ở Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội đến giải ba Đại hội guitar lớn nhất vùng Tây Bắc Mỹ và Canada tổ chức tại tiểu bang Washington (năm 2011) 10 năm sau là một con đường rất dài.
Từng học toán tin tại ĐH Bách khoa Hà Nội, học kinh doanh quốc tế tại Mỹ nhưng con đường Thái Minh chọn lại là trở thành nghệ sĩ guitar. Chia sẻ về lựa chọn khiến không ít người ngao ngán, Thái Minh nói: “Học bách khoa vì giỏi tự nhiên mà không biết mình thích gì. Học đàn nhưng dân chơi nhạc coi mình là kẻ ngoại đạo. Cuộc sống giữa ngã ba đường, tát nước theo mưa buồn chán lắm. Rồi tôi đi Mỹ du học, đối với tôi đó là cuộc phiêu lưu để xem mình muốn gì. Hai năm đầu sống ở Mỹ, tôi biết mình vẫn có cơ hội khi nhận ra điều thật sự làm trái tim rung động chính là âm thanh của cây đàn guitar”.
* Chưa từng học nhạc viện nhưng bù lại Thái Minh có những người thầy rất xuất sắc. Hẳn họ đã để lại nhiều dấu ấn trong cách chơi nhạc của anh?
- Không học nhạc viện có cái lợi là mình không gò bó, tự do lựa chọn những người thầy phù hợp với mình nhất. Cái không tốt là nền tảng âm nhạc nói chung là hổng. Nhưng những người thầy của tôi rất tâm huyết và là những người xuất sắc trong nghề như thầy Hải Thoại, thầy Tuấn Khang và thầy Châu Đăng Khoa. Cũng ở thầy Khoa, tôi dành tình yêu cho âm nhạc cổ điển. Tuy nhiên, các thầy ở Mỹ dạy tôi cách tạo nên một bức tranh bằng âm nhạc, thoát khỏi cái nhìn tiểu tiết để tạo nên các giai điệu cho toàn bộ bản nhạc.
* Mỗi thầy đều để lại dấu ấn, nhưng đâu là dấu ấn riêng của Thái Minh?
- Tôi là người cân bằng các yếu tố. Cân bằng giữa học thuật và bản năng. Các thầy VN chơi đàn thiên về cảm xúc, đánh phủi là chủ yếu. Còn ở Mỹ, người ta thiên về học thuật, chỉn chu. Sự khác nhau khá mập mờ, nhưng khi mình nghe người phương Đông chơi nhạc biết ngay. Người phương Tây chơi nhạc hơi cứng, nốt nào ra nốt đó. Vừa có cái phủi của VN, vừa chỉn chu theo kiểu phương Tây tạo nên sự khác biệt của Thái Minh ở cả hai môi trường.
* Mới đây, anh đã mua một cây guitar được chế tác từ năm 1981 với giá 10.000 usd. Chơi một cây đàn như vậy có gì khác?
- Khác hơn rất nhiều. Những cây đàn bình thường hay bị chênh và phô. Với cây đàn này, độ vang của các dây rất đều, không bị chìm như nhiều cây đàn thông thường. Tiếng không bị vỡ, độ ngân đều và tắt đều chứ không bị méo tiếng hoặc chênh nốt. Tôi mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm cây đàn phù hợp với mình rồi cuối cùng tìm ra cây đàn này. Nó có độ đằm của 30 năm, vừa có thể chỉn chu, vừa có thể đánh phủi được. Đó cũng là một khoản đầu tư của mẹ khi tôi quyết chọn con đường là nghệ sĩ guitar cổ điển.
Như Thái Minh, Trường Giang cũng là một người nỗ lực tự học và chọn con đường trở thành giáo viên dạy guitar chuyên nghiệp, là thầy của rất nhiều sinh viên Hà Nội đam mê guitar. Không có nhiều cơ hội tổ chức các sô diễn, Trường Giang chia sẻ tiếng đàn trên các trang mạng xã hội và website về guitar của riêng mình. Các clip biểu diễn guitar trên trang YouTube thu hút hàng ngàn lượt truy cập. Trường Giang cũng là quản trị diễn đàn Viet-guitar.vn - một diễn đàn hội tụ hàng ngàn thành viên trong cả nước cùng giao lưu, học hỏi và trao đổi guitar. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận